Luồng tàu biển Soài Rạp - Cùng khai thác, cùng trả phí?

Chờ luồng Soài Rạp

Như Báo SGGP đã đưa tin, UBND TPHCM vừa giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải phối hợp lập phương án chuẩn bị thực hiện dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp - cơ sở quan trọng để phát triển đô thị cảng Hiệp Phước cùng hệ thống cảng biển ở đây. Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý hỗ trợ TPHCM thực hiện dự án này và giao Bộ Tài chính làm việc cụ thể với TPHCM.

Chờ luồng Soài Rạp

* Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, dọc sông Soài Rạp sẽ hình thành một hệ thống cảng biển tầm cỡ khu vực. Hệ thống cảng biển này phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển của TPHCM và một số tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang…

TPHCM đang tiến hành nạo vét duy tu sông Soài Rạp đoạn trước mũi Bình Khánh xuống tới độ sâu 8,5m để tàu khoảng 30.000 DWT lưu thông thuận tiện.

Những ngày đầu tháng 6-2011, hệ thống cảng biển bên bờ sông Soài Rạp thuộc địa bàn TPHCM đã hình thành khá rõ nét. Cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT) - cảng đầu tiên được xây dựng ở đây đã hoạt động khá nhộn nhịp.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc SPCT cho biết, hiện nay mỗi tuần cảng đón khoảng 8 đến 9 tàu ra vào, tăng hơn những tháng đầu năm 2 đến 3 chiếc. Mức độ tăng không nhiều song đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh luồng tàu biển Soài Rạp chưa được nạo vét và cảng SPCT vẫn phải sử dụng luồng sông Lòng Tàu với độ sâu chỉ khoảng 8m-8,5m cho tàu ra vào.

Cách đó không xa, cảng Sài Gòn-Hiệp Phước cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 với 3 bến tàu dài khoảng 800m và 2 bến phao, cho phép tiếp nhận tàu từ 30.000 DWT-50.000 DWT ra vào, lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến vào khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Các khu vực khác tuy chưa thấy có cảng, song như Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận-chủ đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Phước-nơi sông Soài Rạp chảy qua cho biết, toàn bộ dải bờ sông thuộc địa bàn TPHCM đều đã có chủ đầu tư và các chủ đầu tư chỉ còn đợi dự án nạo vét sông Soài Rạp triển khai là bắt tay vào xây cảng.

Dọc bờ sông Soài Rạp, đoạn qua tỉnh Long An và Tiền Giang chưa có được không khí nhộn nhịp làm cảng như ở TPHCM, song năm ngoái, tại Long An một dự án xây dựng cảng nước sâu trị giá hàng tỷ USD đã được khởi công. Quy mô đầu tư và mức độ khai thác cảng ở hai địa phương này về cơ bản cũng không khác TPHCM, thậm chí họ còn có nhiều lợi thế do nằm ở gần biển hơn (từ biển vào sông Soài Rạp phải đi qua Tiền Giang, Long An rồi mới tới TPHCM).

Bài toán khó cho TPHCM

Cách nay hơn 100 năm, sông Soài Rạp đã không được chọn làm luồng chính cho tàu biển vào hệ thống cảng trên sông Sài Gòn vì có nhiều điểm cạn nên và phải nhường vai trò ấy cho sông Lòng Tàu. Vì vậy, muốn đưa vào khai thác sông Soài Rạp, bắt buộc phải nạo vét các điểm cạn ấy.

TPHCM đã bắt tay vào nghiên cứu kế hoạch nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp từ nhiều năm nay nhưng không đơn giản vì rất công phu và khá tốn kém. Chi phí nạo vét đến độ sâu 9,5m, dự kiến tốn khoảng 2.000 tỷ đồng, nạo vét đến độ sâu 12m, dự kiến tốn thêm 2.000 tỷ đồng nữa. Đây thực sự là gánh nặng đối với ngân sách thành phố và theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, UBND TPHCM đã báo cáo khó khăn này với Chính phủ và Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính phối hợp cùng TPHCM tháo gỡ khó khăn.

Hiện chưa rõ hướng tháo gỡ ra sao nhưng nhiều chuyên gia trong ngành giao thông của TPHCM cho rằng, để cạnh tranh bình đẳng, các địa phương cùng khai thác sông Soài Rạp phát triển cảng biển phải có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng này với thành phố. Một hướng khác, TPHCM đầu tư làm luồng, tất cả doanh nghiệp sử dụng luồng đều phải trả phí.

Tuy nhiên, ông Trần Thế Kỷ nhận xét, muốn làm được điều ấy thì phải sửa luật vì hiện nay chỉ có quy định về thu phí sử dụng bến cảng nhưng chưa có quy định thu phí sử dụng luồng.

Nguyễn Khoa

- Triển khai dự án nạo vét luồng Soài Rạp

Tin cùng chuyên mục