“Khi đứng lớp với học trò là những người bằng tuổi mình, thậm chí có người bằng tuổi mẹ của mình hay có học trò làm từ sáng tới tối mới sách cặp đến lớp… thì lúc đó chúng tôi thấy sao mà họ nghị lực quá, yêu con chữ đến vậy. Và những hình ảnh học trò “cá biệt” ấy như là động lực để chúng tôi tận tâm với nghề để giúp họ trên con đường chinh phục tri thức”. Đó là những chia sẻ của giáo viên dạy ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) đoạt giải Võ Trường Toản năm 2016 tại TPHCM.
Tôi thương các em quá!
Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm giáo viên, cô Hoàng Vân (33 tuổi) chọn ngành Sư phạm Lịch sử để thực hiện ước mơ trở thành “người đưa đò”.
Ra trường, nữ tân cử nhân được nhận về dạy môn Lịch sử tại một trường THPT công lập tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Nhưng dường như cái nghề muốn thử thách nữ giáo viên này khi năm 2011 cô xin về TPHCM dạy để theo một nửa của mình đang làm việc tại đây.
Những tưởng cô sẽ được tiếp nhận vào một trường THPT công lập, nhưng khá bất ngờ khi cô được nhận vào TTGDTX quận 7.
Nhớ lại những ngày đầu về đơn vị, cô Vân chia sẻ: “Lúc đó tôi thật sự bị sốc. Vì không chỉ tôi mà bạn bè đồng nghiệp khi nghe học sinh hệ bổ túc hay TTGDTX là bị dị ứng và cứ nghĩ đó là thành phần cá biệt, học kém, quậy phá.
Nhưng thật lạ, lần đầu tiên đứng lớp tôi thấy học trò nhiều người già, có người bằng cả tuổi mẹ em và có con có cháu nhưng tối vẫn cắp sách đến trường, có học sinh ngày đi làm công nhân từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối nhưng 7 giờ lại đến lớp để học…
Và từ đó tôi quyết không bỏ học trò”. Những hình ảnh học trò thèm kiến thức ấy đã chinh phục cô giáo trẻ vừa chân ướt chân ráo về trường quyết bám trụ để truyền đạt kiến thức cho các học trò.
Cô Hoàng Vân (ngồi) cùng học trò thăm và tìm hiểu di tích lịch sử tại quận 7, TPHCM
Thực tế cho thấy, môn Lịch sử không dễ tạo hứng khởi cho các học sinh. Nhưng bằng chính đam mê môn Lịch sử, cô Vân luôn sáng tạo, vận dụng mọi kiến thức, sự kiện thực tế để lồng ghép vào các bài giảng để học trò tiếp thu.
Ngoài công tác chuyên môn, cô Vân còn làm Trợ lý công tác Thanh niên của trung tâm và cô đã hút học trò toàn trung tâm vào các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử.
Cũng vì khơi dậy được niềm đam mê, yêu thích môn Lịch sử mà học trò của TTGDTX quận 7 đã xuất sắc vượt qua cả học sinh của những trường chuyên tại TPHCM trong cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” năm 2016 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, ông Phú Ngọc Hùng, Giám đốc TTGDTX quận 7, nhấn mạnh: “Tôi xin không nói đến thành tích của cô ấy vì ai cũng biết rồi. Tôi chỉ thấy rằng cô ấy là một giáo viên trẻ nhưng lửa nghề bùng cháy mãnh liệt. Cô ấy đã làm cho học sinh đam mê học tập hơn, xa lánh các tệ nạn ngoài xã hội”.
Học trò cũng đã cho tôi nhiều bài học
Bỏ nghề hết 7 năm khi vào TPHCM, nhưng nỗi nhớ nghề quay quắt khi đi ngang một lớp học tiếng Anh vào buổi tối đã thôi thúc thầy giáo dạy môn Văn Võ Văn Sanh (51 tuổi) quay lại với nghề mà thầy đã chọn.
Suốt buổi trò chuyện, thầy giáo dạy Văn ở GDTX quận 11 luôn khiến tôi phải khâm phục khi ông luôn bảo vệ học trò, không có bất cứ sự ngỡ ngàng nào khi dạy những học trò cá biệt.
Nói về cái nghiệp của mình, thầy Sanh vui vẻ tâm sự: “Ra trường tôi được dạy ở một trường THPT ở Phú Yên. Nhưng năm 1991 tôi chuyển vào TPHCM nhưng không xin được chỗ dạy. 7 năm trời tôi phải làm nghề đan lồng chim, đan lồng thú. Nhưng rồi nỗi nhớ nghề đã khiến tôi quyết tâm đi dạy và may mắn thay tôi được về trung tâm này”.
Có lẽ chính cái sự học gian khổ, cái nghiệp cũng trắc trở nên khi được quay lại với nghề, thầy Sanh đã dốc toàn tâm, toàn lực để truyền đạt kiến thức cho những học trò già có, bằng tuổi có, quậy phá có.
Chia sẻ về kinh nghiệm, thầy Sanh thổ lộ: “Chính trải nghiệm của cuộc đời đã giúp tôi dễ đồng cảm, dễ chia sẻ và cảm hóa được học trò của mình. Và rất lạ là nhiều học trò đặc biệt ở trung tâm này đã cho tôi rút ra được nhiều bài trong cuộc sống cũng như trong nghiệp vụ”…
Chính sự đam mê với nghề nghiệp của mình mà thầy Sanh, cô Vân đã thật sự hạnh phúc khi thấy những học trò đặc biệt của mình hoàn thành con đường chinh phục tri thức, thành nhân, thành tài.
Và sự đóng góp không biết mệt mỏi ấy luôn được đồng nghiệp trân quý và thật ý nghĩa hơn khi được vinh danh trong giải thưởng Võ Trường Toản của TPHCM năm 2016.
Thanh Hùng