Bức ký họa giản dị, không màu sắc lung linh nhưng được lòng khá nhiều khách. Như một chút chầm chậm để thư giãn, một nét đẹp mang chút hoài cổ, đơn sơ giữa lòng thành phố nhộn nhịp, hiện đại.
Vào mỗi dịp cuối tuần, những điểm vui chơi ở trung tâm thành phố như Đường sách TPHCM (trên đường Nguyễn Văn Bình), Bưu điện Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ… lại nhộn nhịp hơn bao giờ. Bên cạnh các hoạt động vui chơi, mua sắm, nhiều người vẫn dừng chân chọn cho mình một bức ký họa chân dung để lưu niệm. Không quảng cáo rầm rộ, hay ở các cửa hiệu lớn, dòng tranh ký họa chân dung chọn cách lặng lẽ, mộc mạc nhất như những gì vốn có. Với giấy, bút chì và sự khéo léo của người thợ vẽ, trong khoảng 15-20 phút, khách hàng đã có bức ký họa chân dung của riêng mình với giá dao động 150.000 - 200.000 đồng/bức.
Có khá nhiều thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho nhu cầu chụp và lưu giữ hình ảnh của người dùng hiện nay. Người dùng còn có thể chia sẻ trực tiếp những hình ảnh đã chụp lên mạng xã hội. Dòng tranh ký họa chân dung tuy không có nhiều ưu điểm như thế, nhưng vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng. “Chụp hình thì có ưu điểm của chụp hình, nhưng nó khác với tranh ký họa. Tranh ký họa hoàn toàn tự nhiên, có sao vẽ vậy, chủ yếu là vẽ thật nhất khuôn mặt của khách hàng và đôi mắt phải thật có hồn”, ông Văn Long (ngụ quận 1), người có 40 năm vẽ ký họa chân dung ở khu vực Đường sách TPHCM và Bưu điện Thành phố vào mỗi cuối tuần, cho biết.
Tùy thuộc vào từng yêu cầu của khách hàng mà mỗi bức ký họa thể hiện khác nhau, nhiều khi chỉ vẽ những nét chính trên gương mặt là xong, có người lại yêu cầu phải thật tỉ mỉ cả tóc, tai… Nhiều bạn trẻ hiện nay tốt nghiệp từ các trường mỹ thuật nhưng cũng chưa hẳn vẽ chân dung được. “Tuy đơn giản, nhưng phải thật và tranh phải có hồn, đó mới là các khó của ký họa chân dung”, ông Văn Long chia sẻ thêm. “Tôi nhận vẽ ký họa cũng hơn 2 năm, nhưng nhiều bữa có khách chê là chuyện bình thường. Mình ráng rút kinh nghiệm để khắc phục”, anh Minh Hiếu (ngụ quận 12) cho hay.
Khách hàng tìm đến với ký họa chân dung tuy không quá đông, “lai rai cũng đủ để mình kiếm cơm bằng công việc mình thích”, anh Minh Hiếu tiết lộ. Đủ mọi đối tượng, từ người lớn đến những bạn trẻ. Người lớn như tìm về một chút hoài niệm của những ngày xưa cũ, khi mà việc chụp hình vẫn chưa phổ biến nhiều. Còn người trẻ vì chút thú vị, chút tò mò và muốn ghi lại những thời điểm thanh xuân tươi đẹp của tuổi trẻ. “Tôi cũng có vài bức ký họa chân dung và treo ở nhà, để làm kỷ niệm”, chia sẻ từ Huỳnh Trang (sinh viên Nhạc viện TPHCM).
Tại TPHCM, ngoài những điểm như Đường sách TPHCM, Bưu điện Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ thì các hội chợ cuối tuần như The Box Market tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM là nơi khách có thể tìm cho mình một chỗ vẽ ký họa chân dung để tạo sự khác biệt.