Hình ảnh về con đường sáng cho những bạn trẻ sáng mắt được mở ra và dẫn dắt bởi một người… tối hù có lẽ là ấn tượng rõ ràng, sâu sắc nhất còn đọng lại khi tiếp xúc với anh - Nguyễn Phước Thiện, một thầy giáo đặc biệt.
Lớp học đặc biệt
9 giờ sáng, trên tầng 2, lô B chung cư Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3, TPHCM vang lên tiếng đọc tiếng Anh. Mở cánh cổng căn phòng số 224, quang cảnh một lớp học ngoại ngữ hiện đại hiện ra trước mắt: Bảng đen được thay bằng màn hình máy tính. Trước mặt mỗi học viên là một micro nhỏ. Hệ thống loa, ampli, máy ghi âm được bố trí trên kệ sát tường. Trước mặt thầy giáo không phải là giáo án, giáo trình hay tập vở mà là một chiếc laptop được nối mạng trực tuyến. Ngôn ngữ giao tiếp trong lớp hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Suốt buổi học, các học viên có thể nói chuyện với nhau về bất cứ đề tài trên trời dưới đất nào, miễn là nói bằng tiếng Anh. Không chỉ nói chuyện với nhau, các học viên còn có thể giao tiếp với những người học ở cách họ… nửa vòng trái đất bằng cách nói vào micro thông qua hệ thống mạng trực tuyến.
Ở một góc phòng, người thầy chăm chú làm thính giả của những mẩu chuyện bằng tiếng Anh rời rạc. Mỗi khi học trò dùng từ sai, đặt câu sai hay bí từ vựng để diễn đạt, thầy mới… ra tay chỉnh sửa. Thầy cũng không viết ra giấy, không viết lên bảng mà gõ trên bàn phím laptop chính xác những từ ngữ cần truyền đạt mặc dù thầy… không nhìn thấy gì! Lớp học hôm ấy còn có sự tham gia của một học viên đang ở Singapore. Tổng cộng hiện tại, thầy Thiện có khoảng 8 lớp dạy tại nhà và gần 10 học viên đang ở nước ngoài học trực tuyến.
Điều ngạc nhiên là học viên của lớp học này phần nhiều là sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học - những bạn trẻ hoàn toàn có khả năng tìm đến những trung tâm ngoại ngữ hiện đại để học với giáo viên người nước ngoài.
Nói về lý do khiến mình gửi trọn niềm tin nơi thầy Thiện, em Phạm Thanh Trà, sinh viên Trường Cao đẳng Hải quan, kể: “Tôi bỏ Anh văn lâu rồi. Lâu tới mức mất hết tự tin, chỉ còn một “niềm tin” chắc chắn rằng mình sẽ… không bao giờ nói được tiếng Anh. Một lần tình cờ xem tivi, tôi thấy hình ảnh thầy Thiện đang dạy tiếng Anh cho những em bé lang thang, bán dạo. Ông thầy này dạy được cho đám nhỏ nghèo khổ, thất học thì chắc sẽ dạy được cho mình. Vậy là tôi tìm tới đăng ký học”.
Nguyễn Xuân Lai, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM (ITC) biết đến thầy Thiện trong một lần đi chơi tại đồi cát, Mũi Né. Lần đó, Lai ngoắc một em nhỏ ở đồi cát tới để thuê ván trượt. Bất ngờ, em nhỏ nói tiếng Anh với Lai bằng một giọng khá chuẩn. Ngạc nhiên, Lai hỏi thăm thì biết được sư phụ của đám nhỏ là một thầy giáo mù. Ngày trúng tuyển vào Trường ITC, Lai lên Sài Gòn và quyết định tầm sư học đạo để xóa mù ngoại ngữ. Hỏi thăm nhiều nơi, cuối cùng, bạn cũng tìm được người thầy đặc biệt mà mình đã biết tên trên đồi cát.
Để có thể tự tin, vững vàng đứng lớp hơn 15 năm nay, thầy giáo Nguyễn Phước Thiện phải trải qua một quá trình phấn đấu không ngừng. Bị mù năm 9 tuổi sau một tai nạn, cánh cổng bình thường về một cuộc sống bình thường, tương lai bình thường đóng sầm trước mắt anh. Anh quyết định mở những cánh cổng đặc biệt khác bằng ý chí và nghị lực. Cánh cổng đó là ngoại ngữ và công nghệ. Năm học lớp 11, Thiện lấy được bằng C tiếng Anh. “Người bình thường học một, tôi “tối hù” thì phải học mười. Chắc tại tôi siêng nên học bài thường nhớ rất kỹ. Nhớ hồi đang học lấy bằng C tại trung tâm ngoại ngữ, tôi nhỏ nhất lớp mà mấy anh chị học chung đề nghị tôi dạy kèm thêm vài buổi để ôn thi. Ai dè tôi dạy được ít buổi thì mấy anh chị đều gọi mình là thầy. Thấy mình có duyên với nghiệp làm thầy nên tôi quyết định thi vào đại học sư phạm chuyên ngành tiếng Anh” - thầy Thiện kể.
Nhìn hệ thống máy móc hiện đại được lắp đặt tại nhà anh, không ai nghĩ đó là công việc được thực hiện bởi một người mù. Anh cười dí dỏm: “Mình bị điện giật hoài hà. May mà chưa đến mức tóc tai xoăn tít phải đưa đi cấp cứu. Nhưng nếu cứ sợ thì biết chừng nào mới làm được”. Mỗi lần máy móc hư, anh cầu cứu các học trò rành về công nghệ, điện tử. Học trò ngồi sửa máy, thầy ngồi sát bên hỏi han tỉ mẩn từng chi tiết để lần sau tự làm.
Ánh sáng từ trái tim
Thật bất ngờ khi biết được điểm hút học trò của thầy Thiện không phải chỉ ở kiến thức mà nằm ở lòng nhiệt tình. Không chỉ dạy tiếng Anh, thầy còn phụ đạo miễn phí thêm bộ môn học làm người. Em Nguyễn Khánh Trường, sinh viên Trường ITC, tâm sự: “Với thầy Thiện, tụi em có thể thổ lộ hết những chuyện buồn vui. Có một thời gian em rất cay cú, bực mình vì trong lớp có 2 đứa học giỏi hơn mình. Biết được chuyện này, thầy Thiện nói: Em nghĩ vậy là sai rồi. Con người sống phải rộng lượng. Học tập là để vượt lên chính mình, là để làm nhiều điều có ích chứ không phải để hơn thua, ganh ghét”. Nhìn thấy thầy bị mù mà kiến thức sâu rộng, cái gì cũng biết, lại chưa bao giờ mở miệng than thở hay oán giận cuộc đời, tụi em dần bỏ được những tị hiềm”.
Ngày làm việc của anh bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng bằng việc nghe đài để cập nhật thông tin, sau đó bắt đầu dạy học tới chiều tối. Không cà phê, không thuốc lá, không rượu chè, cũng không có nhu cầu mua sắm, mỗi tháng, tiền kiếm được, anh chia ra làm đôi: Một nửa đưa cho mẹ trang trải chi phí ăn ở, một nửa dùng để làm từ thiện và tham gia công tác xã hội.
Cách truyền lửa nhiệt tình của anh cũng rất đặc biệt: “Tôi hiểu, một mình Nguyễn Phước Thiện không thể làm được gì hết. Điều quan trọng là phải hướng cho các bạn trẻ mà tôi may mắn được tiếp xúc một cái nhìn bao dung, ấm áp về cuộc đời, biết bày tỏ thái độ về cái thiện, cái ác trong cuộc sống”. Để “dụ” học trò tham gia công tác xã hội, thầy Thiện đề ra một “chính sách học phí” đặc biệt: Em nào ở trường, ở địa phương mà tích cực tham gia công tác xã hội được miễn 50% học phí. Học trò là đoàn viên, học trò là người xuất gia, học trò không xuất gia nhưng ăn chay, học trò tham gia hiến máu nhân đạo… đều thuộc diện được miễn 50% học phí.
Đối với những em chưa biết, chưa hiểu công tác cộng đồng là thế nào, thầy Thiện tổ chức những chuyến dã ngoại, chuyến đi thăm các cơ sở bảo trợ xã hội, các viện dưỡng lão, trại cô nhi, những bệnh nhân ung thư, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối… Nhìn thấy thầy giáo mù của mình ân cần đút cơm cho những em nhỏ bất hạnh, gội đầu cho những cụ già cô đơn, nhiều bạn trẻ vốn xa lạ với việc thiện, việc nghĩa dần yêu thích công tác xã hội và bị cảm hóa. “Chỉ cần “dụ” các em đi được một lần, lần sau không cần nói, các em cũng đòi đi”- thầy Thiện cười nói. Hiện tại, hàng tuần, các em còn thay phiên nhau tháp tùng thầy Thiện bắt xe lửa đi Phan Thiết dạy tiếng Anh cho trẻ con đồi cát.
Hàng xóm kể Thiện là người rất hiếu thảo. Bà cụ Nguyễn Thy, mẹ anh, khi nói về con trai thì ánh mắt bừng lên ấm áp: “Thiệt thòi vậy nhưng chưa bao giờ tui thấy nó khóc, nó buồn. Có khi đang ở nhà thì điện thoại reo, nhấc máy lên, tui nghe đầu dây bên kia có giọng nói léo éo: “Alo, bác Thy có nhà hông? Ra cửa lãnh quà nước ngoài gửi!”. Tui ra mở cửa thì thấy nó đứng ngoài đó, tay cầm tòng teng “quà nước ngoài” - một cái bánh bao. Thì ra nó giả giọng gọi điện để chọc tui cười. Thương nó một thân một mình, lại không nguyên vẹn như người ta, nhiều lúc xót con, tui biểu: Sao con hổng để dành tiền bạc để phòng thân. Nó cười xòa: Má ơi, tiền để đó mình bệnh uống thuốc cũng hết. Trên đời này còn nhiều người khổ lắm. Mình còn người là còn của, lo gì má!”.
Mới 2 giờ sáng, đang nằm mơ màng, bỗng anh Thiện nghe mẹ kêu rên dữ dội. Anh hốt hoảng vào giường thì mới hay mẹ bị đau bụng quằn quại. Gọi cấp cứu không được, anh đành kêu taxi rồi cõng mẹ ra xe. Cầu thang chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM không phải quá khó đi nhưng với một người khiếm thị như anh, việc đó dường như là quá sức… Cõng mẹ đi được nửa đường, đầu anh va vào tường đau điếng suýt ngất. Cắn chặt răng, mím chặt môi, bấu chặt mười đầu ngón chân trên nền xi măng cho khỏi ngã, anh quyết không kêu một tiếng nào cho mẹ yên lòng. Đó không phải là lần đầu tiên chàng thanh niên mù lòa này cõng mẹ xuống cầu thang đi cấp cứu. Nhớ lần mẹ anh bị ung thư phải mổ, ngày xuất viện, taxi chở bà về tới cửa chung cư. Tuy mù lòa nhưng anh Thiện không để ai cõng mẹ. Anh tâm sự: “Tôi biết người mới mổ, chỉ cần động nhẹ một chút là đau lắm. Đưa người khác cõng tôi hổng yên lòng. Mình hổng thấy đường thì đi từ từ. Mẹ đau là tui thấy như mình cũng bị đau vậy. Ngày tôi mù, gánh trái cây dạo của mẹ đã nuôi tôi thành người. Mấy chục năm rồi tôi không nhìn thấy mẹ. Nhưng mỗi ngày bóp chân, nắm tay, nói chuyện với mẹ, tôi cảm nhận được sự già nua đang đến với mẹ từng ngày. Bàn tay săn chắc ngày nào giờ nhường chỗ cho sự nhăn nheo. Trí óc minh mẫn ngày nào, giờ đây đã khi quên, khi nhớ. Ngày nào còn mẹ, tôi nguyện sẽ làm hết sức để tuổi già của mẹ được vui vẻ, ấm áp”. |
MAI HƯƠNG