Long An: Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với phong trào thi đua “Long An chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; nhận thức của cán bộ, công chức và người dân Long An về xây dựng NTM đã chuyển biến rõ rệt. 
Nhiều đường nông thôn ở vùng Đồng Tháp Mười được bê tông hóa
Nhiều đường nông thôn ở vùng Đồng Tháp Mười được bê tông hóa

Người dân ngày càng tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM bằng nhiều cách làm sáng tạo; đường sá, điện nước, trường học, trạm y tế... được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nông thôn vùng biên khởi sắc

Nếu lấy quốc lộ 1A đi xuyên qua địa bàn Long An làm trục chính (qua địa bàn TP Tân An, huyện Thủ Thừa, huyện Bến Lức) thì Long An được chia làm 2 vùng: vùng Đồng Tháp Mười (gồm thị xã Kiến Tường, các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Hòa, Đức Huệ) và vùng hạ (huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Giuộc, Cần Đước).

Khi tỉnh triển khai chương trình xây dựng NTM, các huyện vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn khó khăn, nhất là những vùng sâu, vùng xa giáp biên giới Campuchia, như thị xã Kiến Tường, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ. Nhưng hơn 10 năm triển khai xây NTM, bộ mặt nông thôn ở đây thật sự đã đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Như huyện Tân Hưng, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn tập trung thực hiện xây dựng NTM một cách tích cực, chủ động và được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhờ vậy, huyện huy động được hơn 150 tỷ đồng (người dân đóng góp gần 140 tỷ đồng) đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường...

Chẳng hạn nâng cấp, sửa chữa 10 tuyến đường giao thông hơn 35km (64 tỷ đồng), xây 6 cầu giao thông nông thôn (9 tỷ đồng); nâng cấp, trải nhựa tuyến đường từ trung tâm xã Hưng Điền đến cửa khẩu phụ Tân Hưng (dài hơn 3,5km, rộng 5m, vốn đầu tư 20 tỷ đồng).

Ông Thành, một nông dân kỳ cựu ở đây, phấn khởi: “Tuyến đường này trước thấp lắm, mỗi mùa mưa lũ là ngập, lầy lội. Từ khi được làm mới, người dân rất phấn khởi vì đi lại dễ dàng, mấy đứa nhỏ đi học không còn lấm lem bùn đất như trước”. Theo nhiều người dân ở đây, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường này không chỉ tạo sự thuận lợi hơn cho người dân khu vực biên giới đi lại, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh. 

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, đến nay, huyện có 11/11 xã có đường ô tô về đến nơi, phục vụ thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân. Theo ông Hiền, phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt thêm 1 xã NTM (Vĩnh Lợi), các xã còn lại đạt bình quân 16,8 tiêu chí; phấn đấu tăng thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn dưới 1,8%; trên 88% người dân tham gia BHYT... Và để thực hiện mục tiêu này, huyện huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ; phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường;...

Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, cho biết, xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển ổn định, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng; công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân đạt kết quả tốt. Năm 2021, huyện huy động gần 300 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Hiện nay, toàn huyện có 5/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Riêng xã Tuyên Bình đạt 19/19 tiêu chí, đang chờ phúc tra công nhận; xã Khánh Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm. 

Huyện nghèo biên giới Đức Huệ - là huyện nông nghiệp, địa bàn rộng, xuất phát điểm kinh tế thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu hút đầu tư còn hạn chế, nhưng các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn đã chung sức, đồng lòng quyết tâm vượt khó. Hiện Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Nam đã về đích xã NTM, các xã còn lại cũng đạt tiêu chí ở mức cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ, xây dựng NTM, huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư gần 700 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sạch… được đầu tư, nâng cấp. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện… 

Vùng hạ chuyển mình

Nếu so với vùng Đồng Tháp Mười, có lẽ vùng hạ “chạy nhanh” hơn trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh Long An. Huyện Châu Thành là một minh chứng. Sau 10 năm xây dựng (2010-2020), Châu Thành được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Từ một huyện thuần nông, độc canh cây lúa, tăng trưởng bình quân 5,7%, thu nhập bình quân khoảng 22 triệu đồng/người/năm.

Nay Châu Thành đã trở thành một huyện năng động và giàu tiềm năng phát triển, tăng trưởng bình quân hơn 8,1%/năm, thu nhập bình quân trên 59 triệu đồng/người/năm (năm 2020), môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể. Bộ mặt nông thôn Châu Thành được xây dựng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn với nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục... Xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Hiện Châu Thành phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Huyện Tân Trụ cũng cố gắng “về đích” NTM như Châu Thành tuy có chậm hơn 2 năm. Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo Tân Trụ đổi thay vượt bậc, đời sống của người dân được nâng cao. Những con đường đất, gồ ghề nay được thay bằng đường nhựa phẳng lì, rộng rãi; các tuyến hương lộ, liên huyện, đường tỉnh được nâng cấp, mở rộng và lắp đèn chiếu sáng. Các trung tâm thương mại, siêu thị mini, các chợ huyện, chợ xã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo ông Trịnh Phước Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ: “Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện. Tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như rau màu, thủy sản... góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất của người dân. Thu nhập bình quân gần 55 triệu đồng/người/năm. Số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 99%; trong đó, trên 77% hộ sử dụng nước sạch. Hộ nghèo hiện chỉ còn 1,82%. Hiện huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian tới”.

Các huyện Cần Giuộc, Cần Đước chưa đạt huyện NTM như Tân Trụ, Châu Thành và cũng đang phấn đấu hết mình để “bằng chị bằng em”.

Ông Trương Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, cho biết, hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt NTM của huyện có nhiều thay đổi rõ rệt. Hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện với các trục đường liên xã, liên ấp được nâng cấp, bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi, điện, nước sạch, trường học và công trình công cộng được đầu tư xây dựng…

Còn ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước, chia sẻ, hiện Cần Đước có 14/16 xã đạt chuẩn NTM (còn xã Long Khê đang trình tỉnh thẩm định, công nhận; xã Long Hựu Tây chưa đạt tiêu chí trường học). Theo kế hoạch năm 2023, huyện hoàn thành tiêu chí xây dựng huyện NTM, nhưng huyện quyết tâm đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành các tiêu chí để Trung ương công nhận là huyện NTM.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: “Mục tiêu của Long An đến cuối năm 2025 có 10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xây dựng NTM. Trong đó, 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, một huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 142/161 xã đạt chuẩn NTM (57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu). Hiện nay toàn tỉnh đã có 108/161 xã đạt chuẩn NTM (19 xã NTM nâng cao); huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM, thành phố Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Tân Trụ và thị xã Kiến Tường đã được Trung ương thẩm định đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cũng theo ông Truyền, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để tăng tốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng ấp NTM…

Tin cùng chuyên mục