Trong cuộc họp thường kỳ nào của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi kết luận phiên họp cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân khi thực hiện những nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch, công khai thông tin trong việc triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án, nhất là những gì liên quan thiết thân đến đời sống xã hội, người dân. Bởi chỉ khi người dân thấu hiểu, cảm thông, đồng thuận thì mới mới mong triển khai thành công những chính sách mới.
Đây cũng là vấn đề luôn được Quốc hội đặt ra đối với các cơ quan hành pháp, là đòi hỏi hàng đầu của người dân. Thế nhưng, thực tế có quá nhiều chủ trương, chính sách, đề án liên quan thiết thân đến lợi ích, thậm chí là tình cảm của người dân đã thực hiện một cách đơn giản, nóng vội. Đề án chặt hạ, thay thế cây xanh của Hà Nội bị dư luận phản đối vì vi phạm quy định Nghị định 64/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, đã quy định cụ thể về điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị và khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô quy định nghiêm cấm việc chặt phá rừng, cây xanh trên địa bàn thủ đô.
Muốn chặt hạ cây thì phải có giấy phép chặt hạ, muốn có giấy phép thì phải lập hồ sơ của từng cây một. Nhưng dường như hàng trăm cây xanh đã bị chặt hạ mà không cần xin phép cũng không lập hồ sơ. Khi dân hỏi đến thì thông tin lại bất nhất, mù mờ, giải trình thiếu trách nhiệm. Không chỉ là đề án thay thế cây xanh Hà Nội phải dừng lại sau khi không tạo được sự đồng thuận của người dân. Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A cũng đã phải dừng lại, bị loại ra khỏi quy hoạch bởi dư luận không đồng tình. Chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình cũng đã không được Quốc hội thông qua vì không có sự đồng thuận cần thiết. Hay gần đây nhất là đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 với kinh phí 34.000 tỷ đồng cũng bị “lên bờ xuống ruộng” nhiều lần vì tính bất hợp lý của nó. Ngay cả dự án xây dựng sân bay Long Thành cũng phải chỉnh sửa nhiều lần, có đáp ứng được yêu cầu và tạo được sự thuyết phục, minh bạch thì mới có cơ hội được Quốc hội thông qua...
Những ví dụ đó cho thấy, dù dự án được trình có cấp thiết đến đâu, quan trọng đến đâu nhưng nếu chưa có được sự đồng thuận cao thì rất khó được chấp nhận, ủng hộ. Điểm mấu chốt để tạo được sự đồng thuận cao, đó chính là chủ trương, chính sách, đề án đưa ra phải minh bạch thông tin, được xây dựng bằng tinh thần trách nhiệm, phải đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu.
Trong vụ việc chặt cây ở Hà Nội, rõ ràng là không thấy những điều đó. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng, vụ việc này ban đầu không lớn, nhưng bây giờ lại thành rất lớn. Bởi từ chủ trương, cách thức thực hiện và cả cách phát ngôn, giải trình về sự việc... đều có vấn đề, không được người dân đồng thuận. Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đặt lợi ích của dân lên trên hết, minh bạch thông tin, giải trình có trách nhiệm thì chắc chắn cơ quan nhà nước sẽ thực hiện được những “việc khó”.
LÂM NGUYÊN