Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Mỗi quyết định liên quan tới di sản cần phải cân nhắc kỹ lưỡng

Hội An là địa chỉ văn hóa duy nhất ở Đông Nam Á còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn quy hoạch, kiến trúc của một đô thị - thương cảng cổ, đây cũng được ví như một bảo tàng sống. Bởi vậy, mỗi quyết định liên quan tới di sản đều dễ gây phản ứng nhiều chiều. SGGP đã trao đổi với PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa về nội dung này.
Mỗi quyết định liên quan tới di sản cần phải cân nhắc kỹ lưỡng

- Phóng viên: Có một số ý kiến cho rằng di sản là của toàn dân, ai cũng có quyền được hưởng, vì thế việc thu phí tham quan di sản như tại Hội An dành cho du khách trong nước và quốc tế đã vấp phải sự phản ứng nhiều chiều. Quan điểm của bà về việc này như thế nào?

PGS-TS Lê Thị Thu Hiền: Việc thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý đã được quy định rõ trong Luật Phí và lệ phí. Trong đó quy định HĐND cấp tỉnh quyết định thu phí tham quan di tích lịch sử đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí tham quan di tích lịch sử và phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý…

Trong Luật Phí và lệ phí cũng như các thông tư hướng dẫn cũng lưu ý quy định mức thu phí phù hợp, bảo đảm áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài. Đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quy định mức thu phí bằng hoặc cao hơn mức thu phí danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng khác.

Hội An còn được ví như một "bảo tàng sống". Ảnh: THU HÀ
Hội An còn được ví như một "bảo tàng sống". Ảnh: THU HÀ

- Nên chăng tổ chức thu phí các điểm tham quan thay vì cách thu như hiện nay?

Với phố cổ Hội An, những năm qua, địa phương đã thực hiện việc thu phí tham quan di tích, nguồn thu này được địa phương chi vào việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích (thông qua quy chế bảo vệ Di sản Văn hóa Thế giới khu phố cổ Hội An). Điều chỉnh thu phí tham quan phải căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích để quyết định. Việc thu phí tham quan chung khu phố cổ Hội An hay thu phí riêng ở các điểm di tích nằm trong phố cổ này cũng cần đảm bảo phù hợp với các yêu cầu quản lý di tích và điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

- Bà có nhận xét gì về việc phát huy và bảo tồn giá trị của di sản phố cổ Hội An trong những năm qua?

Trong khu phố cổ Hội An có hàng trăm công trình di tích thuộc sở hữu Nhà nước, tập thể, tư nhân, với đặc điểm là một di tích kiến trúc - cư dân đô thị của thời Trung Đại duy nhất còn lại hầu như nguyên vẹn ở Việt Nam, là một địa chỉ văn hóa duy nhất của khu vực Đông Nam Á còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn những nét chính về quy hoạch, kiến trúc của một đô thị - thương cảng cổ. Hạt nhân cơ bản là quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ được xem như một “bảo tàng sống”, bởi từ bao đời nay thị dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”.

Trong nhiều năm nay, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí tu bổ hàng trăm công trình di tích trong khu phố cổ Hội An. Đồng thời, việc tu bổ các di tích thuộc vùng ven cũng đã được chú ý tập trung đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cộng với sự tham gia của cộng đồng dân cư. Đây cũng có thể được xem như hình thức hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO.

Thời gian qua, du lịch đem lại nguồn thu lớn cho di sản này cho thấy giá trị của di sản văn hóa đã được phát huy rất tốt bên cạnh những nỗ lực bảo tồn. Đây có thể coi là một trong những địa phương lĩnh hội tinh thần tạo sinh kế cho người dân tại khu vực có di sản khi nỗ lực hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị nhà cổ, không gian cổ.

Điều chỉnh thu phí tham quan phải căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích để quyết định. Ảnh: THU HÀ

Điều chỉnh thu phí tham quan phải căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích để quyết định. Ảnh: THU HÀ

- Một số ý kiến cho rằng với những di sản là điểm “nóng” của du lịch thì cũng nên áp dụng một số biện pháp để giảm tải cho các di sản. Việc quy định mức thu phí với du khách phải chăng là một cách giảm tải?

Các chuyên gia UNESCO cũng đã nhiều lần đưa ra lời khuyên cho các di sản trên thế giới thu hút sự quan tâm của du khách về việc cần kiểm soát sức tải du khách đến di sản để đảm bảo sự an toàn. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng cũng gây ra tác động nhiều mặt như: sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách du lịch, sự lạm dụng di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị. Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản. Ở một số di sản nổi tiếng đã có những hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có những xâm hại nghiêm trọng tới di sản mà giai đoạn kế tiếp sẽ phải trả giá rất đắt cho việc phục hồi giá trị di sản đã bị xâm hại.

Thực tế cũng có một số di sản áp dụng cách bán lượng vé nhất định trong ngày; quy định hạn chế số khách trong từng thời điểm; tạo không gian mới để giảm tải cho vùng lõi của di sản. Bởi vậy có thể thấy, việc bán vé đối với du khách cũng là một trong những cách kiểm soát hiệu quả sức chịu tải của di sản để có những biện pháp can thiệp bảo vệ kịp thời.

Khác với một số khu di sản ở nhiều nơi tại Việt Nam và trên thế giới, khu phố cổ Hội An là "khu di sản sống" mà trong đó, các hoạt động của người dân vẫn đang diễn ra, nhu cầu ở, phát triển kinh doanh du lịch vẫn là những nhu cầu thường nhật của người dân phố cổ. Bởi vậy mỗi quyết định đối với di sản cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

- Xin cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục