Chẳng biết từ khi nào những cụm từ “hot boy”, “hot girl” vốn chỉ dành cho cư dân mạng bỗng lan tỏa ra đời sống. Góp phần “lăng-xê” cụm từ này phổ biến ngoài đời phải kể đến những nhà chuyên kinh doanh các hoạt động giải trí dành cho tuổi teen. Được xuất hiện làm người mẫu ảnh, người mẫu thời trang, trong các bộ phim, trên sân khấu ca nhạc…, những bạn trẻ này nghiễm nhiên hoặc tự phong cho mình là “hot boy”, “hot girl”. Tuy nhiên, đằng sau các “danh hiệu” này có vô vàn những điều tiếng…
Nhiều người thắc mắc, ở đâu ra những “danh hiệu” này, do ai bình chọn và tiêu chí bình chọn ra sao? Một teen cho biết, muốn trở thành “hot boy” hay “hot girl” chỉ cần đưa ảnh tham gia các cuộc thi nhan sắc trên mạng. Một bức ảnh xinh đẹp, gợi cảm (tất nhiên không thiếu hiệu ứng của photoshop) có thể đưa teen lên hàng “hot”. Không có gì nhanh hơn mạng, chỉ cần “đăng quang”, tự động các diễn đàn sẽ giúp teen trở nên nổi tiếng hơn bằng việc copy hình và truyền đi cho các thành viên nhận xét, ca ngợi. Hàng chục những cuộc thi như thế được tổ chức liên tục đã mang đến cho xã hội ảo và thật những gương mặt trẻ gắn liền với danh hiệu “hot”.
Việc thích thể hiện mình của teen là hoàn toàn bình thường. Và nếu nó chỉ dừng lại trong phạm vi sân chơi trên mạng của teen sẽ chẳng có gì đáng nói. Song việc nhiều người lớn đã lợi dụng điều này để kéo teen ra khỏi thế giới ảo, biến nó trở thành thực với mục đích đẩy “lúa non” thành mặt hàng kinh doanh, tạo nên những thước đo giá trị của giới trẻ bằng việc khoe sự hấp dẫn của hình thể là rất đáng báo động. Gần đây, với sự phát triển của phim ảnh, hàng loạt những bộ phim cả truyền hình lẫn điện ảnh ra đời với sự góp mặt của các “hot boy”, “hot girl” dường như trở thành hiện tượng xã hội. Các nhà sản xuất sử dụng kiểu “hot” này trong quảng cáo phim mình vì cho rằng đây chính là điều kiện để tạo sức hút với các teen. Điều đáng nói là ngoài những gương mặt trẻ, “đẹp” theo kiểu Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, ăn mặc thật sexy, luôn có màn xuất hiện ở hồ bơi, bãi biển và… uốn éo trên giường (mà hầu hết những cảnh này chẳng ăn nhập gì đến nội dung phim), đa phần những “hot boy”, “hot girl” hầu như không có kinh nghiệm diễn xuất. Dường như các nhà sản xuất, đạo diễn cũng không cần điều đó, chỉ cần có sự xuất hiện của “hot boy” hay “hot girl” trong phim là đủ. Ngay cả bản thân những bạn trẻ được gọi là “hot” cũng không biết rõ họ diễn dở tới mức nào. Các fan vẫn tung hô, các ông bầu càng tung hô, càng tạo nên sự ngộ nhận vào tài năng của chính bản thân họ.
Vừa qua, ông bầu của một “hot boy” đã nổi đóa đòi đến một tòa soạn “quậy” phóng viên vì dám chê người của anh ta không biết diễn. Có lẽ, anh quản lý này cũng muốn nhân cơ hội tạo thêm scandal để “gà” của anh ta nổi tiếng hơn nếu phóng viên có phản ứng, hoặc viết bài tiếp nhưng sự việc chỉ dừng lại ở đó.
Trở thành người của công chúng đâu thể một sớm một chiều. Vừa phải có bản lĩnh, vừa phải tự trau dồi tài năng, lại vừa phải biết hành xử có văn hóa. Đã có rất nhiều cái tên trong giới giải trí tự đào thải mình chỉ vì “ăn xổi ở thì”, lạm dụng hình thể, tạo scandal và nhất là cách hành xử thiếu văn hóa. Hiện tượng gượng gạo nào cũng chỉ mang tính nhất thời, giá trị của một tài năng chính là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc để có thể vươn lên và tự khẳng định mình. Mong rằng các “hot girl”, “hot boy” sẽ không chỉ dừng lại ở độ “hot” của vẻ bề ngoài mà phải chuyên cần rèn luyện tác phong, đạo đức, khả năng diễn xuất, kiến thức về văn hóa nghệ thuật để mai này vững bước trên con đường đã chọn.
HẠ CHINH