Lựa chọn học sinh THPT để kết nạp Đảng, cần tránh "bệnh hình thức"

Ngày 28-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu công tác kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU, ngày 24-10-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới”.

Tại hội nghị, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 281 trường THPT, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên với tổng số 299.167 học sinh. Từ khi thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU, đến nay, có 25 đảng bộ đã tiến hành tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 683 cảm tình Đảng là học sinh THPT.

Đến nay, có 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT. Đảng viên mới được kết nạp thực sự là những học sinh xuất sắc tiêu biểu, nổi trội trong học tập và phong trào đoàn thanh niên, là tấm gương cho các học sinh THPT khác noi theo. Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên được các cấp ủy đảng tổ chức trang trọng, nghiêm túc theo đúng quy định.

Thời gian qua, nhiều học sinh THPT của Hà Nội đã được kết nạp Đảng

Thời gian qua, nhiều học sinh THPT của Hà Nội đã được kết nạp Đảng

Tại hội nghị và tham luận của nhiều đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tỷ lệ phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp so với nguồn bồi dưỡng để giới thiệu kết nạp Đảng, chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường THPT của TP Hà Nội.

Nội dung bồi dưỡng, kế hoạch mở lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng ở một số cấp ủy còn hạn chế, chưa phù hợp với nhóm đối tượng học sinh THPT; còn dàn trải, chất lượng chưa cao. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, quán triệt về công tác kết nạp đảng viên có nội dung còn hình thức, chưa tạo được sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để công tác phát triển Đảng với các học sinh THPT hiệu quả hơn, các nhà trường cần tạo điều kiện hơn nữa cho các em học sinh phát huy năng lực, sở trường của mình; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho các học sinh có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị với thành phố chỉ đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển Đảng trong học sinh; phối hợp với Bộ GD-ĐT và Bộ Ngoại giao tạo thuận lợi cho các học sinh chuyển tiếp quá trình kết nạp Đảng khi đi du học; tạo điều kiện cho các học sinh sinh hoạt ghép trong quá trình chuyển tiếp vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

Trước những kết quả đạt được nêu trên, kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, công tác phát triển Đảng trong học sinh THPT của TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai tổ chức thực hiện Đề án số 20. Đặc biệt, những đảng viên trẻ vừa được kết nạp Đảng trong các nhà trường là tấm gương, hình mẫu để các học sinh ưu tú noi theo, học tập để phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo

Nêu bật những khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển Đảng và kết nạp học sinh vào Đảng, ông Nguyễn Văn Phong yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở các trường học. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên, đặc biệt là kết nạp đảng viên là học sinh THPT.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Đề án 20-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra, trong đó chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào việc dạy những kiến thức trên lớp, mà cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức, trách nhiệm của công dân.

Qua đó, các nhà trường có thể phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú giới thiệu cho Đảng và kết nạp Đảng. Các nhà trường, đơn vị cần chủ động, sáng tạo trong cách triển khai thực hiện Đề án 20-ĐA/TU, đặc biệt là việc lựa chọn những học sinh xứng đáng để tạo nguồn và phát triển Đảng, tránh “bệnh hình thức” khi chỉ lựa chọn những học sinh phải có giải quốc tế, quốc gia. Đồng thời, quan tâm thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tập trung phân tích, đánh giá kỹ nguồn phát triển Đảng.

Cùng với đó là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành làm cho đảng viên mới kết nạp bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng.

Tin cùng chuyên mục