Trong Bách khoa Toàn thư Việt Nam ghi tên 4 danh nhân nhiếp ảnh, đầu tiên có cụ Đặng Huy Trứ và Khánh Ký (2 người còn lại là Võ An Ninh và Đinh Đăng Định). Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề ảnh vào nước ta, nhưng Khánh Ký mới là người phát triển nó.
Khánh Ký tên thật là Nguyễn Đình Khánh, sinh năm Giáp Tuất 1874, là người làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Lai Xá nằm bên quốc lộ 32 nối Hà Nội với Sơn Tây, làng có 5 xóm và một phố nhỏ gọi là phố Lai, đây cũng là con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng.
Lai Xá được cụ Nguyễn Đình Khánh truyền dạy nghề và trở thành làng nhiếp ảnh có từ cuối thế kỷ XIX, phát triển rực rỡ nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh đã mở hiệu ảnh chân dung đầu tiên lấy tên là Khánh Ký tại phố Hàng Da - Hà Nội. Sau đó phát triển và hình thành hơn 150 hiệu ảnh ở khắp đất nước với khoảng hơn 2.000 thợ ảnh; tập trung nhất là Hà Nội có 35 hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu ảnh…
Đặc biệt, hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ: “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký… hay: Phúc Lai, Kim Lai, Mỹ Lai… Thợ ảnh Lai Xá còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Pháp, Đức. Công này thuộc về cụ Nguyễn Đình Khánh - người Việt Nam đầu tiên đào tạo, truyền dạy nghề; vì vậy cụ được suy tôn là tổ sư Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Lai Xá đã được Nhà nước công nhận là Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá truyền thống duy nhất ở Việt Nam.
Vào những năm 1916 - 1917, khi Khánh Ký mở hiệu ảnh tại Paris, thời gian này Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động cách mạng tại Pháp. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 - 1923) (NXB Chính trị Quốc gia 2002): Giai đoạn đầu sang Pháp, Bác đã được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh… trợ giúp về tài chính, nơi ở và truyền bá cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 5-1946, cụ Khánh Ký viết thư cho Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn về nước nhưng không may, ngày 31-5-1946 cụ tạ thế tại Paris. Khi Bác sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Người đã dành thời gian đến viếng mộ cụ Khánh Ký như một người bạn vong niên.
Lai Xá còn là đất danh nhân với nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà văn hóa lớn, nhà giáo dục, giáo sư Nguyễn Văn Huyên (cố Bộ trưởng Bộ GD-ĐT); các nhà khoa học: tiến sĩ vật lý Nguyễn Quang Riệu; giáo sư Nguyễn Quang Quyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh; giáo sư, tiến sĩ vật lý Nguyễn Quỹ Đạo; NSND Bạch Diệp; NSƯT Phi Tiến Sơn...
Nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng và nhiều thế hệ các phóng viên nhiếp ảnh của các cơ quan thông tấn, báo, đài... đều trưởng thành từ đất Lai Xá; trong đó có Vũ Đình Hồng chuyên trách chụp ảnh Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (1964-1969)...
Dịp giỗ Tổ (20-4 Âm lịch) lần thứ 64 năm nay, Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và những người làm ảnh ở mọi miền đất nước hội tụ về Lai Xá với nhiều hoạt động nhiếp ảnh phong phú; đồng thời tưởng nhớ cụ tổ nghề đã có công đầu hình thành nên ngành nhiếp ảnh hôm nay
NSNA VĂN PHÚC