Việc hai cây xăng ở Hà Nội mới đây bị bắt quả tang khi dùng điều khiển từ xa và gắn chip cùng bảng mạch điện tử vào cột bơm làm sai lệch bộ đếm để gian lận một lần nữa khiến dư luận bức xúc. Trước đó, một số cây xăng ở Hà Nội cũng bị cho là gian lận khi người mua phát hiện “nhảy số kỳ lạ” hoặc “cảm giác thiếu”; hay người dân kéo đến phản ứng với một cây xăng ở Đà Nẵng vì cho rằng nơi này đong thiếu…
Điều đó cho thấy, việc gian lận ở các cây xăng dường như xảy ra ở nhiều nơi và không có điểm dừng, chỉ có phương thức thực hiện là khác nhau. Tức là, người tiêu dùng có nguy cơ bị móc túi thường xuyên, liên tục mà không có cách nào hạn chế việc đó nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc.
Rõ ràng, người tiêu dùng luôn bị động và gần như không đủ khả năng phòng tránh các chiêu thức gian lận của các cây xăng. Bởi xăng dầu là loại hàng hóa khá đặc biệt, dù việc trao đổi hoàn toàn là “thuận mua vừa bán” nhưng người tiêu dùng không thể xác định được chất lượng và số lượng của hàng hóa mình mua một cách chính xác. Một người cẩn thận, có thể để bình xăng cạn, khi đã đi được một quãng đường nhất định mới đổ xăng thì ở các cây xăng khác nhau hoàn toàn có thể xảy ra việc chỉ số lượng xăng khác nhau mà không thể biết rõ là liệu nơi nào có gian lận hay không, hoặc do những lý do khác.
Hoặc, nếu đổ xăng rồi, nhưng máy nổ không đều, xe bị nóng hơn bình thường… thì cũng khó xác định được liệu xăng có vấn đề hay vì lý do xe hỏng, bị ngập nước, thiếu nhớt… Thậm chí, có người cẩn thận hơn, chỉ đổ cùng một cây xăng, nhưng với các trụ xăng khác nhau hoặc ở các thời điểm khác nhau thì chỉ số cũng có thể khác nhau… Tức là, người tiêu dùng bình thường gần như hoàn toàn “chịu thua” người bán hàng, chỉ phó thác hoàn toàn sự may rủi cho họ, tùy theo đạo đức kinh doanh của người bán và sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Có thể nói rằng, hiện nay, ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng được nâng lên đáng kể; sự quản lý của các cơ quan quản lý thị trường cũng khá chặt chẽ. Nhiều người truyền nhau các “bí kíp” phát hiện gian lận (như buộc nhân viên bơm phải trả về số 0, đổ các chỉ số lẻ để ít bị gian lận…), đưa danh sách những cây xăng có dấu hiệu gian lận… Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm bán xăng dầu (như Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đồng Nai đã đóng giả người mua xăng để bắt quả tang 61 cây xăng có gian lận); cung cấp đường dây nóng để người tiêu dùng phản ánh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (kể cả rút giấy phép)… Tuy nhiên, tình trạng gian lận vẫn cứ diễn ra bằng nhiều hình thức tinh vi hơn như: sử dụng khoa học công nghệ; đổ chéo trụ để đánh lạc hướng sự chú ý của khách hàng; chỉ gian lận một vài trụ trong trạm xăng (để khi bị phát hiện thì đổ cho sự cố)… Thậm chí, ngay tại TPHCM, có cửa hàng bán gian lận xăng cho khách, khi bị phát hiện, phản ứng thì nhân viên còn chửi bới và đe dọa hành hung khách. Và không người tiêu dùng nào tự tin cho rằng mình đủ thông minh để tránh được việc bị móc túi, cũng như chẳng mấy ai có thể chứng minh được một cây xăng nào đó đã gian lận với mình.
Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải được nâng cao hơn nữa mới có thể hạn chế và ngăn chặn tình trạng gian lận xăng dầu như hiện nay. Về lâu dài, cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xây dựng một trạm xăng dầu, như yêu cầu về mặt kỹ thuật, sao cho việc mua và bán hàng đều có thể lưu lại trong hệ thống máy tính, hay hạn chế tối đa việc tháo các thiết bị để gắn vào đó các thiết bị tác động đến số đếm hoặc dòng chảy của xăng dầu khi bơm cho khách… Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp bị phát hiện gian lận (tăng mức phạt buộc phải đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn…). Nhưng các biện pháp trước mắt cũng cần được quan tâm nhiều hơn như phải công khai số điện thoại nóng đến các cơ quan chức năng ở các trạm xăng, để khi người tiêu dùng thấy có nghi vấn thì có thể báo ngay; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp giám sát các cửa hàng xăng dầu, trong đó cần tăng cường vi hành, mật phục để bắt quả tang các trường hợp gian dối; sử dụng các thiết bị đo lường đối chứng…
Dĩ nhiên, người tiêu dùng phải nâng cao cảnh giác khi đổ xăng dầu. Khi phát hiện có dấu hiệu bị gian lận thì cần báo với các cơ quan chức năng, thông tin trên các cơ quan truyền thông… tránh im lặng, mặc nhiên để tình trạng đó tiếp tục diễn ra. Mỗi người nên chọn cho mình một cây xăng đáng tin cậy và đổ thường xuyên ở nơi đó và có biện pháp kiểm tra số lượng cũng như chất lượng xăng dầu…
TRỊNH MINH GIANG