Mẫu nhà cho nông thôn TPHCM - Những lời khuyên bổ ích

Cân nhắc chọn vật liệu xây nhà
Mẫu nhà cho nông thôn TPHCM - Những lời khuyên bổ ích

Một lần nữa, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM lại đưa thêm mẫu nhà mới, phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố. Vẫn là những mẫu nhà chữ L truyền thống nhưng kèm theo nhiều lời khuyên về chọn lựa kết cấu và vật liệu để tiết kiệm năng lượng, thân thiện hơn với môi trường.

Một ngôi nhà làm hàng rào bằng cây xanh tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Ảnh: Thanh Tâm

Một ngôi nhà làm hàng rào bằng cây xanh tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Ảnh: Thanh Tâm

Cân nhắc chọn vật liệu xây nhà

Nếu diện tích đất cho phép, các kiến trúc sư của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất ngôi nhà hình chữ L nên quay mặt ra hướng Đông Nam để hứng gió tự nhiên. Hàng rào của các ngôi nhà nên là những hàng cây xanh mát thay vì tường rào sắt thép, bê tông kiên cố như trong nội thành. Cây xanh trồng trong mỗi ngôi nhà nên là những cây lớn có tác dụng che nắng, tạo thêm không khí mát mẻ cho chính ngôi nhà.

Trong trường hợp cây trong nhà có bóng mát tỏa ra cả dọc lề đường thì vai trò của cây xanh đường phố có thể không cần thiết. Việc này, nếu được, cả nhà nước và nhân dân đều được lợi. Nhà nước không tốn tiền trồng và chăm sóc cây xanh đường phố, người dân có không gian rộng rãi hơn do vỉa hè thoáng đãng.

Không nên làm nhà mái bằng vì kiểu nhà này dễ gây nóng và làm đọng nước mưa, có khả năng làm thấm dột nhà. Nên làm nhà mái dốc để thoáng và dễ thoát nước mưa. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép, trước mắt người dân có thể dùng xà gỗ bằng kim loại, vừa rẻ vừa nhẹ. Đủ điều kiện về kinh tế thì làm xà gỗ bằng gỗ như ông bà xưa nay vẫn làm.

Việc chọn vật liệu cũng nên cân nhắc. Nếu ủng hộ việc bảo vệ môi trường, người dân nên xem xét khi chọn mua gạch nung hay gạch không nung. Gạch nung làm bằng đất sét và nung qua lò nung công nghiệp hay lò nung thủ công đều có tác hại cho môi trường như nhau bởi quá trình nung đã thải khí ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính.

Nhiều tổ chức môi trường đang vận động hạn chế sử dụng gạch nung trong xây dựng. Tuy nhiên, gạch nung lại phổ biến hơn gạch không nung. Gạch không nung có nhiều loại: loại được làm từ bê tông nhẹ, loại được đóng từ vôi và xỉ than…

Để lợp mái, lời khuyên của các kiến trúc sư là nên chọn ngói không nung cho mát. Lợp bằng mái tôn có ưu điểm thi công nhanh, tôn nhiều màu sắc, đẹp nhưng lại cách nhiệt kém. Nếu vẫn muốn chọn tôn, người dân nên dùng thêm các vật liệu cách nhiệt trên trần nhưng lưu ý không sử dụng bông thủy tinh do đây là chất gây hại cho sức khỏe, đã bị cấm dùng ở nhiều nước trên thế giới. Chọn tôn, nên tìm hiểu xem tôn có chứa chất a-mi-ăng không vì giống như bông thủy tinh, đây là chất có hại cho sức khỏe con người.

Thiên nhiên phục vụ con người

Làng quê của miền nhiệt đới gió mùa mà không tận dụng nắng, gió, mưa và những phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp…, theo các kiến trúc sư, đó là một thiếu sót.

Tư vấn của các kiến trúc sư trong trường hợp này là nên tận dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng. Hiện nay nhà nước đang có chính sách khuyến khích sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời bằng các cơ chế tài chính cụ thể như hỗ trợ trước khoảng 1 triệu đồng cho người mua máy… Như vậy, sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời, người dân vừa được tiền hỗ trợ vừa tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể thay vì phải đun nước nóng từ gas, than, củi…

Một bể chứa nước mưa lớn, theo các kiến trúc sư cũng cần được quan tâm cho dù hiện nay nước sạch từ hệ thống cấp nước của thành phố đã phủ kín nhiều xã nông thôn. Nước mưa có thể giúp người dân tưới tiêu mà không phải khoan thêm nước ngầm… Việc khoan, khai thác quá mức nước ngầm có thể làm lún, sụt mặt đất.

Những sản phẩm phụ từ sản xuất nông nghiệp như chất thải của các gia súc nuôi ở nông thôn có thể ủ để làm biogas, vừa cung cấp năng lượng vừa có thể làm ra phân bón đồng ruộng. Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở nhiều xã nông thôn mới của TPHCM nắm rất rõ kỹ thuật làm biogas và người dân có thể nhờ họ giúp đỡ xây hầm biogas.

Tâm Đức


Nhà mới cho nông dân, bao giờ?

Nhìn những mẫu nhà mới thân thiện với môi trường cho nông dân ở nông thôn của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, nhiều người không khỏi gật gù. Chúng quả là khá phù hợp cho nông thôn và nông dân TPHCM, nhất là những ý tưởng giúp người dân tận dụng các điều kiện tự nhiên về ánh sáng, về gió, thích ứng một cách hài hòa với tự nhiên…

Tuy nhiên, bao giờ những mẫu nhà này mới được đưa vào cuộc sống? Câu hỏi chưa có câu trả lời. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, đây là nhiệm vụ của Sở NN-PTNT. Sở NN-PTNT trả lời, trong khả năng của mình, sở đã liên hệ với nhiều ngân hàng, nhiều tổ chức tài chính để tìm kiếm một sự hỗ trợ. Tất cả đều từ chối bởi không có cơ chế đảm bảo cho người nông dân có thể trả nợ vay. Sở NN-PTNT đã nỗ lực tìm đến một hướng khác: các tổ chức tài chính của Chính phủ, hy vọng bằng vốn ngân sách, nhà nước có thể hỗ trợ cho nông dân làm nhà.

Thế nhưng, tại đây, sở gặp trở ngại: theo quy định của Chính phủ, những người nằm trong chuẩn nghèo của nhà nước mới được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. So với cả nước, chuẩn nghèo ở TPHCM… cao hơn, do đó người nghèo ở thành phố không thể tiếp cận với ngân hàng nêu trên.

Nhiều cơ quan chức năng của TPHCM đã tính đến việc vận động nông dân chủ động làm theo mẫu nhà do Sở Quy hoạch - Kiến trúc đưa ra. Tuy nhiên, việc vận động này không dễ vì nhiều nông dân lại muốn xây nhà theo ý mình….

Chăm lo nhà ở cho nông dân là chủ trương rất đúng đắn của TPHCM. Tuy nhiên, để điều ấy trở thành hiện thực và không chỉ là những bức vẽ đẹp trên giấy, đòi hỏi thành phố phải nỗ lực hơn nữa. Trong đó, điều quan trọng nhất: phải có cơ chế tài chính hỗ trợ người dân làm nhà bởi đa phần nông dân đều thu nhập không cao. Kiến trúc tại nông thôn Việt Nam nói chung và TPHCM đang có nhiều biểu hiện xuống cấp, lai căng, không phù hợp với tự nhiên… Do vậy rất cần có hỗ trợ kịp thời.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục