Lúng túng “rác”văn hóa

Trong vòng một thời gian rất ngắn, công chúng còn chưa nguôi bức xúc trước việc ca từ âm nhạc dung tục tràn lan trên mạng thì lại đến chuyện phim có nội dung nhảm nhí, phản cảm tiếp tục tung hoành trên Internet. Từ sự việc “rác” văn hóa đang hoành hành, người ta cũng nhìn rõ hơn lỗ hổng quản lý đối với những sản phẩm văn hóa mạng hiện nay.

Ngay sau khi bộ phim “Căn hộ số 69” được phát tán trên mạng, Cục Điện ảnh đã có ngay công văn gửi Thanh tra Bộ VH-TT-DL cùng nhiều đơn vị chức năng thông báo về những sai phạm của việc sản xuất, phát hành phim này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý sai phạm. Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý nhà sản xuất bộ phim.

Nhưng vấn đề ở đây là, việc xử lý những bộ phim gắn mác người lớn trên kênh YouTube có quá sức đối với Bộ VH-TT-DL? Thực tế, các bộ phim muốn được phát sóng hay chiếu rạp đều phải qua kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim quốc gia hoặc hội đồng duyệt của các đài truyền hình.

Tuy nhiên, với phim chỉ phát hành trên mạng thì chưa có bất cứ chế tài nào để ngăn chặn. Việc quản lý phim phát hành trên mạng hiện nay gần như không thể bởi thực tế Bộ VH-TT-DL từ trước đến giờ không có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên Internet, các trang mạng xã hội.

Các bộ phim được tự do đăng tải trên Internet và mạng xã hội mà không bị bất cứ cơ quan nào kiểm duyệt nội dung. Bộ VH-TT-DL chỉ yêu cầu gỡ bỏ nó khi phát hiện có nội dung xấu hay vi phạm bản quyền. Điều này khiến nhiều người lo lắng bởi tốc độ lan truyền trên mạng rất lớn và như vậy sẽ vô cùng khó khăn trong việc kiểm soát người xem và hậu quả đôi khi sẽ khôn lường.

Chia sẻ về hiện tượng này, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cũng vô cùng bức xúc thốt lên rằng: “Đó là sự lệch chuẩn về nhận thức về văn hóa. Tôi lấy làm buồn bởi những người làm trong môi trường văn hóa nghệ thuật lẽ ra càng cần phải nhận thức đúng đắn về văn hóa”.

Còn theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, mặc dù đã xử phạt hành chính ở thang bậc cao nhất đối với hành vi này song mức phạt đó vẫn phần nhiều mang tính giáo dục chứ chưa thực sự mang tính răn đe. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ 8 triệu đồng mỗi trang nhạc nộp phạt chỉ là một phần nhỏ trong số lợi nhuận khổng lồ mà các đơn vị này thu được. Cũng theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, những tác phẩm được đăng tải trên Internet quyền quản lý lại thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông.

Hiện tượng nhạc “rác”, phim “rác”… đang lộng hành đã chứng tỏ có một kẽ hở không nhỏ trong quản lý văn hóa phẩm trên mạng hiện nay. Thực tế cũng cho thấy, không ít sản phẩm “rác” đội lốt nghệ thuật đang được phát tán công khai. Không chỉ tại Việt Nam, vấn đề sử dụng những từ ngữ thô tục trong bài hát cũng như nội dung của phim ảnh đã là vấn đề nóng tại nhiều quốc gia. Gần đây nhất, sự việc Bộ Văn hóa Hàn Quốc cấm diễn và lưu hành hàng chục ca khúc không phù hợp với truyền thống đất nước cũng đã được báo chí thế giới đăng tải.

Vì thế việc chấn chỉnh để có những sản phẩm văn hóa lành mạnh hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là điều cần thiết. Việc xử lý bằng cách mang băng, đĩa đi tiêu hủy như chúng ta vẫn làm lâu nay chỉ là những xử lý phần ngọn. Điều gốc rễ của vấn đề là nếu mỗi con người đều được giáo dục và có nhận thức đầy đủ, đều hướng đến chân - thiện - mỹ thì có lẽ đã không có những bài hát phản cảm nêu trên.

 ì vậy, nên chăng bên cạnh việc xử lý các vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng khung pháp lý để ngăn chặn những vấn đề có tác động xấu đến môi trường văn hóa chung tại Việt Nam, để người dân được hưởng thụ một môi trường văn hóa sạch.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục