Làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng”

Ngày 8-10, nhiều người gắn bó mật thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Đoàn 559; Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã cùng tham gia một buổi giao lưu để làm rõ thêm tài năng, nhân cách của Đại tướng.

Ngày 8-10, nhiều người gắn bó mật thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Đoàn 559; Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã cùng tham gia một buổi giao lưu để làm rõ thêm tài năng, nhân cách của Đại tướng.

        Đại tướng sống mãi trong lòng dân

"Bài hát Đại tướng thích nhất có lẽ là bài Vì nhân dân quên mình. Đại tướng cũng thích thơ, nghe thơ nhưng ít hơn. Về món ăn, Đại tướng ăn uống rất giản dị, đặc biệt thích những món ăn quê hương như cá bống kho, rau lang luộc, canh cua"

Đại tá NGUYỄN HUYÊN

Chia sẻ một phần hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng cho biết, Đại tướng thường kể về những năm tháng gần Bác Hồ. Đại tướng nhắc đến câu chuyện, “trong một đêm giá lạnh nằm trên sàn gỗ, Bác Hồ có nói: Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng (đặt lợi ích chung lên trên hết - PV)”. Câu nói đó theo anh Văn đến suốt đời. “Nó là kim chỉ nam xuyên suốt cho những hành động của Đại tướng. Đó cũng chính là nhân cách của anh Văn. Tâm sự với chúng tôi chuyện đó, Đại tướng cũng muốn căn dặn anh em chúng tôi phải làm việc hết sức mình vì công việc chung, vì lợi ích chung” - Đại tá Nguyễn Huyên chia sẻ.

Trong những ngày qua, rất nhiều ý kiến của người dân bày tỏ mong muốn số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội sẽ thành Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để các thế hệ con cháu tự hào về Đại tướng. Theo tâm sự của bà Võ Hạnh Phúc, từ nhiều năm gia đình đã có ý định thu thập và giữ gìn những kỷ vật về ông và những tư liệu cả trong và ngoài nước về cuộc đời ông khi ông ở vị trí cao nhất của lực lượng quân đội qua hai cuộc kháng chiến và cả những khi ông phụ trách các công tác khác. “Chuyện nhà 30 Hoàng Diệu có được thành một khu lưu niệm về ông, gia đình rất mong muốn nhưng chắc sẽ phải chờ ý kiến của tổ chức. Ông luôn dạy các con, Bác Hồ dạy ông phải luôn “dĩ công vi thượng”. Ông đã làm theo thì các con cũng phải làm theo lời dạy của Bác”. Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng bày tỏ quan điểm, việc đặt tên Đại tướng cho nhà trường, cho đường phố, cho các công trình... là mong muốn của nhiều địa phương, nhân dân. Còn làm ở đâu và như thế nào lại là của các nhà chức trách. “Nhưng tôi tin rằng Đại tướng sống mãi trong lòng dân” - Trung tướng Phạm Hồng Cư nhấn mạnh.

        Nơi an táng là yêu cầu duy nhất của Đại tướng

Thông tin về địa điểm an táng Đại tướng đang được toàn dân quan tâm. Chia sẻ về điều này, bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, từ giữa những năm cuối của thập niên 90, Đại tướng và gia đình đã có ý định tìm một số nơi để khi Đại tướng “trăm tuổi”. “Ông có ý định suy nghĩ về việc đó từ rất lâu. Ban đầu, ba chúng tôi có ý định về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên). Cũng có những lúc ba chúng tôi nghĩ ở đâu đó vùng Sơn Tây (Hà Nội) để gần Bác Hồ. Cuối những năm 1990, ông nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình. Ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch. Đó là quyết định của ông” - bà Võ Hạnh Phúc cho biết. Bà cũng cho biết thêm, gia đình cũng như con trai cả của Đại tướng là Võ Điện Biên đã trả lời với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khi các đồng chí đến bàn về vấn đề tổ chức tang lễ. “Anh Võ Điện Biên nói: Suốt đời ba của tôi không có yêu cầu gì với tổ chức nhưng đây là yêu cầu duy nhất. Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Về Quảng Bình nhưng không nhất thiết là ở quê nhà làng An Xá. Quyết định về Vũng Chùa - Đảo Yến có từ năm 2006. Ông có bút tích để lại về việc này” - bà Võ Hạnh Phúc chia sẻ.

"Sau khi ông ra đi, tối 4-10, thấy nhiều bạn trẻ đứng bên kia đường, bên hàng rào ở nhà 30 Hoàng Diệu, gia đình rất cảm động. Đến ngày 5-10 khi gia đình lập bàn thờ đã đề xuất ý kiến để cho nhân dân vào tưởng niệm.

Khi bắt đầu mở cửa, thật cảm động khi chứng kiến dòng người đứng xếp hàng. Có nhiều người lính là chiến sĩ cũ của ông, các cựu chiến binh, đủ mọi thành phần, tầng lớp nhân dân. Tình cảm của người dân khiến chúng tôi khó cầm lòng. Bây giờ tổ chức tang lễ không thể đáp ứng được hết tình cảm của nhiều thế hệ. Gia đình quyết định thời gian viếng kéo dài đến 11 giờ ngày 11-10
"

Bà Võ Hạnh Phúc

Trong hồi ức của bà Võ Hạnh Phúc, trong gia đình Đại tướng là một người cha rất hiền hậu nhưng cũng rất nguyên tắc. Khi dạy dỗ con cái, ông và bà rất có ý thức rèn luyện cho tất cả con cái tự lập từ nhỏ và không nhờ vả hay đòi hỏi bất kỳ sự giúp đỡ hay ân huệ gì khi có những khó khăn. Tôi nghĩ, ông không phải là người cha nghiêm khắc mà là người cha nhân hậu, đôn hậu rất thương các con nhưng không nuông chiều. Ông và bà không bắt buộc ai trong số các con phải lựa chọn ngành nghề mà để tự quyết định. Nhưng đã làm việc gì thì phải làm hết sức.

Bà Võ Hạnh Phúc kể: “Có lần con gái tôi, cháu Ngọc Anh 13 tuổi rưỡi bị bệnh hiểm nghèo - bệnh máu trắng, trong một lần gia đình tụ họp, quây quần, ông có căn dặn các cháu phải học tập thật tốt ít nhất từ 7,8/10 điểm. Riêng Ngọc Anh chỉ cần 5,5/10 điểm. Khi các cháu khác thắc mắc vì sao Ngọc Anh chỉ cần 5,5/10 điểm, ông trả lời vì Ngọc Anh còn nhiệm vụ khác là rèn luyện sức khỏe cho ngày càng tốt lên. Ông nói thêm vì 5,5 đã là điểm trung bình khá. Tôi nghĩ là ông đã rèn cho chúng tôi tính tự lập cao, tự làm mọi việc. Luôn tìm hiểu để giải quyết vấn đề khó khăn như thế nào. Những lúc cần, lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được lời khuyên từ ông bà. Hai ông bà luôn trả lời những câu hỏi, thắc mắc của chúng tôi nhưng không làm thay”.

PHAN THẢO

THÔNG BÁO

Lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh

Đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp từ trần hồi 18 giờ 9 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ). Lễ tang đồng chí Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.

Ban lễ tang đã quyết định, cùng với thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh kính báo đến đồng bào, đồng chí, các lực lượng võ trang nhân dân đến viếng, truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

– Thời gian:

+ Lễ viếng : Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12 tháng 10 năm 2013.

+ Lễ truy điệu: Bắt đầu từ 7 giờ ngày 13 tháng 10 năm 2013.

– Địa điểm:

+ Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức có chuẩn bị vòng hoa luân lưu để các tập thể và cá nhân đến viếng.

BAN TỔ CHỨC LỄ VIẾNG VÀ LỄ TRUY ĐIỆU ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TẠI HỘI TRƯỜNG THỐNG NHẤT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thông tin liên quan

>> Đại tướng ở lại mãi với dân tộc

>> Nghẹn ngào ở 30 Hoàng Diệu!

>> Nhân kiệt làng An Xá 

Tin cùng chuyên mục