Long An phát triển du lịch đặc thù

Với vị trí giao thoa giữa vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL, liền kề TPHCM - trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nằm trên tuyến du lịch quốc gia TPHCM - ĐBSCL, trên trục tuyến du lịch xuyên Á, Long An có lợi thế quan trọng trong phát triển du lịch. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch đã tập trung đầu tư, khai thác các hình thức du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc sắc… để khôi phục, phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Khu du lịch Cánh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa) là điểm tham quan thu hút du khách khi đến Long An
Khu du lịch Cánh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa) là điểm tham quan thu hút du khách khi đến Long An

Nhiều lợi thế

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Long An, cho biết: “Tỉnh Long An đã ban hành các kế hoạch và triển khai kịp thời nhiều biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch ngay từ đầu năm 2022 để khôi phục, phát triển du lịch, phục hồi lượng du khách. Bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, du khách đến Long An, ngành du lịch còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động du lịch xây dựng chương trình hoạt động, khôi phục điểm đến nhằm tăng nguồn du khách, vượt qua khó khăn trong thời gian sớm nhất. Xác định các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn phục vụ du khách trong, ngoài nước đến Long An; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, khai thác các giá trị tài nguyên du lịch với nhiều hoạt động đã và đang được triển khai”.

Là địa phương nằm trong vùng sông nước ĐBSCL nên Long An có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan và sự đa dạng hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, hệ thống sông Vàm Cỏ. Ngoài ra Long An còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, các làng nghề truyền thống gắn với quá trình khẩn hoang, mở mang bờ cõi và đấu tranh giữ nước. Có thể nói, với bề dày lịch sử và đặc điểm địa hình, Long An là địa phương có tiềm năng du lịch khá đa dạng và phong phú, một điểm mạnh mà nhiều địa phương lân cận không có. Với lợi thế cảnh quan, Long An đang duy trì và phát huy hình ảnh đã có, tạo những hình ảnh mới để Long An thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Về hạ tầng du lịch, Long An cũng có ưu thế, đặc biệt là giao thông. Long An nằm trên trục giao thông quốc lộ 1A và cao tốc Trung Lương nối TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung, có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, thương mại với vùng ĐBSCL trù phú. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt đô thị của tỉnh, hạ tầng xã hội nói chung, hạ tầng du lịch nói riêng ở Long An đã có những bước phát triển vượt bậc những năm gần đây. Ngoài giao thông đường bộ, Long An là một địa phương có lợi thế về giao thông đường thủy với 2 dòng sông Vàm Cỏ nối với các tỉnh trong khu vực, có thể tiếp cận nhiều điểm du lịch bằng đường thủy và đây là thế mạnh cần phát huy nhằm tạo ra các tour du lịch hấp dẫn trong thời gian tới. Ngoài ra, với tuyến đường dễ dàng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất và cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Long An có cơ hội trực tiếp đón khách quốc tế qua sân bay Tân Sơn Nhất, qua cửa khẩu đường bộ với nước bạn Campuchia. Đây là một lợi thế quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch của Long An.

Khắc phục hạn chế

Thời gian qua, nhằm phát huy vai trò liên kết, hợp tác giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, đặc biệt là du lịch của vùng nói chung và Long An nói riêng; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiềm năng du lịch Long An để thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên nhằm phát triển du lịch Long An. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Long An chưa khai thác hết tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, nhất là những sản phẩm du lịch đặc sắc để thúc đẩy du lịch của tỉnh nhà theo hướng phát triển bền vững.

“Với tính đa dạng về tài nguyên du lịch, trong đó có nhiều tài nguyên khá đặc sắc, Long An hoàn toàn có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lắp với hoạt động phát triển du lịch của nhiều địa phương khác trong khu vực. Điều này sẽ tạo cho du lịch Long An có được sức hấp dẫn riêng. Đây sẽ là yếu tố quan trọng đối với phát triển du lịch Long An trong bối cảnh hiện nay, của du lịch ĐBSCL nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, khi tình trạng trùng lắp về sản phẩm du lịch đang là yếu tố cản trở sự phát triển”, ông Dũng cho biết.

Theo đánh giá của ngành du lịch TPHCM, Long An nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TPHCM. Như sản phẩm du lịch sinh thái dã ngoại, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch gắn với sông nước miệt vườn, du lịch gắn với ẩm thực đồng quê Nam bộ… Ngược lại, Long An cũng là thị trường khách du lịch đến TPHCM với các sản phẩm như du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử…

Dù vậy, trong quá trình liên kết phát triển du lịch giữa Long An và TPHCM vẫn còn một số hạn chế, như liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết giữa 2 địa phương chưa được phát huy, chưa tạo ra chương trình, sản phẩm mới, nhất là chương trình du lịch từ Long An đến TPHCM chưa được quan tâm nhiều, chỉ tập trung vào tour ngắn ngày. Ngoài ra, hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch đặc trưng tại Long An chưa được đầu tư tốt. Bên cạnh đó các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm chưa được quan tâm đầu tư, chưa tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch để du khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu…

Ông NGUYỄN VĂN ÚT, Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Từng bước xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp

Thời gian qua, dù nỗ lực liên kết phát triển, nhưng du lịch Long An hầu như chưa có gì mới, thực sự chưa có sản phẩm du lịch chỉn chu. Vấn đề này, Long An đang dần khắc phục. Vì hiện tại, sản phẩm du lịch của Long An có nhiều, nhưng chưa có điểm nhấn, cho nên sắp tới, địa phương sẽ chọn ra những điểm du lịch tiêu biểu để đầu tư bài bản và hoàn chỉnh hơn. Đặc biệt, xác định làm du lịch là phải chuyên nghiệp, không nửa vời, tỉnh từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp và chuyên nghiệp hơn. Do tiếp giáp TPHCM, Long An có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến du lịch vệ tinh của trung tâm đầu mối du lịch lớn nhất cả nước, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn…

Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Tăng cường hoạt động liên kết vùng

Thời gian tới, cần tăng cường các hoạt động liên kết giữa 2 địa phương Long An - TPHCM và hoạt động liên kết vùng để tạo các sản phẩm chung, chính sách chung, nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch trải nghiệm “Một hành trình, nhiều điểm đến”. Đặc biệt là hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, các địa phương cần tập trung phối hợp truyền thông điểm đến, với thông điệp “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 TPHCM, trang mạng xã hội giữa các địa phương... Trước mắt, Long An cần xác định những điểm trọng tâm, trọng điểm du lịch của tỉnh và có kế hoạch cụ thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn. Chẳng hạn như du lịch dược liệu vùng Đồng Tháp Mười - một đặc trưng của Long An mà không ở đâu có.

Ông NGUYỄN ANH DŨNG, Giám đốc Sở VHTT-DL Long An: Tập trung sản phẩm du lịch đặc thù

Thời gian tới, để phát triển du lịch, bên cạnh khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế, tỉnh sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng của Long an, như: du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ, du lịch trang trại, du lịch tham quan mùa nước nổi… Đồng thời, tăng cường công tác liên kết, quảng bá với các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, Long An đang thực hiện các bước để tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Long An lần thứ 1 năm 2022, gắn với kỷ niệm 55 năm Ngày tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17-9-1967 - 17-9-2022), dự kiến diễn ra vào tháng 9 với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây là sự kiện có quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Long An nhằm đưa hình ảnh du lịch Long An đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, từng bước đưa du lịch Long An ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục