Lại theo vết xe đổ

Trong buổi họp báo sau trận đấu giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội U.21 quốc gia, nếu là một HLV trưởng người nước ngoài, có lẽ ông ta sẽ nói rằng: Kết quả trận đấu không quan trọng, đội tuyển chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng. Thế nhưng, HLV Nguyễn Hữu Thắng lại thừa nhận đội tuyển đang thiếu người, bản thân ông bị các “yếu tố A, B, C” gì đó chi phối, không có những cầu thủ tốt nhất. Ông Thắng thậm chí còn ngụ ý việc VFF cấm một cầu thủ đang chịu án kỷ luật tại V-League đã làm suy yếu đội tuyển.

Sự khác biệt giữa HLV nội và ngoại nằm ở chỗ này. Các chuyên gia nước ngoài luôn bảo vệ quan điểm cũng như cầu thủ. HLV trong nước thì lại luôn tìm cách giải thích, kể cả phân trần về mặt chiến thuật, chuyên môn với giới truyền thông như thể đi tìm sự đồng cảm, không phù hợp với tư cách của một người “đứng mũi chịu sào”. Khó khăn thì như nhau, nhưng cách để giải quyết thì các chuyên gia ngoại cho thấy họ kiên định và dũng cảm hơn.

Sau khi thay thế HLV người Nhật Toshiya Miura bằng một HLV nội, triển vọng thành tích của đội tuyển Việt Nam thì chưa thấy đâu nhưng đã có những dấu hiệu thụt lùi về tính tổ chức, thái độ chuyên nghiệp nơi đội tuyển quốc gia thông qua vai trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Hai lần tập trung đội tuyển gần nhất, luôn xuất hiện tình trạng đi chậm, đến trễ, thậm chí còn gọi cả một cầu thủ đang chấn thương lên tuyển để rồi mất thời gian trả về.

Dù tuyên bố sẽ tìm kiếm các nhân tố mới, ưu tiên cho những cầu thủ có phong độ tốt nhất, nhưng HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn gọi 3 cầu thủ không được ra sân thi đấu tại Nhật Bản, Hàn Quốc về nước, triệu tập 1 thủ môn chỉ thi đấu có 1 trận tại V-League. Như vậy, sau hai lần tập trung, mới thì không thấy, đội tuyển vẫn phải dựa vào bộ khung 8 cầu thủ gốc Nghệ An và những ngôi sao trẻ của HA.GL mặc dù về lý thuyết có đến 13 CLB đóng góp cầu thủ cho đội tuyển. Điều đáng nói hơn, những tuyển thủ dưới thời của HLV nội chẳng khác gì so với lực lượng do HLV Miura xây dựng suốt 2 năm trước.

Khoan bàn đến chuyện năng lực của HLV nội so với các chuyên gia nước ngoài, bởi thành tích cũng như lối chơi của đội tuyển cần có thời gian kiểm chứng, nhưng rất dễ nhận thấy dù đã trải qua đến 13 đời HLV ngoại, tiếp nhận nhiều phong cách làm việc, tư duy huấn luyện đến từ những quốc gia tiên tiến như Bồ Đào Nha, Đức, Nhật Bản… thế nhưng khi đội tuyển trở lại với HLV nội, mọi thứ dường như không thay đổi.  Vẫn là cách làm việc có xu hướng nương theo dư luận, sự thiếu thống nhất giữa HLV trưởng và các bộ phận của LĐBĐ Việt Nam (VFF), tính kỷ luật trong đội tuyển rất yếu khi từ HLV cho đến cầu thủ đều tiếp xúc báo chí một cách dễ dàng, thoải mái bày tỏ quan điểm cá nhân, không loại trừ “mượn tay dư luận” để phục vụ cho mục đích cá nhân tạo ảnh hưởng trong đội bóng. Đây chính là những yếu tố đầu tiên để dẫn đến tính cục bộ, phe nhóm vốn tồn tại thường xuyên ở các đội tuyển quốc gia, làm suy yếu tính đoàn kết và sự phối hợp trong thi đấu.

VFF đã từng kiên quyết chọn HLV ngoại không hẳn vì chuyên môn mà chính những chuyên gia nước ngoài mới là những người có đủ năng lực để xây dựng đội tuyển quốc gia theo phương pháp khoa học, truyền đạt được những cái mới mẻ của bóng đá thế giới, nâng cấp được trình độ tư duy trong thi đấu của cầu thủ. Rất tiếc, với việc VFF thường chạy theo thành tích, dễ bị tác động từ dư luận, các HLV ngoại thường chỉ làm việc ngắn hạn và những đóng góp của họ chưa bao giờ được đúc kết để làm nền tảng hoạt động cho các đội tuyển quốc gia. Thế mới có chuyện, cứ mỗi đời HLV lại có một kiểu làm việc mới và sự khác nhau càng lớn hơn nếu so sánh giữa HLV nội, ngoại. Những lần như vậy, vai trò quản lý của VFF luôn mờ nhạt.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục