Kỷ niệm 50 năm ngành phòng cháy chữa cháy - Chống “giặc lửa” không còn... đơn độc

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Pháp lệnh phòng cháy chữa cháy (PCCC), 10 năm thi hành Luật PCCC và 5 năm thành lập Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Triều Dương (ảnh), Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, về công tác PCCC trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn đô thị hóa hiện nay.
Kỷ niệm 50 năm ngành phòng cháy chữa cháy - Chống “giặc lửa” không còn... đơn độc

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Pháp lệnh phòng cháy chữa cháy (PCCC), 10 năm thi hành Luật PCCC và 5 năm thành lập Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Triều Dương (ảnh), Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, về công tác PCCC trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn đô thị hóa hiện nay.

- Phóng viên: Đồng chí có thể khái quát tình hình cháy, nổ trong thời gian vừa qua; nhất là giai đoạn sau khi Sở Cảnh sát PCCC TPHCM được thành lập?

Kỷ niệm 50 năm ngành phòng cháy chữa cháy - Chống “giặc lửa” không còn... đơn độc ảnh 1

- Thiếu tướng TRẦN TRIỀU DƯƠNG: Trước tiên, thông qua Báo SGGP, cho phép tôi thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc và cán bộ chiến sĩ Sở Cảnh sát PCCC cảm ơn sự hỗ trợ, tạo điều kiện trong thời gian vừa qua của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền quận, huyện và nhất là nhân dân TPHCM. Bởi lẽ, không có sự hỗ trợ đó, Phòng Cảnh sát PCCC trước đây, Sở Cảnh sát PCCC TP hiện nay khó đạt được những thành quả như ngày hôm nay.

Có thể nói ngay rằng, tình hình cháy, nổ hiện đã được kéo giảm; lực lượng PCCC đang dần lớn mạnh, nắm bắt được tình hình, làm chủ được thiết bị. Càng phấn khởi hơn khi lực lượng chữa cháy tại chỗ của cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, trung tâm thương mại… đã phát huy được ưu thế. Từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra 91 vụ cháy, so với cùng kỳ giảm 62 vụ; số vụ cháy lớn và nghiêm trọng cũng đều giảm với tỷ lệ cao; thiệt hại về người không tăng và thiệt hại tài sản giảm hơn 62 tỷ đồng. Con số này chưa tính đến việc lực lượng PCCC tại chỗ đã dập tắt kịp thời 6 vụ cháy và xử lý 536 vụ cháy khi vừa phát sinh. Điều đáng biểu dương là hơn 70% số vụ cháy được lực lượng tại chỗ xử lý đều nằm trong khu dân cư – một trong những trọng điểm xảy ra cháy nhiều nhất từ trước đến nay.

- Thiếu tướng vừa nhắc đến địa bàn dân cư, khu vực khá nhạy cảm. Trong thời gian qua, Sở Cảnh sát PCCC đã chuyển hóa được bao nhiêu khu dân cư phức tạp có nguy cơ cháy, nổ cao?

- Rất mừng khi chỉ còn hơn 10 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Một thời gian dài, việc chuyển hóa khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao rất khó khăn, do lịch sử để lại cũng như nhiều lý do khách quan khác. Cách đây mấy năm, Thành ủy, UBND TPHCM đã chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp chuyển hóa khẩn trương, qua tham mưu của chúng tôi.

Có thể nói chưa lúc nào, việc thực hiện tốt huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác toàn dân PCCC như lúc này. Qua tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của Sở Cảnh sát PCCC và việc thực hiện của UBND các quận, huyện; sự tham gia của chủ doanh nghiệp, cơ sở, nhân dân đã tạo nên giải pháp khá đồng bộ. Giờ đây, các chủ doanh nghiệp, cơ sở, nhân dân không còn coi công tác PCCC là của riêng lực lượng PCCC. Chính vì vậy, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có thể tự tổ chức kiểm tra PCCC; còn nhân dân đã ý thức cao việc phòng cháy, biết cách cứu chữa và tự trang bị thiết bị; các đơn vị đặc biệt nhạy cảm đã tự trang bị phương tiện, chất chữa cháy chuyên dùng... Tính đến nay, hàng tháng có khoảng 17.000 lượt tự thực tập và hơn 3.000 lượt phương án PCCC, cứu hộ, cứu nạn. Các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao được chuyển hóa với sự đồng thuận, hỗ trợ của nhân dân, chính quyền…

- Như vậy theo đồng chí, tình hình cháy, nổ đang chuyển biến khả quan?

- (Cười) Không hẳn như vậy. Tình hình cháy, nổ trên địa bàn TPHCM còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng; số vụ do mâu thuẫn tự đốt, tự gây cháy còn cao. Cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông còn xảy ra nhiều, đặc biệt vào cao điểm, tan tầm; nguồn nước ở một số khu dân cư tập trung đông người không đảm bảo, dẫn đến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, lực lượng PCCC chuyên nghiệp chưa phủ hết TPHCM.

Hiện chúng tôi đang tập trung xây dựng phương án chữa cháy tại các chung cư, tòa nhà, văn phòng cao tầng hay hầm chui. Thời gian qua, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã chủ động cử cán bộ đi công tác và học tập ở các nước trên thế giới. Qua đó, chúng tôi đã tiếp cận được với các phương tiện chữa cháy hiện đại, công nghệ mới, như: máy bay trực thăng chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; các phương pháp xử lý sự cố hóa chất nguy hại, công nghệ định vị toàn cầu. Mới đây, Sở Cảnh sát PCCC kết hợp với Trung tâm VOV giao thông lắp đặt thiết bị điều khiển camera tại các giao lộ, tòa nhà cao tầng nhằm phục vụ tốt cho công tác theo dõi, quản lý PCCC.

- Trong thời gian qua, lực lượng PCCC đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Chúng tôi được biết, vụ chữa cháy nào cũng được sở tổ chức rút kinh nghiệm ngay tại hiện trường.

- Việc họp tổ chức rút kinh nghiệm tại hiện trường đối với những vụ cháy lớn cũng không có gì mới mà thật sự, chúng tôi muốn thông tin trung thực từ đơn vị trực tiếp tham gia chữa cháy cũng như đối với cơ quan thông tấn, báo chí. Trước đây, khi vào công tác tại TPHCM, tại một buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó đã chúc mừng thành tích của lực lượng PCCC TPHCM. Tôi thật sự xúc động với nghĩa cử này của vị lãnh đạo cấp cao và tôi nghĩ lời khen ngợi đó không phải dành riêng cá nhân tôi, lực lượng PCCC mà là của cả nhân dân TPHCM.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục