Về vụ kiện phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý, ngày 29-9, TAND quận 1 đã tuyên hủy quyết định của cơ quan thuế đã khiến giới kinh doanh vàng hoang mang, ngay cán bộ ngành thuế cũng ngạc nhiên. Bởi, nếu áp thuế như vậy là sai như nhận định của tòa thì việc áp thuế đối với các đơn vị kinh doanh vàng lớn như SJC, PNJ cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác của ngành thuế trong thời gian qua là sai…
Căn cứ rõ ràng
Công ty TNHH Kim Cương Kita đã kiện ra tòa, yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính và truy thu thuế từ tháng 1 đến tháng 8-2009 (với tổng số tiền gần 300 triệu đồng) của Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1. Bởi Công ty Kita cho rằng hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, trong khi cơ quan thuế lại buộc phải tính theo phương pháp khấu trừ. Tại tòa, lãnh đạo Chi cục Thuế viện dẫn tất cả các điều luật chuyên ngành từ Luật Thuế GTGT 13/2008/QH12, Nghị định 123/2008/NĐ-CP, Thông tư 129/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT (tất cả các văn bản này đều có hiệu lực từ 1-1-2009) cho thấy luật quy định hoạt động chế tác phải tính theo phương pháp khấu trừ.
Cụ thể, khoản 2, Điều 10 Luật Thuế GTGT nêu “Phương pháp khấu trừ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ”, tức là tất cả doanh nghiệp đều phải thực hiện theo phương pháp khấu trừ- vì doanh nghiệp nào cũng thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ. Đến Điều 11 của Luật Thuế GTGT quy định những đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp có “hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý”. Quy định này có vẻ khó hiểu, nhưng đến Nghị định 123/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT thì ghi đầy đủ hơn những đối tượng tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là “Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý”.
Trong đó giải thích rõ “Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý để áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng”. Tức quy định rõ 2 trường hợp chế tác và kinh doanh mua bán nhưng chỉ có kinh doanh mua bán mới hạch toán riêng để tính theo phương pháp trực tiếp.
Để làm rõ quy định này, Thông tư 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT ghi rõ tại điểm 2.1c, mục III, phần B ghi: cơ sở kinh doanh tính thuế theo phương pháp khấu trừ nhưng có kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào để khai thuế theo từng hoạt động kinh doanh và phương pháp tính thuế. Trường hợp không hạch toán riêng được thì xác định phân bổ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ doanh thu tương ứng.
Quy định đã rõ, thế nhưng, đại diện Công ty Kita cho rằng mình đã khai đúng theo tờ khai đăng ký thực hiện hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn đã gởi cho cơ quan thuế. Còn lãnh đạo cơ quan thuế lập luận, tờ khai đăng ký thực hiện hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn là do doanh nghiệp tự khai bởi Luật Quản lý thuế quy định doanh nghiệp được quyền “tự tính, tự khai, tự nộp thuế”, nên trên cơ sở tự chịu trách nhiệm đó, khi cơ quan thuế hậu kiểm, thấy sai là xử lý – chứ tờ khai đăng ký thực hiện hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn không có giá trị pháp lý trong việc quyết định phương pháp tính thuế.
Tòa: luật không rõ ràng
Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa cũng nêu quan điểm: “Công ty Kita là đơn vị thực hiện tính thuế theo phương pháp khấu trừ đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả hoạt động chế tác. Chỉ riêng hoạt động kinh doanh mua bán vàng bạc, đá quý là tính theo phương pháp trực tiếp trên GTGT. Do vậy, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên bác yêu cầu của Công ty Kita”.
Luật đã rõ, quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát cũng vậy, nhưng điều lạ là Thẩm phán TAND quận 1, ông Cao Thanh Hùng, chủ tọa phiên tòa vẫn chấp nhận yêu cầu của Công ty Kita, tuyên hủy quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Thuế. Bởi tòa nhận định rằng, Luật Thuế GTGT không quy định rõ hoạt động mua bán vàng tính theo phương pháp trực tiếp hay khấu trừ; Nghị định 123/2008/NĐ-CP, Thông tư 129/2008/TT-BTC cũng quy định không rõ ràng dẫn đến áp dụng của Chi cục Thuế không chính xác làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp…
Nếu với quyết định của tòa án như thế thì có nghĩa các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chế tác vàng được tính theo phương pháp trực tiếp. Và như vậy, có nghĩa việc áp dụng của cả ngành thuế lâu nay là sai. Bởi tuy Luật Thuế GTGT thay thế có hiệu lực từ đầu năm 2009 nhưng tinh thần và một số nội dung đối với phương pháp tính thuế là không thay đổi. Phương pháp tính thuế khấu trừ đối với hoạt động chế tác cũng được ngành thuế thống nhất áp dụng từ rất lâu chứ không phải mới đây. Và ngay trong khi soạn thảo luật thuế này, sở dĩ chỉ áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý là vì hoạt động mua bán này hầu hết không có hóa đơn chứng từ. Vì vàng trong dân chẳng ai đem bán mà xuất được hóa đơn cho doanh nghiệp. Do vậy phải tính thuế trực tiếp trên phần tăng thêm mà doanh nghiệp kê khai. Còn đối với tất cả các hoạt động khác, có hóa đơn đầu vào rõ ràng thì phải tính theo phương pháp khấu trừ.
Chế Hân