Mở nút thắt để doanh nghiệp nội lớn mạnh

Cải cách thể chế đang là vấn đề quan tâm đầu tiên trong lộ trình hội nhập. Bài viết dưới đây ghi nhận các góp ý, những góc nhìn đa dạng từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhằm nhanh chóng cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để DN Việt lớn mạnh.  
Mở nút thắt để doanh nghiệp nội lớn mạnh

Cải cách thể chế đang là vấn đề quan tâm đầu tiên trong lộ trình hội nhập. Bài viết dưới đây ghi nhận các góp ý, những góc nhìn đa dạng từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhằm nhanh chóng cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để DN Việt lớn mạnh.  

Cần cởi bỏ tâm lý đầu tư ăn xổi

“Đừng xem thị trường nhân công rẻ là lợi thế”, ông Bruno Angelet, Chủ tịch phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ. Trong định hướng đầu tư của DN châu Âu tại Việt Nam, đây là thị trường tiềm năng với nhiều lĩnh vực chưa được đầu tư và khai thác tương xứng. Điển hình là lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm. Việt Nam hiện đang nằm trong tốp 10 nước có lượng và loại nông sản thực phẩm phong phú nhất thế giới. Tuy nhiên, 90% tỷ trọng xuất khẩu nông sản thực phẩm lại là xuất khẩu thô hoặc vay mượn thương hiệu của các công ty nước ngoài. Điều này cho thấy khoảng trống của DN Việt trong đầu tư ngành chế biến nông sản rất lớn và là cơ hội đầu tư cho DN châu Âu vốn có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh Cao Thăng

Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Văn phòng xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết qua khảo sát gần 600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan và Trung Quốc cho thấy, có hơn 50% DN cho biết sẽ thực hiện chính sách Thái Lan + 1 (Việt Nam) hoặc Trung Quốc +1. Bởi Việt Nam là thị trường ổn định, tiềm năng với hơn 90 triệu dân, có nhiều nét văn hóa tương đồng với Nhật Bản. Tuy nhiên, khó khăn nhất mà DN Nhật Bản gặp phải tại Việt Nam là còn thiếu sự liên kết giữa các DN nội địa với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc DN Việt Nam không sản xuất được sản phẩm phụ trợ hoàn toàn có thể khắc phục qua hoạt động chuyển giao công nghệ. Vấn đề lo ngại là DN Việt thiếu tầm nhìn dài hạn từ 10 năm đến 50 năm và độ tin cậy cao, đủ để thực hiện chiến lược hợp tác lâu dài. Phần lớn DN Việt có tâm lý chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Đồng thuận với quan điểm này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết điều này thể hiện khá rõ trong lĩnh vực thu mua nông sản. Vào thời điểm thị trường bất động sản sôi động, rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này quay sang lướt sóng thị trường. Kết quả là khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều DN bị nợ đọng vốn sản xuất, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu mua và cung ứng nguyên liệu sản xuất của toàn ngành. Đứt nguồn cung, DN chế biến lương thực thực phẩm cũng lao đao theo.

Ổn định chính sách mới vững tin đầu tư

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc hình thành tâm lý chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của DN Việt một phần xuất phát từ cơ chế, chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam không ổn định và thường xuyên thay đổi. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, đơn cử quy định về đánh thuế ngành nhựa. Những sản phẩm nhựa không được chứng nhận là nhựa tự hủy thân thiện với môi trường sẽ áp mức thuế lên đến 100% - 150%/giá thành. Thế nhưng, từ khi đưa ra dự thảo góp ý kiến đến khi áp mức thuế trên chưa đầy 6 tháng. Tương tự là trường hợp quy định về kiểm định chất formadehyt trong nguyên liệu vải nhập khẩu.

“Cải thiện tâm lý đầu tư cho DN Việt là việc mà Chính phủ Việt Nam nên quyết liệt thực hiện. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các DN yên tâm tập trung đầu tư dài hạn”, ông Hirotaka Yasuzumi nhấn mạnh. Cải thiện cơ chế không đơn thuần là hỗ trợ vốn, đất và giãn thuế, mà cần xác định rõ ngành tập trung ưu tiên, mức độ ưu tiên và ổn định chính sách hỗ trợ ít nhất là 10 năm. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, phải phát triển ngành công nghiệp mang tính chất nền tảng của nền kinh tế. Kế đến phát triển những phân nhánh cho ngành này. Đơn cử như để phát triển công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chính xác đứng hàng đầu thế giới như hiện nay, Chính phủ Nhật Bản tập trung phát triển gốc là ngành luyện thép, tiến tới phát triển sản phẩm phụ trợ cho ngành ô tô. Cuối cùng là tạo ra sản phẩm ô tô hoàn chỉnh. Thực tế cho thấy, hơn 90% DN Nhật Bản cũng là DN vừa và nhỏ, rất tương đồng với Việt Nam. Vấn đề còn lại là sự điều chỉnh cơ chế chính sách từ phía Chính phủ Việt Nam.

Ông Bruno Angelet cũng lưu ý, Việt Nam cần cải thiện cơ chế quản lý. Hiện có quá nhiều bộ ngành cùng quản lý một chức năng, nhất là những vấn đề liên quan đến kiểm tra, kiểm định chuyên ngành. Thực tế này dẫn đến hoặc buông lỏng hoặc chồng chéo quản lý. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện cơ chế điều hành kinh tế, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cho DN trong nước và tạo động lực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, mới có thể giúp DN nội hấp thụ tốt những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.


ÁI VÂN

Mở nút thắt để doanh nghiệp nội lớn mạnh ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục