Lo lắng di tích bị xâm hại

Những ngày qua, không chỉ người dân thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cảm thấy đau xót khi di tích quốc gia chùa Đại Lâm - ngôi cổ tự được khởi dựng từ thế kỷ XVI, chỉ còn là một bãi đất ngổn ngang, hoang tàn. Cách đó không xa, đình Đại Lâm cũng đang bị tháo dỡ dở dang, tan hoang phủ bạt. Đây là một trong nhiều dẫn chứng đau lòng của việc xâm hại di tích, di sản trong nhiều năm qua.
Nhiều vi phạm trong tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Chùa Đậu (Hà Nội)
Nhiều vi phạm trong tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Chùa Đậu (Hà Nội)

Phá hủy di tích

Trước đó, dư luận từng bàng hoàng trước hàng loạt di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) ngót ngàn năm tuổi bị nhà chùa dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được phép của các cơ quan chức năng.

Hay ở đình cổ Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã thay mới các mảng chạm cổ kính bằng những họa tiết lạ lẫm. Đình Yên Phụ (Hà Nội) hạ giải toàn bộ cột gỗ, thay bằng cột bê tông; Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt “cái lò gạch”…

Di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội) - từng được gọi là danh thắng trời Nam, bỗng một ngày bị phát hiện nằm lọt thỏm trong bao công trình phụ trợ khổng lồ do nhà chùa tự ý xây dựng.

Thực tế cho thấy, giải quyết những vụ việc tôn tạo chùa “chui”, phá hủy di tích không phải là điều dễ dàng. Thanh tra Bộ VH-TT-DL chỉ rõ, hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” khi chính quyền sở tại phát hiện thì chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ… Lúc chủ đầu tư bị “tuýt còi”, công trình bị đình chỉ, di tích chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang.

Nguyên nhân được chỉ ra là do hệ thống di tích được tu bổ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; phần lớn các di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa, hầu hết quy trình thủ tục triển khai không đảm bảo; nhiều dự án, thiết kế được lập bởi các tổ chức, cá nhân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản như chùa Tích Sơn (Vĩnh Phúc), chùa Liên Phái (Hà Nội), đền Lảnh Giang (Hà Nam)…

Cùng với đó là công tác quản lý, hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số địa phương chưa được chặt chẽ, một số nơi để xảy ra hiện tượng khoán trắng cho người trông nom.

Bà Nguyễn Thị Quắm, người gắn bó lâu năm với chùa Thiên Phúc (Bắc Ninh), cho hay: “Chúng tôi không biết bảo tồn di tích quốc gia phải như thế nào, chỉ thấy chùa sắp sụp, ngói hỏng nhưng khi gỡ ra thì nát hết. Hàng ngày tụng kinh, chỉ sợ chẳng may có ai bị làm sao nên mới hạ giải toàn bộ….”.

Trụ trì chùa Đậu cũng lý giải việc xây các công trình phụ trợ xâm hại khu vực bảo vệ II là để phục vụ người dân tham quan, hành hương lễ phật được thuận tiện…

Theo GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, nguyên do là nhận thức về di sản của một số người chưa đến nơi đến chốn. Có người coi di tích giống như mọi công trình nhà cửa dân dụng khác, tùy tiện làm hủy hoại di tích gốc. Thậm chí có nơi còn cố tình biến việc xâm hại di tích thành việc đã rồi, sau đó mới hoàn thiện các thủ tục để hợp thức hóa công trình.

Lo lắng di tích bị xâm hại ảnh 1 Di tích quốc gia đình Đại Lâm (Bắc Ninh) tan hoang vì tu bổ không phép

Cân đối giữa bảo tồn và phát triển

 Thực tế cho thấy, di sản không chỉ đóng vai trò dẫn dắt, quảng bá và là thương hiệu, nơi để chúng ta nói với bạn bè quốc tế, nơi khẳng định hồn cốt của dân tộc mà gần gụi hơn, di sản đem về nhiều giá trị vật chất hiện hữu.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ, thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.

Như quần thể di tích Cố đô Huế và vịnh Hạ Long, khi mới được vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, chỉ có vài chục ngàn khách du lịch, đến nay đã thu hút hàng triệu khách tham quan, nghiên cứu. Điều đó cho thấy, việc gìn giữ di tích, di sản không chỉ để cho con cháu mai sau mà còn đem lại nhiều lợi ích về tinh thần lẫn vật chất ngay thời điểm này. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa trong thời gian tới là vô cùng thiết yếu.

Liên quan tới việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cần phải nhìn di tích, di sản dưới góc nhìn mới. Không gian, giá trị của di tích không chỉ khoanh hẹp ở làng, xã như xưa mà nhiều di sản đã vươn tầm khu vực và thế giới. Do đó, cần cân đối hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để phát huy sức mạnh của di tích, di sản.

Nêu dẫn chứng về công trình khai quật khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long cách đây nhiều năm khi tiến hành dự án xây dựng tòa nhà Quốc hội (tại Hà Nội), ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, đó là nút thắt lớn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, tưởng chừng không thể tháo gỡ được. Song tại thời điểm này, hai công trình song song tồn tại cho thấy sự hài hòa đan xen đã đem đến kết quả tốt đẹp.

“Sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần lấp những khoảng trống đang có, đánh thức người dân ý thức quan trọng về di sản, để di sản là niềm tự hào và người dân tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng cần tiếp thu, lắng nghe ý kiến, đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật Di sản văn hóa, vì đây là vấn đề lớn, hệ trọng.

“Các quy định pháp luật cần bắt kịp thực tiễn của cuộc sống. Vì vậy, cần tiếp cận việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa theo hai góc độ là bảo vệ di tích, di sản và quan trọng hơn là phải phát huy được giá trị các di tích, di sản”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh.

Câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” không phải là hiếm trong việc tu bổ, tôn tạo di tích, song ngoài các biện pháp xử phạt hành chính thì dường như chưa ghi nhận một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự. Phải chăng đó là tiền lệ xấu khiến các di tích bị “biến mất”, “trẻ hóa” vẫn tiếp tục xảy ra?

Tin cùng chuyên mục