Kỳ công phục chế hiện vật bảo tàng

Những ngày đầu tháng 3-2019, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã hoàn tất và trao lại Bảo tàng Kaysone Phomvihane (Lào) 4 tác phẩm mỹ thuật quý sau khi được phục chế thành công.
Chuyên gia Nhật Bản đang phục chế tượng Phật A-di-đà
Chuyên gia Nhật Bản đang phục chế tượng Phật A-di-đà

 Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển trong công tác tu bổ, phục hồi các tác phẩm mỹ thuật cũng như hiện vật cổ của giới bảo tàng trong nước. Song câu chuyện về một trung tâm phục chế, phục hồi các tác phẩm mỹ thuật cũng như hiện vật cổ đến thời điểm này vẫn là một giấc mơ.

Hàng ngàn hiện vật nguy cơ hư hỏng

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ, bảo tàng hiện lưu giữ gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị; trong đó có bộ sưu tập tác phẩm của các thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và họa sĩ kháng chiến. Do khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng điều kiện bảo quản thời chiến khó khăn, nên một lượng lớn tác phẩm sưu tầm về đây bị hư hỏng, cần được tu sửa. Năm 2006, bảo tàng thành lập Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, trở thành nơi có chuyên môn tốt nhất về công tác này ở trong nước. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm có giá trị bị hư hỏng nặng phải mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ tu sửa. Điển hình như bức tranh Em Thúy (Trần Văn Cẩn) có sự hỗ trợ của các chuyên gia Anh.

Tranh sơn mài Nam Bắc một nhà (Nguyễn Văn Tỵ), Hội chùa (Lê Quốc Lộc) do chuyên gia từ Mỹ giúp tu sửa. Bức Mẹ con (Lê Thị Kim Bạch), Uống rượu cần (Kà Kha Sam) có sự phối hợp phục chế của chuyên gia Đức... Hay như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Quỹ Sumitomo Nhật Bản hợp tác phục chế 3 hiện vật là bức tranh chùa Hàm Long, tượng Phật Nhật Bản và cửa chùa Phổ Minh, kéo dài tới 6 năm với tổng số tiền tài trợ lên tới 24 triệu Yên (tương đương 4,8 tỷ đồng).

TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết trải qua thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhiều hiện vật quý tuy chưa tới mức độ phá hủy không thể cứu vãn, nhưng cũng đã hư hại khá nhiều. Như mộ thuyền khai quật ở Hà Nam, dù quý giá nhưng tới nay đã có hiện tượng bị mủn. Nhiều hiện vật quý được đưa lên từ hố khai quật hay từ biển, nhưng do quy trình bảo quản khá thô sơ, không có buồng bảo quản chuyên biệt nên nhiều hiện vật bị phân hủy mạnh.

Gắn bó với công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật 30 năm, ông Trần Dũng Tiến chia sẻ, hiện nhu cầu phục chế các tác phẩm mỹ thuật ở trong nước rất lớn. Và muốn làm tốt hơn việc này, trước tiên phải mở trường lớp đào tạo chuyên ngành, hoặc tạo điều kiện để cán bộ, kỹ thuật viên trao đổi, học tập tại các quốc gia phát triển. Tiếp đó là đầu tư trang thiết bị hiện đại. Những công việc này có thể kêu gọi xã hội hóa.

“Bệnh viện” riêng dành cho cổ vật

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, công việc bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật hiện nay ở nước ta đã có đầu tư và tiến bộ, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. “Việc tu sửa đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công hơn cả sáng tác một bức tranh. Làm sao để tìm được đúng chất liệu, màu sắc nguyên bản thời kỳ đó là thách thức lớn. Hơn nữa, người làm công tác này không được ghi danh. Cống hiến thầm lặng như thế nên không phải ai cũng chọn dấn thân. Hiện trong nước chưa có nơi đào tạo chuyên ngành này, trong khi hầu hết các cán bộ đều là họa sĩ, kỹ sư hóa học”, họa sĩ Trần Khánh Chương trải lòng.

Là một trong những người đau đáu về việc bảo quản hiện vật, TS Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng cần phải thay đổi về cả nhận thức và hành động để làm sao những hiện vật của bảo tàng, di tích được bảo quản một cách tốt nhất. “Con người có hạn, không gian bảo quản cũng có hạn, thiết bị chưa được đầu tư nhiều nên công tác bảo quản chưa tạo sức lan tỏa mạnh”, TS Quốc Quân nói.

Nhiều năm trước từng có đề xuất về “bệnh viện phục chế” đặt ở 3 miền, nhưng đến nay chưa có tiến triển mới. Phân tích vấn đề này, TS Phạm Quốc Quân nhận xét, có thể thời điểm khi đó chưa thực sự chín muồi, hoặc khó khăn về kinh phí và quan trọng nhất là nhận thức thời lúc đó chưa là yêu cầu bức thiết đối với bảo quản hiện vật. Đa số chuyên gia đều khẳng định, khó khăn nhất đối với ý tưởng hình thành “bệnh viện” cứu chữa cổ vật là kinh phí hoạt động. Song có thực tế trái ngược là người Việt không tiếc tiền công đức xây dựng, bảo tồn di tích tâm linh, nhưng xã hội hóa bảo quản hiện vật không mấy ai để ý.

Theo Cục Di sản văn hóa, hiện Việt Nam có khoảng 160 bảo tàng phân bố khắp cả nước; trong đó có 125 bảo tàng công lập, lưu giữ hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật. Các hiện vật tại bảo tàng khá đa dạng về chất liệu và với điệu kiện khí hậu Việt Nam hiện nay thì bảo quản và phục chế luôn là vấn đề cấp bách. Ý tưởng về một mô hình trung tâm bảo quản cổ vật ở Việt Nam cần phải được tiến hành sao cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì các nhà quản lý cần phải nghiên cứu. Và trong khi tiếp tục chờ đợi, những hiện vật, tác phẩm quý vẫn đang đối mặt với nguy cơ biến mất…

Tin cùng chuyên mục