Trong đội ngũ những người cầm cọ từng mặc áo lính, họa sĩ Phạm Thanh Tâm (ảnh) là một gương mặt khá đặc biệt, bởi dường như ông “không có tuổi”. Tiếp xúc với lão họa sĩ, điều dễ cảm nhận là phẩm chất lạc quan, yêu đời và nét hóm hỉnh luôn thường trực.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm tuổi con ngựa (1930). Quê gốc ở Nam Định, nhưng ông được sinh ra ở Hải Phòng và hiện cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuối tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo gia đình tản cư. Do cha của ông làm việc trong Ban Tuyên truyền Chiến khu 3, nên cả gia đình được ăn chung bếp với cơ quan. Ngày ấy trên báo Sự Thật có câu: “Con cán bộ ăn cơm nhờ đoàn thể. Đoàn thể nghèo, cơm ăn chỉ thế thôi”. Xin được làm liên lạc, hàng tuần ông tình nguyện đạp xe đưa bài xuống nhà in để in báo. Duyên nghiệp khởi đi như vậy.
Về sau, Ban Tuyên truyền chuyển thành Sở thông tin Liên khu 3. Phát hiện thấy chàng trai trẻ có hoa tay, họa sĩ Mai Văn Nam đã dạy vẽ. Đây chính là người thầy đầu tiên của Phạm Thanh Tâm. Năng khiếu nẩy nở, ông được giới thiệu về dự lớp Hội họa kháng chiến, do họa sĩ Lương Xuân Nhị làm hiệu trưởng. Giáo viên gồm các họa sĩ như: Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam. Trong số hơn 20 học viên, có Phạm Thanh Tâm, Trịnh Quốc Thụ, Trịnh Thiệp, Văn Đa, Xuân Phương… Lớp học được mở ngay trong đình Phù Lưu Chanh, gần chợ Dầu. Thời gian này, các học viên được chứng kiến phong trào luyện quân lập công và hướng mạnh công việc sáng tác về đời sống bộ đội.
Đến năm 1950, Phạm Thanh Tâm xung phong vào bộ đội. Ông về Ban chính trị làm tờ báo Tất Thắng của Trung đoàn 34. Về sau, trung đoàn này trực thuộc Đại đoàn 351 công pháo, Phạm Thanh Tâm chuyển lên làm tờ báo Quyết Thắng của Đại đoàn. Cùng chung lưng, đấu cật với ông còn có Lý Thái Bảo (sau là Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam) và một số anh em khác. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tờ Quyết Thắng được in và phát hành ngay tại mặt trận. Ngoài các bài viết hấp dẫn, báo còn có tranh vui, tranh đả kích rất sinh động, kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội.
Sau hòa bình 1954, Phạm Thanh Tâm công tác tại Phòng thư ký báo Quân đội nhân dân. Sau khi được nhận giải thưởng mỹ thuật toàn quốc với bức tranh lụa “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ”, cùng nhiều tranh bột màu và ký họa khác, ông được cử đi học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trọn đời gắn bó với quân ngũ, họa sĩ đã có một khối lượng tác phẩm gồm hàng ngàn bức ký họa, hàng trăm bức tranh với nhiều chất liệu, phản ánh sinh động hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Tác phẩm của ông có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật VN và TPHCM, Bảo tàng lịch sử quân sự VN, Bảo tàng Lực lượng vũ trang (LLVT) các quân khu... Họa sĩ đã có 4 triển lãm cá nhân tại Hà Nội, 7 triển lãm tại TPHCM, có hàng trăm tranh và ký họa trong các sưu tập của nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu như: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Cảnh nhà sàn Điện Biên, Rừng trắng hoa ban, Cô gái Thái - Điện Biên, Quân đi vào, Sài Gòn ngày 30-4-1975…
Mảng ký họa của Phạm Thanh Tâm khá đặc sắc, phong phú và muôn mặt. Ông phác họa chân dung các văn nghệ sĩ như: Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Sách, Tào Mạt, Huỳnh Văn Gấm, Triệu Đại… rất sinh động. Đặc biệt, ông chứng kiến và ghi lại được khoảnh khắc nhạc sĩ Hoàng Việt ngồi trước đàn pi-a-nô sáng tác bài Tình ca bất hủ.
Thời chống Mỹ, họa sĩ vào tận Khe Sanh và được tham gia một số chiến dịch lớn đầu xuân 1975. Với bút danh Huỳnh Biếc, tranh ký họa và tranh đả kích, châm biếm của ông thường xuyên xuất hiện trên nhiều tờ báo. Họa sĩ Phạm Thanh Tâm có vinh dự hai lần được gặp và báo cáo với Bác Hồ tại các cuộc triển lãm tranh về đề tài LLVT. Những lời chỉ bảo ân cần của Bác luôn in sâu trong tâm khảm của ông. Ngay sau ngày Bác Hồ mất, họa sĩ có ngay tranh áp phích Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân…
Mười năm liền, trên cương vị Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quân đội, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy phong trào mỹ thuật toàn quân phát triển sâu rộng.
Ngoài cầm cọ, họa sĩ Phạm Thanh Tâm còn cộng tác với nhiều tờ báo. Đến nay, ông đã có 4 đầu sách được xuất bản. Đặc biệt, cuốn Nhật ký Điện Biên Phủ được dịch ra tiếng Anh với tựa Drawing under Fire (Vẽ dưới lửa đạn) và bản tiếng Pháp Cuốn sổ chiến tranh của một thanh niên Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Đầu năm 2011, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tuyển chọn và cho ra mắt bạn đọc tập Tranh ký họa kháng chiến chống thực dân Pháp khổ lớn. Nhận xét về tập sách này, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, viết: Phạm Thanh Tâm xứng đáng với danh hiệu Họa sĩ - Chiến sĩ…
NGUYỄN MINH NGỌC