Lay lắt vì dự án điện hạt nhân “chập chờn”

Những con đường lởm chởm ổ gà, những mái nhà xiêu vẹo trước gió biển, chật vật sinh kế, nợ nần chồng chất… là tất cả những gì mà người dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nơi được quy hoạch để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1), đang có. 
Đời sống người dân thôn Vĩnh Trường gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch dự án Nhà máy Điện hạt nhân
Đời sống người dân thôn Vĩnh Trường gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch dự án Nhà máy Điện hạt nhân

Gần 14 năm qua, giấc mơ an cư của người dân nơi đây vẫn ‘‘chập chờn’’ theo dự án điện hạt nhân. Và đến nay, các cơ quan thẩm quyền vẫn chưa thống nhất nên tiếp tục hay chấm dứt dự án này.

Khó trăm bề

 Những ngày đầu tháng 6, dưới cái nắng khô khốc, chúng tôi lần nữa trở lại thôn Vĩnh Trường. Con đường dẫn vào thôn vẫn vậy, chằng chịt ổ voi, ổ gà, nhiều đoạn bị cát biển phủ lấp khiến nhiều người đi xe máy chệch choạc tay lái. Hơn 10 năm qua, tỉnh Ninh Thuận phát triển không ngừng, chỉ nơi bị quy hoạch làm điện hạt nhân này vẫn… giậm chân tại chỗ. Từ đầu đến cuối thôn, đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm căn nhà cấp 4 sát mé biển lâu ngày không được cơi nới, sửa chữa đang xuống cấp trầm trọng. Phận người nơi đây vì thế cũng lay lắt.

Giữa trưa, bà Lê Thị Én (75 tuổi) cầm chiếc quạt tay trốn khỏi căn nhà nóng hầm hập ra ngồi dưới gốc me ở giữa thôn để hóng gió. Bà Én nói từ khi làng xóm bị “treo” do dự án điện hạt nhân, đồng ruộng thì bỏ hoang, nhà cửa, đất đai không được xây mới, sửa chữa, sang nhượng, vì thế, bà con cứ tạm bợ cho qua ngày. 

Biết chúng tôi đến để tìm hiểu đời sống, nguyện vọng của người dân trong thôn, nhiều người đã góp vào câu chuyện. Nhiều gia đình như ông Luận, ông Long, dù có trong tay cả mẫu đất rẫy, đìa tôm nhưng không thể sản xuất, sang nhượng nên đành bỏ hoang, ngày ngày thấp thỏm lo âu. Rồi chuyện 2 gia đình bà Thê, ông Niễn, con cái lớn nhưng không thể cho đất, xây nhà vì chính quyền nói không được phép, đành phải đi ở trọ, ở nhờ.

Thời điểm năm 2014-2015, khi thông tin dự án điện hạt nhân sẽ được khởi công, cả thôn Vĩnh Trường rộn ràng lên hẳn. Nhiều người dân khi ấy đua nhau vay tiền để xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng cây trên đất… để mong được đền bù. Thế rồi, dự án dừng triển khai, bà con trong thôn ai nấy đều hụt hẫng, có người nợ nần, có người đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

“Trước khi có dự án điện hạt nhân, nhờ vào biển, gia đình tôi làm ăn khấm khá. Nhưng vì chạy theo dự án, tôi đi vay tiền khắp nơi để xây nhà chờ đền bù, giờ còn mang nợ gần 400 triệu đồng”, anh Lâm Đại Dương nói.

Ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường, cho biết, ít nhất đến nay có khoảng 10 gia đình phải bán nhà hoặc đi nơi khác vì không còn khả năng trả nợ.

“Tính sơ bộ, các hộ trong thôn còn nợ ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng, chưa tính số tiền người dân vay bên ngoài. Đời sống bà con vô cùng vất vả”, Trưởng thôn Vĩnh Trường thổ lộ. Nhưng buồn nhất, theo Trưởng thôn Vĩnh Trường, người chết ở thôn hiện không có chỗ chôn cất đàng hoàng do đất nghĩa trang cũng nằm trong quy hoạch nhà máy điện hạt nhân; nhà nào có người mất buộc phải đưa lên các đồi, núi để chôn cất. 

“Hơn 10 năm qua, do không được đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, nên đời sống của nhân dân vùng quy hoạch dự án điện hạt nhân gặp nhiều khó khăn. Tỉnh mong muốn bộ, ngành trung ương tham mưu với Thủ tướng Chính phủ sớm trả lại diện tích của 2 dự án cho tỉnh để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội”, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết.

Mòn mỏi chờ an sinh

 Gần 40 năm là Trưởng thôn Vĩnh Trường, ông Du được người dân ví như vị “già làng” mà khó ai có thể thay thế. Năm 2008, khi nghe dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ triển khai tại thôn, ông đã cùng chính quyền các cấp đi vận động từng người, từng nhà để ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước và được 100% người dân đồng tình ủng hộ. “Sau đó dự án cứ nhùng nhằng, kéo dài mãi đến nay chưa thực hiện, chính quyền cũng chưa có chính sách hỗ trợ khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó”, ông Du thở dài.

Ông Du nhớ lại, năm 2016, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Quốc hội đã giao Chính phủ 3 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có nội dung giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án; ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quy hoạch tổ chức lại sản xuất và ổn định đời sống của người dân và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương chịu ảnh hưởng. “Vậy nhưng, đã 5 năm trôi qua, 250 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu ở thôn Vĩnh Trường nói riêng, người dân vùng dự án nói chung vẫn chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào”, ông Du nhấn mạnh và mong muốn Đảng, Nhà nước dù có tiếp tục làm dự án hay không thì trước mắt cần có giải pháp giải quyết chính sách, hỗ trợ cho bà con trong vùng dự án, như: sớm trả lại đất đai cho người dân để họ có quyền tự quyết; hỗ trợ người dân vốn làm ăn; cho phép sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng; nâng cấp cơ sở hạ tầng vốn đang xuống cấp trầm trọng… 

Năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được  chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), với tổng công suất 4.000MW. Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua. Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thời gian năm 2015. Đến tháng 11-2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án. Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân.

Tin cùng chuyên mục