Tại cuộc họp góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, với biện pháp xử phạt môi trường như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại. Thậm chí, một số ngành còn không thể phát triển tự chủ nguồn nguyên liệu vì Luật Bảo vệ môi trường.
Khổ vì bị nghi ngờ gây ô nhiễm
Để hạn chế tình trạng cấp phép các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm mọc tràn lan, thành phố đã ban hành 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm cao sẽ không được cấp phép thành lập mới trong khu dân cư tập trung. Trường hợp đầu tư tại ngoại thành thì phải có ý kiến đồng thuận của các huyện. Thế nhưng, trên thực tế bất chấp doanh nghiệp chứng minh công nghệ sản xuất hiện đại, hoạt động sản xuất sẽ không gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp vẫn bị các quận huyện từ chối tiếp nhận. Thậm chí, ngay cả các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng từ chối tiếp nhận vì lo ngại phát sinh ô nhiễm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự nghi ngờ trên là rất thiếu khoa học. Bởi lẽ, hiện nay công nghệ sản xuất hiện đại đều có thể giải quyết được vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề quan trọng là cơ quan chức năng quản lý đưa ra tiêu chuẩn công nghệ đầu vào. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm đầu ra xả thải.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường khẳng định, đơn cử như ngành dệt nhuộm, trước đây các doanh nghiệp thường sử dụng công nghệ lạc hậu nên mức độ gây ô nhiễm rất cao. Với công nghệ hiện đại như hiện nay thì yếu tố môi trường không còn là vấn đề đáng quan ngại. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM khẳng định, chính vì sự thiếu khách quan cũng như yếu tố “ngại” của các cơ quan chức năng mà nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất. Với doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc, phần lớn nguồn nguyên liệu sản xuất đều phải nhập từ nước ngoài. Nguồn nguyên liệu trong nước chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn và đang có nguy cơ bị mất trắng ngay trên sân nhà vì quy định bảo vệ môi trường. Hiện chỉ còn số ít doanh nghiệp dệt nhuộm được đầu tư trước năm 2003 là còn đang hoạt động, công nghệ sản xuất rất lạc hậu, kéo theo chi phí sản xuất và xử lý môi trường cao nên các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng “thà ngưng sản xuất còn lời hơn”. Điều này khiến cho giá thành sản xuất sản phẩm trong nước có sức cạnh tranh yếu hơn các nước khác trong khu vực. Và đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều ngành nghề sản xuất khác.
Không dừng lại đó, sự hình thành quá nhiều lực lượng thanh, kiểm tra môi trường thuộc nhiều cơ quan chức năng khác nhau đã làm phát sinh tình trạng chồng chéo, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Chưa hết, cũng cùng một nội dung kiểm tra nhưng ở đoàn thanh tra này thì nói đúng, còn đoàn thanh tra khác lại nói sai. Hoặc cũng cùng nội dung kiểm tra nhưng trong vòng 1 tháng, doanh nghiệp phải tiếp đến hơn 10 đoàn thanh, kiểm tra. Thực trạng này đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh nhưng cho đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng xem xét, khắc phục.
Cần “khoan sức” doanh nghiệp
Cải thiện chất lượng môi trường là việc làm cần thiết nhưng phát triển kinh tế cũng không nên xem nhẹ. Nền kinh tế mạnh khi có nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững. Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM khẳng định, những quy định về môi trường cũng cần sự uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với xu thế phát triển chung. Việc quy định cứng những ngành nghề bị hạn chế đầu tư cũng chính là đã hạn chế sự cải tiến, phát triển của những ngành nghề đó. Thực tế hiện nay cho thấy, chỉ cần kiểm soát tốt chất lượng đầu tư của doanh nghiệp là hoàn toàn có thể kiểm soát được một phần chất lượng đầu ra môi trường. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư đạt tiêu chuẩn quy định nhưng vẫn vi phạm môi trường thì đã có Luật Bảo vệ môi trường điều chỉnh. Và điều đáng nói là mức xử phạt hành vi vi phạm môi trường cũng không phải là nhẹ.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết thêm, với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi hiện nay, nhiều cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp cho rằng quy định quá nặng thủ tục hành chính. Mức phạt tiền cũng được đề nghị tăng lên gấp 4 lần là quá cao, không phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay. Không chỉ vậy, dự thảo mới quy định quá cứng nhắc khi đề nghị tăng đều khung phạt cho tất cả các hành vi vi phạm đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, với mức phạt 500 triệu đồng/hành vi vi phạm môi trường cũng đủ khiến doanh nghiệp phá sản. Vậy nên thay vì tăng mức phạt tiền lên cao hơn nữa thì nên tăng cường cải thiện hình thức tuyên truyền, thêm biện pháp cảnh cáo trước khi phạt để tăng tính thuyết phục cho đối tượng vi phạm. Mặt khác, phân định rõ trách nhiệm của các lực lượng thanh, kiểm tra môi trường để tránh gây khó cho doanh nghiệp. Cuối cùng là nhà nước cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất ngay từ giai đoạn đầu tư. Có như vậy, chất lượng môi trường mới dần được cải thiện mà mức tăng trưởng kinh tế cũng được duy trì ổn định và phát triển bền vững.
MINH XUÂN