Mập mờ thực phẩm an toàn

Rau, củ, thịt, cá… gắn với bữa ăn của người dân hàng ngày. Những mặt hàng này thời gian gần đây gây nhiều hoang mang cho người tiêu dùng khi hàng loạt vấn đề về chất lượng thực phẩm bị phanh phui. 
Từ thực tế đó, nhu cầu bữa ăn sạch, bữa ăn an toàn được người dân chịu khó săn lùng nhiều hơn. Hàng loạt thực phẩm được giới thiệu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn hay thực phẩm organic ra đời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại.
Nhu cầu lớn
Chị Đặng Thùy Linh ở quận 10, TPHCM cho biết, nhà chị có 3 cháu nhỏ cùng ông bà nội lớn tuổi, nên luôn phải tìm nguồn thực phẩm sạch cho mỗi bữa ăn của gia đình. “Cháu nhỏ nhất nhà mình đang ăn dặm nên tìm rau củ, thịt thực sự sạch, an toàn là rất quan trọng. Thực phẩm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bước đầu của cháu. Chính vì lý do đó, với riêng cháu nhỏ nhất, mình luôn phải tìm các cửa hàng được giới thiệu các sản phẩm organic. Trái bầu, trái bí cũng 40.000 - 50.000 đồng/trái, nhưng vẫn phải cắn răng mua, muốn ăn sạch thì không còn cách nào khác” -  chị Linh chia sẻ. Không chỉ có vậy, tìm nguồn thực phẩm sạch cho cả nhà hàng ngày cũng khiến chị Linh đau đầu. “Không quá cầu kỳ như cháu nhỏ, nhưng cũng phải mua mấy loại thịt, cá mình tin tưởng được mới dám ăn chứ bậy bạ thì không thể nào mua được”, bà nội trợ này nói. Vì vậy, các cửa hàng thực phẩm uy tín, siêu thị là những địa điểm mà chị Linh thường xuyên lựa chọn để mua sắm.
Mập mờ thực phẩm an toàn ảnh 1 Thực phẩm sạch đang được bày bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart
Nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng thực sự là rất cần thiết khi hàng loạt vấn đề như thịt heo nhiễm chất cấm, rau không an toàn gây hoang mang cho nhiều bà nội trợ. Dành cả buổi sáng loay hoay chọn lựa từng món đồ tại siêu thị, bà Huỳnh Bảy (quận 3) phân trần: “Bữa ăn mình ăn vào miệng mà không kỹ thì tôi không có yên tâm”. Theo bà nội trợ này, mỗi tuần bà dành 2-3 lần để đi siêu thị mua thực phẩm tươi sống, mua ở cửa hàng hay siêu thị dù sao cũng an tâm hơn, vì được đảm bảo. “Mấy đồ tươi mua để lâu thì cũng được, mà có thời gian thì đi lựa ăn ngắn ngày sẽ đảm bảo và ngon hơn” - bà Bảy cho biết.
Kể từ khi TPHCM thực hiện việc truy xuất nguồn gốc với thịt heo, rau củ… nhiều bà nội trợ đã an tâm hơn khi mua thực phẩm. Chị Trịnh Hoài Phương (quận Tân Bình) đánh giá, truy xuất nguồn gốc chắc chắn sẽ khiến chị an tâm khi đi mua sắm hơn. “Dù sao thì mình cũng cần được biết mua miếng thịt heo đó ở đâu, nuôi như thế nào, có thực sự an toàn không” - chị Phương nói. Nhiều bà nội trợ cho biết, giữa việc mua các mặt hàng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và các sản phẩm chỉ rõ nơi bán, nơi sản xuất, chế biến thì đây chính là lựa chọn khiến người tiêu dùng tin tưởng để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.
Đủ kiểu thực phẩm sạch
Chính nhu cầu rất lớn về thực phẩm đã khiến rất nhiều nhà cung cấp, sản xuất vào cuộc nhằm đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực phẩm sạch hay không, vẫn chưa có sự kiểm chứng cụ thể nào. Lần theo quảng cáo bán thực phẩm sạch, chúng tôi ghé vào cửa hàng M, (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình) thì thấy khá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống được đưa lên kệ. Từ trứng cho tới gạo, thịt heo, các loại rau có lá, bắp cải, cà chua, cà rốt… Hỏi nhân viên bán hàng về nguồn gốc sản phẩm thì được biết, tất cả được sản xuất, nuôi trồng theo phương pháp sạch, truyền thống. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ hơn sạch và truyền thống là như thế nào thì chúng tôi không nhận được câu trả lời cụ thể. Ghi nhận tại đây cũng cho thấy, các mặt hàng tươi sống đều được gắn mác, thực phẩm sạch - nuôi trồng theo phương pháp truyền thống.
Tiếp tục ghé vào một cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận, TPHCM), nhân viên giới thiệu lưu loát về dòng gạo hữu cơ, tác dụng chữa bệnh… Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không có thông tin gì cụ thể hoặc ghi chi tiết về chứng nhận hữu cơ. Tương tự, chỉ cần gõ gạo hữu cơ, thịt hữu cơ hay rau hữu cơ trên các trang mạng hiện ra hàng ngàn kết quả khác nhau, giới thiệu nhiều cửa hàng bán các sản phẩm gắn mác “hữu cơ”. Tuy nhiên, khi đọc kỹ thông tin về sản phẩm, hoàn toàn không có chứng nhận hay bất kỳ thông tin gì về quy trình nuôi trồng hữu cơ.
Quy trình nghiêm ngặt
Hiện nay trên thị trường, thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt, cá thường được phân loại gồm, thực phẩm thông thường, có chứng nhận VietGAP, chứng nhận GlobalGAP và thực phẩm hữu cơ. Đối với các loại sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt từ khâu chọn đất trồng, giống, phân bón, nước tưới... cho đến khi thu hoạch, đóng gói phân phối ra thị trường. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm VietGap hay GlobalGap sản xuất để xuất khẩu hoặc bán lẻ tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng có uy tín trên khắp cả nước.
Còn đối với rau hữu cơ thì tiêu chuẩn trồng cao hơn nhiều. Để đạt chứng nhận tiêu chuẩn rau hữu cơ thì đơn vị sản xuất phải được một tổ chức có thẩm quyền quốc tế như: USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), EU, IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ) đánh giá và cấp chứng nhận. Chị Hoài Trang, quản lý cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica (quận 7, TPHCM), cho biết trồng rau hữu cơ không được dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và hóa chất kích thích tăng trưởng, bảo quản nên tốn rất nhiều công sức nhưng năng suất thấp hơn so với canh tác thông thường, giá thành cao hơn. 
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi rất cao và theo quy trình nghiêm ngặt.  Ở thời điểm hiện tại, Saigon Co.op mới tham gia đầu tư vào một trang trại hữu cơ được chứng nhận quốc tế USDA, EU rộng hơn 300 ha tại Cà Mau. Tới quý 1-2017, các sản phẩm hữu cơ như gạo, rau, thủy hải sản mang tên Co.op Organic sẽ được kinh doanh tại hệ thống siêu thị. Sau đó, Saigon Co.op cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, để sớm cung ứng các thực phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
 
