Hàng chục năm qua, lực lượng cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Cảnh sát PC&CC TPHCM đã viết nên những sự tích thần kỳ. Những chiến sĩ bình dị ấy vẫn lặng lẽ “có lệnh là đi” đó vốn dĩ ít người biết đến. Lực lượng này đã nhiều lần lao vào lửa cứu người; rất nhiều lần ngụp lặn tìm kiếm hung khí, vật chứng của các vụ trọng án, lặn tìm cứu người và mò mẫm kiếm tìm xác chết ở những vùng nước xoáy, cảng sâu… bằng tất cả sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề.
Cảnh sát CNCH TPHCM tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu Hoàng Phúc 18 bị chìm trên sông Soài Rạp trong năm 2015.
Vì bình yên của người dân
11 giờ 22 phút trưa ngày 11-10-2015, các cán bộ, chiến sĩ đội cảnh sát cứu nạn cứu hộ - Phòng cảnh sát PC&CC quận Bình Tân đang giờ cơm, bất ngờ tiếng chuông điện thoại reo vang. “A lô! 114 Bình Tân nghe”, giọng cán bộ trực ban dõng dạc. Sau khi nghe đầu dây bên kia báo tin trước nhà số 320 đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc), một thanh niên bị bệnh tâm thần leo lên đường dây điện cao thế đang gặp nguy hiểm, cán bộ trực ban chạy vào cấp báo với chỉ huy. Lập tức, cả đội 14 người bỏ dở chén cơm, người đưa nệm hơi lên xe, người đề máy xe, người di chuyển ống nước ra khỏi kho.
Tích tắc trong 1,5 phút, 3 xe chuyên dụng cùng 14 cán bộ, chiến sĩ đã rời khỏi cổng trụ sở để đến hiện trường. Bằng sự tinh nhạy trong nghiệp vụ, trên đường đi, các cán bộ đã cấp báo đến Điện lực Bình Phú khẩn cấp cắt điện đường dây cao thế 110KV Phú Lâm - Chợ Lớn 1.2. Tiếp cận hiện trường, các cảnh sát CNCH lấy nệm hơi trải dài bên dưới vị trí nam thanh niên đang mắc kẹt trên dây điện, phòng tình huống xấu nhất khi nạn nhân nhảy, sẽ không tử vong. Để tránh nguy hiểm cho nạn nhân, một nhóm đứng phía trước vận động, thuyết phục nạn nhân ngồi một chỗ, nhóm khác ra phía sau sử dụng xe thang đưa chiến sĩ tiếp cận vị trí nạn nhân. Đang lúc người thanh niên không chú ý, tổ chiến sĩ khống chế, đưa nạn nhân vào buồng xe thang di chuyển xuống đất an toàn.
“Là lực lượng CNCH của TPHCM, nhưng khi các địa phương khác xảy ra tai nạn, sự cố, cần sự phối hợp, hỗ trợ cứu người, khắc phục sự cố, Cảnh sát PC&CC TPHCM luôn sẵn sàng ứng phó kịp thời, nhịp nhàng, làm tốt công tác nghiệp vụ với tinh thần cứu người là trên hết”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM chia sẻ.
Câu chuyện TPHCM tiếp viện Lâm Đồng khi xảy ra sự cố Công trình thủy điện Đạ Dâng vẫn còn trong trí nhớ nhiều người. Giữa tháng 12-2014, Công trình thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) bị sập làm 12 công nhân mắc kẹt bên trong. Hiểu được mối nguy hiểm của các công nhân mắc kẹt trong hầm lúc này, khi nhận tin cần hỗ trợ phối hợp cứu nạn của tỉnh Lâm Đồng, ngay trong đêm, lực lượng CNCH của Cảnh sát PC&CC TPHCM đã lên đường đến hiện trường, phối hợp cùng các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm, cứu nạn thành công, đưa 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm ra ngoài an toàn.
Cảnh sát CNCH TPHCM tham gia cứu nạn, đưa nạn nhân ra ngoài trong vụ sập công trình thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) vào cuối năm 2014.
Đó là 2 trong số hàng ngàn vụ cứu nạn cứu hộ, giành lại sự sống thành công cho người dân của lực lượng cảnh sát cứu nạn cứu hộ TPHCM đã làm được thời gian qua.
Nỗ lực nâng cao nghiệp vụ để phục vụ nhân dân
Là người từng tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ thành công, Thượng úy Huỳnh Nguyên Thuận, Phó Đội trưởng Đội cứu nạn cứu hộ - Phòng Cứu nạn cứu hộ TPHCM, chia sẻ: “Khi đối diện với các sự cố, tai nạn, việc lặn ngập dưới nước, đu mình trên dây điện, len lỏi trong hầm, đống đổ nát… để cứu nạn nhân, nguy hiểm luôn rình rập đối với cán bộ, chiến sĩ vì các sự cố phát sinh như: đứt dây ô xy, sạt đất làm hầm tiếp tục bị sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguy hiểm vậy, nhưng chưa lúc nào anh em chiến sĩ có ý định bỏ việc. Ngược lại, tất cả luôn nêu cao tinh thần cứu người, ngoài thời gian tham gia cứu nạn, cán bộ - chiến sĩ luôn luyện tập, nghiên cứu các phương án ứng phó hiệu quả, an toàn để việc CNCH luôn đạt kết quả cao nhất”.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM, cho biết, trong năm 2015, lực lượng CNCH của đơn vị tham gia ứng cứu 170 vụ, cứu sống được hơn chục trường hợp nhảy sông có ý định tự tử, mắc kẹt trong hầm, trên cao; tìm thấy và bàn giao cho người thân, gia đình nạn nhân nhiều thi thể. Để có được kết quả này, cán bộ - chiến sĩ các phòng, đội CNCH của đơn vị luôn nêu cao sự dũng cảm, không ngại hy sinh, xả thân trước nguy hiểm. Để góp phần nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong công tác CNCH trong thời gian tới, đồng thời luôn đảm bảo sự an toàn cho cán bộ - chiến sĩ, Đại tá Lê Tấn Bửu kiến nghị TP và các địa phương cần đầu tư nhiều hơn trang thiết bị hiện đại. Các đơn vị quân đội, công an cần tăng cường sự phối hợp để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ, kịp thời ứng phó, CNCH thành công các sự cố, tai nạn xảy ra.
VIỆT TUẤN