Mở rộng giáo dục STEM qua các môn khoa học xã hội

Giáo dục STEM - viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học), là một trong những định hướng phát triển mà Bộ GD-ĐT đang khuyến khích các trường áp dụng nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Song, STEM thường gắn liền với các môn khoa học tự nhiên. Phải chăng khoa học xã hội đứng ngoài định hướng phát triển đó?
Học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) tham gia hoạt cảnh về tác hại của chất độc dioxin
Học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) tham gia hoạt cảnh về tác hại của chất độc dioxin


Bước khởi đầu hiệu quả

Sáng 10-3, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đã tổ chức buổi báo cáo kết quả thực hiện dự án dạy học theo định hướng giáo dục STEM với chủ đề “Chứng tích da cam” có sự kết hợp của 5 bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học và Sinh học. Dự án được thực hiện trong 2 tuần, với sự tham gia của hơn 400 học sinh khối 12, Trường THPT Lê Quý Đôn. Trao đổi với chúng tôi, cô Đồng Thị Kim Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, đây là năm học đầu tiên trường mạnh dạn áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào 2 tổ bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Theo đó, học sinh sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên tham gia vào các hoạt động như đi tìm hiểu hình ảnh thực tế và phỏng vấn khách tham quan tại bảo tàng, viết các bài thuyết trình, thiết kế tờ rơi, poster (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) trình bày cảm nghĩ của bản thân về sự tàn khốc của chiến tranh, những thiệt thòi, mất mát hơn 7,8 triệu người dân Việt Nam đang gánh chịu từ ảnh hưởng của chất độc. Ngoài ra, các em còn được tham gia nhiều hoạt động phát huy tính sáng tạo, chủ động như vẽ và thiết kế hình ảnh nạn nhân chất độc da cam trên tà áo dài, viết sách về thành phần hóa học, sự ảnh hưởng và tàn phá khủng khiếp của chất độc này lên cơ thể người, bán cho khách tham quan lấy tiền gây quỹ từ thiện giúp các gia đình có nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc, thực hiện các đoạn phim tư liệu, phóng sự ngắn về cuộc sống hiện tại của gia đình các nạn nhân... 

Tại buổi báo cáo dự án, em Dương Bích Loan, học sinh lớp 12B Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Từ trước đến nay, em được nghe các thầy cô nói rất nhiều về tác hại của chất độc dioxin nhưng chỉ khi được nhìn tận mắt, nghe tận tai phần trò chuyện, giao lưu với anh Nguyễn Đức (cặp song sinh dính liền Việt-Đức - PV) em mới hiểu hết sự tàn khốc của các di chứng chiến tranh. Tụi em không chỉ có thêm kiến thức mà còn học được rất nhiều giá trị sống bổ ích như tính nhân văn, sức lan tỏa từ những nghĩa cử đẹp, biết quan tâm, chia sẻ trong cộng đồng”. Riêng đối với em Lã Nguyễn Thanh Trúc, học sinh lớp 12D2, khi được khoác lên mình chiếc áo dài có hình ảnh các em nhỏ dù chịu ảnh hưởng của chất độc dioxin vẫn khoác trên mình chiếc áo trắng hồn nhiên đến trường là một trải nghiệm đẹp em không bao giờ quên được. “Chủ đề chiến tranh thường gắn với sự tàn khốc, đau thương. Nhưng sau khi tham gia vào các hoạt động của dự án, em nhận ra chiến tranh bên cạnh gam màu buồn, xám vẫn còn rất nhiều hình ảnh lạc quan như sự cố gắng vươn lên, khắc phục hậu quả chiến tranh của các gia đình có người thân bị ảnh hưởng. Một hình ảnh Việt Nam đang trở mình, lấy quá khứ làm động lực để động viên các thế hệ trẻ tiếp bước, noi gương là những bài học tuy không có trong sách vở nhưng chúng em đã ý thức rất rõ trong quá trình tham gia dự án”, Thanh Trúc bày tỏ.      

Khuyến khích các trường mạnh dạn áp dụng

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, đưa giáo dục STEM vào dạy học các môn Lịch sử, Ngữ văn là một trong những nỗ lực rất đáng ghi nhận của các trường phổ thông trung học. Việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào nhiều môn học, tạo ra sản phẩm cụ thể, qua đó giúp học sinh liên hệ kiến thức học được trong nhà trường áp dụng vào cuộc sống, đồng thời phát triển các kỹ năng, phương pháp làm việc nhóm là một trong những cách phát triển toàn diện giáo dục. 

Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT nhận định, hiện nay việc áp dụng này mới dừng ở việc xâu chuỗi kiến thức, giúp học sinh tìm hiểu và cảm nhận về một vấn đề thực tế chứ chưa đi sâu vào toàn bộ ngóc ngách của vấn đề, tính liên hệ đời sống chưa cao. Ông Phạm Ngọc Tiến gợi ý, các trường có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động như tìm hiểu chất độc dioxin xưa và nay, đặt ra nhiều câu hỏi liên hệ thực tế như trong xã hội hiện đại chất độc này còn được sản xuất không, quốc gia sản xuất và lưu hành chất độc này phải có trách nhiệm gì với các nước bị ảnh hưởng. Ngoài ra, để việc dạy học gắn với thực tế, ngoài việc tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu tại bảo tàng, trường học có thể cho các em tìm hiểu thực tế xử lý tồn dư của chất độc này trong đất và nước tại những khu vực từng bị rải chất độc. 

Đồng quan điểm, NGND-TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của các đơn vị trong việc phát triển phương pháp dạy học theo hình thức liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức học được trong sách giáo khoa giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, để việc đổi mới thật sự đạt hiệu quả và có thể nhân rộng, phát triển trong nhiều trường học, TS Đặng Huỳnh Mai kiến nghị Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu, đưa ra nhiều hình thức đổi mới trong kiểm tra, đánh giá và thi cử như đánh giá qua sản phẩm dạy học thực tế, giảm câu hỏi kiến thức hàn lâm trong các đề kiểm tra để tăng câu hỏi vận dụng, tạo cho học sinh thói quen làm chủ kiến thức và có kỹ năng giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. “Chỉ khi đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn liền với thay đổi phương pháp dạy học, người học mới có thể phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng và phẩm chất - một trong những mục tiêu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, TS Đặng Huỳnh Mai bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục