Sống và làm việc ở TPHCM gần 20 năm nhưng ông Tira Vanichtheeranont không mảy may để mắt đến hội họa. Tình cờ, đầu năm 2009, ông nhập cuộc và nhanh chóng trở thành một nhà sưu tầm tên tuổi về mỹ thuật Việt Nam. Không bo bo giữ rịt, không chao chát bán buôn, ông tìm mọi cách tôn vinh tranh Việt và bắc cầu nối mỹ thuật Thái - Việt.
Từ tình cờ
Năm 1987, chàng kỹ sư viễn thông Tira Vanichtheeranont (sinh năm 1948), đến TPHCM, với nhiệm vụ cung cấp thiết bị viễn thông cho ngành bưu điện thành phố. Những tưởng lắp đặt thiết bị, chuyển giao kỹ thuật xong thì về nước, nào ngờ dự án nối tiếp dự án, rồi ông trở thành đối tác của cả ngành bưu chính viễn thông Việt Nam. Hợp người, hợp cảnh, ông ở lại Việt Nam đến lúc nghỉ hưu, năm 2006.
Nói sõi tiếng Việt, có nhiều bạn bè ở Việt Nam nhưng trong suốt gần 20 năm, ông Tira không hề có ý định nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Về hưu, ông mới nổi hứng chơi đồ cổ để vui thú tuổi già.
“Đầu năm 2009, đến chơi nhà một người bán đồ cổ ở đường Lê Công Kiều, tôi được ông này hỏi có mua tranh không. Xem xấp tranh ông đưa, tuy không biết gì về hội họa nhưng tôi thấy thích nên ngẫu hứng mua” - ông Tira nhớ lại.
Trả 40.000USD cho hơn 200 bức tranh ông Tira lang thang đến nhà sách, cứ thấy cuốn nào viết về mỹ thuật Việt Nam là mua. Ôm sách và tranh về, ông đóng cửa “tụng niệm”. Đọc lấy thông tin, xem tranh trong sách rồi đối chiếu với số tranh mua được; lấy Ipad cẩn thận chụp lại từng tấm tranh rồi mang đi hỏi các họa sĩ, các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam như Nora A. Taylor, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng... Sau cả tháng trời cặm cụi thì ông Tira mở cờ trong bụng. Bởi xấp tranh ông mua là tập hợp gần 200 ký họa của gần 40 họa sĩ Việt Nam chủ yếu được vẽ trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1970.
Theo lời nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Đây là một bộ sưu tập rất giá trị của nhiều tác giả từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sau đó”. Những bức tranh đó phản ánh rõ nét đời sống của dân tộc Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX với nhiều bút pháp khác nhau. Những họa sĩ Công Văn Trung, Bùi Xuân Phái, Trần Duy, Nguyễn Văn Bình và hai người thời đó căn bản tự học là Văn Giáo và Phạm Viết Song thuộc nền nghệ thuật tiền chiến có tính chất mở đường cho hội họa Việt Nam non trẻ. Trong các họa sĩ trên, đến nay chỉ còn Trần Duy vẫn còn sống và còn vẽ tuy rất chậm.
Cũng theo ông Thượng: “Bộ sưu tập này của ông Tira là một phần quan trọng của hội họa Việt Nam. Nó còn có giá trị ở nhiều bức họa chưa từng được biết đến. Dù thành công ở những mức độ khác nhau, nhưng có thể nói các họa sĩ lúc đó rất chân thành, muốn đem những tác phẩm của mình làm tốt đẹp hơn nền văn hóa mới, sâu sắc hơn thì âm thầm nói lên số phận con người trong chiến tranh, trong những biến động xã hội. Nó là một quá khứ rất đáng nhìn lại vì nó là bản chất con người với mọi vui buồn và bất lực của các nghệ sĩ”.
Đến say mê
Mẻ lưới đầu tiên đã đánh được đồ quý nên Tira phấn chấn lắm. Ông đi lại như con thoi giữa Bangkok - TPHCM - Hà Nội để làm quen với các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Thấy ông có lòng với tranh Việt và hào phóng chứ không cò kè hay làm đủ chiêu trò để ép giá như nhiều nhà sưu tầm khác nên người nọ mách người kia, cái tên Tira dần trở nên thân thuộc. Nhờ thế mà từ một buổi cà phê, một người bạn làm sàn đấu giá đồ cổ ở Bangkok mách cho ông Tira biết rằng ông Petro Paris, khi là tham tán thương mại của Đại sứ quán Italia tại Việt Nam đã sưu tầm được rất nhiều tranh Việt. Từ khi ông này mất, bà vợ là Nilkamhaeng Passama bắt đầu thanh lý bộ sưu tập của chồng. Nghe vậy, ông Tira lập tức tiếp cận.
Tôi may mắn có mặt cùng với ông trong sự việc này. Từ trung tâm thành phố, chúng tôi mất hơn hai giờ vừa chạy xe vừa điện thoại hỏi đường mới đến được một căn biệt thự ở ngoại ô Bangkok. Bà Nilkamhaeng Passama vừa mở cửa, chào hỏi xong, nhấp chưa xong chén trà, ông Tira đã kéo tôi đi hết mọi ngóc ngách của bốn tầng lầu để lôi từng đống tranh dưới gầm giường, gầm cầu thang, từ nhà kho ra, gỡ trên tường xuống. Bỏ bao công sức, tốn cơ man nào là tiền của, ông Petro Paris mới com cóp được 130 bức tranh của các danh họa Việt Nam. Thế mà khi ông mất, bà vợ treo Phố (Bùi Xuân Phái) ngay dưới máy điều hòa nhiệt độ, Nữ công nhân cảng Hải Phòng (Văn Đa) thì lẫn trong đống đồ đạc ở dưới gầm giường… “Không mua nhanh, bà ấy để thế này thì tranh hỏng hết”, thì thầm với tôi thế rồi khi bà Nilkamhaeng Passama đòi bao nhiêu ông Tira mua ngay không cần trả giá. Ba năm sau, ông mua hết bộ sưu tập tranh Việt của ông Petro Paris chỉ với giá 29.000 USD.
Mua được tranh, không bo bo giữ làm của riêng hay vội vã buôn bán kiếm lời, ông Tira hào hứng chia sẻ với công chúng. Năm 2010, ông bỏ tiền in cuốn sách Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại (NXB Mỹ thuật, 2010) tập hợp gần 200 ký họa của gần 40 họa sĩ Việt Nam chủ yếu được vẽ trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1970.
Tháng 10 năm 2011, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, ông tổ chức triển lãm một phần bộ sưu tập đó. Đầu năm 2012, cảm kích tấm lòng của ông Tira khi đi đi lại lại mấy chục lần suốt từ năm 2008 để trò chuyện, xem tranh, hỏi mua, họa sĩ Tôn Đức Lượng đã bán cả bộ ký họa mỏ than Cổ Kênh (tỉnh Hải Dương năm 1967), bộ ký họa thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh chống Mỹ cứu nước năm 1970 - 1971, bộ ký họa khu kinh tế thanh niên năm 1971 - 1972, bộ ký họa nông trường nuôi bò Moncada (Mộc Châu - Sơn La năm 1974). Có hơn 200 bức ký họa và bột màu được xem “là tài liệu rất quan trọng để cung cấp cái nhìn sâu sắc về những hoạt động hỗ trợ quân đội của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, hoạt động của thanh niên xung phong trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng như cái nhìn chi tiết và trực tiếp về chiến tranh qua con mắt và tâm tư của nghệ sĩ” ấy, ông Tira lập tức in cuốn sách Tôn Đức Lượng - ký họa lịch sử (NXB Mỹ thuật, 2012) và tổ chức triển lãm (tháng 1-2012) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 88 tuổi mới có được một cuốn sách in riêng, họa sĩ Tôn Đức Lượng cứ xúc động cảm ơn ông Tira mãi. Trong buổi khai mạc triển lãm năm 2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, ông Tira gặp vợ họa sĩ Lê Văn Xương rồi dẫn đến sưu tầm tranh của họa sĩ này, rồi đến họa sĩ Phan Thanh Liêm, họa sĩ Lê Lam...
Nghe ngóng, kiếm tìm, thẩm định, móc hầu bao… không mệt mỏi, đến nay, ông Tira đã có trong tay 1.000 bức tranh sơn dầu, màu nước, sơn mài, lụa và 1.000 phác thảo cùng nhiều tài liệu, bút tích của những họa sĩ Việt Nam được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ trưởng thành sau kháng chiến chống Pháp. Họ là những nhân vật quan trọng đã góp phần làm nên lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như: Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Lê Văn Xương, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Công Văn Trung, Tôn Đức Lượng v.v.. Ông Tira thích nhất những bức tranh liên quan đến lịch sử Việt Nam: cải cách ruộng đất, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước...
Tiến sĩ Nora A.Taylor, chuyên gia lịch sử mỹ thuật Đông Nam Á ở Học viện Nghệ thuật Chicago (Mỹ), trầm trồ: “Bộ sưu tập của ông Tira có sức nặng và giá trị hơn hẳn các bộ sưu tập hội họa hiện đại và đương đại khác, kể cả sưu tập của các bảo tàng nghệ thuật Đông Nam Á hiện nay. Nó thực sự vô giá đối với các sử gia cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục soi sáng và làm giàu thêm kiến thức về sưu tập và nghiên cứu trong tương lai. Và cá nhân tôi xin cảm ơn ông Tira về sự quyết đoán và lòng say mê”.
Bắc một nhịp cầu
Ngoài sáu cuộc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trưng bày các tác phẩm sưu tầm được, ông Tira còn đam mê bắc nhịp cầu mỹ thuật Thái - Việt.
Tết Tân Mão 2011, ông tổ chức cho ba họa sĩ Thái Lan sang thực địa và sáng tác tại Hà Nội, Hạ Long, Huế, TPHCM để rồi có một cuộc triển lãm xôm tụ cả ở Việt Nam (Hà Nội, TPHCM) và Thái Lan (Bangkok). Tháng 6 năm nay, ông lại tổ chức triển lãm Mưa vàng giới thiệu về tranh sơn mài của bà Panpimon Suwannapongse, Tổng lãnh sự vương quốc Thái Lan tại TPHCM và tranh sơn dầu của ông Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Từ năm 2009, tại Trung tâm thương mại K&Y sầm uất (Bangkok), ông Tira mở phòng tranh 333 Thái - Việt với tổng diện tích trưng bày khoảng 500m², phòng lưu trữ trong tầng hầm rộng 230m².
Ông tâm sự: “333 là tên của một loại bia nổi tiếng của Việt Nam mà người nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng đều yêu thích. Tôi đặt tên 333 Thái - Việt cho phòng tranh của mình để khẳng định với khách nước ngoài tới Thái Lan rằng đây là địa chỉ lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc Việt Nam. Phòng tranh này sẽ trở thành điểm giao lưu giữa các nghệ sĩ Thái Lan và Việt Nam, tạo một nhịp cầu cho mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật”. Tại đây, ông Tira đã tổ chức hơn mười cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam, của các họa sĩ Thái Lan vẽ về đất nước, con người Việt Nam. “Thật đáng tiếc nếu những tác phẩm hội họa quan trọng cứ dần biến mất mà không được giới thiệu tại quê hương”, tâm niệm như vậy nên ông Tira cũng ấp ủ sớm mở được hai phòng tranh 333 Thái - Việt nữa ở TPHCM và Hà Nội. Còn trước mắt, ông đang tất bật với kế hoạch in sách và tổ chức triển lãm tranh về cải cách ruộng đất của Tô Ngọc Vân, về chiến trường chống Mỹ của Lê Lam…
Trở thành đại gia tranh Việt trong một thời gian chóng vánh, ông Tira mừng nhưng cũng ngậm ngùi. Bởi theo ông, một trong những nguyên nhân khiến ông mua được nhiều tranh Việt là vì nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu hết giá trị của tranh Việt Nam.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG