Các chủ trương, chính sách, các đề án, dự án càng được công khai minh bạch, nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng sẽ càng thuận lợi khi triển khai thực hiện. Với chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân, là động lực cho sự phát triển. Ngược lại, sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, thậm chí kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây xói mòn niềm tin của nhân dân. Do vậy, nhất thiết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi ban hành và thực thi phải thật sự đúng đắn, phù hợp thực tiễn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Và muốn được vậy, cần phải lắng nghe ý kiến của người dân, của các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học trước khi ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách.
Vấn đề đặt ra là các cơ quan lãnh đạo, quản lý lắng nghe như thế nào? Một chủ trương, chính sách khi được ban hành; một dự án, đề án lớn khi được triển khai chắc chắn sẽ có tác động và ảnh hưởng tới đông đảo người dân. Có lẽ không cần phải liệt kê những chính sách khi ban hành và thực thi đã gây hoang mang dư luận. Cũng không cần phải liệt kê những dự án khi triển khai lại gây bức xức trong nhân dân. Một câu hỏi đặt ra là nếu các chính sách ấy, các đề án, dự án ấy nếu được công khai minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, của các chuyên gia, nhà khoa học, thì liệu có hạn chế được những bất cập nêu trên hay không?
Quy định về việc lấy ý kiến phản biện hiện nay đã khá cụ thể, thế nhưng, nhiều người dân vẫn còn ít nghiên cứu sâu và kỹ để đóng góp ý kiến, trừ khi chủ trương, đường lối đó liên quan mật thiết đến bản thân. Vì vậy, trong xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách cần đặc biệt chú trọng đến việc tư vấn, phản biện của người dân, của các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học.
Một mặt, các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước có thể chủ động “đặt hàng” để các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học góp ý kiến phản biện. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của họ thuộc các lĩnh vực liên quan đến chủ trương, chính sách sẽ ban hành. Cùng với đó là mở rộng dân chủ, minh bạch thông tin, trao đổi, đối thoại công khai, thẳng thắn để lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của người dân, của các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học cho những dự thảo về các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước dự kiến ban hành. Tất cả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cần phải được công bố rộng rãi, công khai, minh bạch để các nhà khoa học, giới trí thức và người dân đóng góp, phản biện. Việc mở các diễn đàn cũng cần đảm bảo để các đại biểu trao đổi thẳng thắn, lắng nghe trên tinh thần cầu thị, tương kính lẫn nhau, tránh áp đặt, quy chụp.
Khi lãnh đạo thật tâm lắng nghe thì những công dân có trách nhiệm, không chỉ ở thành phố mà cả nước, thậm chí ở nước ngoài, sẽ thật tâm đóng góp. Làm tốt việc này chúng ta sẽ thu được những ý kiến quý báu của trí thức, của các nhà khoa học trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, để các chủ trương, chính sách ban hành ngày càng phù hợp, đáp ứng mong mỏi và lợi ích chính đáng của người dân, thúc đẩy TPHCM nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.