Phân biệt các loại thực phẩm
Phương pháp nhận biết cơ bản nhất chính là quan sát bao bì của sản phẩm. Trên mỗi sản phẩm nếu được chứng nhận sẽ ghi rõ loại sản phẩm như VietGap, GlobalGap hay organic. Đối với sản phẩm organic sẽ in kèm trên bao bì như USDA organic, EU organic, IFOAM, ... Thông thường, các nhà bán lẻ còn yêu cầu nhà cung cấp đưa bản sao của các chứng nhận này, vì vậy người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu người bán cung cấp chứng nhận để chứng thực sản phẩm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên chú ý phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm đã được một tổ chức độc lập chứng nhận canh tác theo phương thức hữu cơ và đảm bảo các yêu cầu liên quan. Còn thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ là sản phẩm của quá trình canh tác theo hướng hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận. Một số mô hình canh tác quy mô nhỏ không đủ tiền trả cho cơ quan cấp chứng nhận. Dù chưa có chứng nhận nhưng nếu thực sự canh tác theo quy trình này thì thực phẩm vẫn an toàn và đảm bảo phần lớn các tiêu chí của thực phẩm hữu cơ.
Ngoài ra, đối với thực phẩm thông thường, để đảm bảo an toàn người mua nên quan tâm tới tem, nhãn chứng nhận của nhà cung cấp. Hãy chú ý thông tin trên bao bì, nhà sản xuất, lô đóng gói để có thể truy xuất được nguồn gốc.

Tin cùng chuyên mục