Con số mới nhất cho thấy các doanh nghiệp Groupon Việt Nam đạt giao dịch với trên 6.700 deal, 4,2 triệu voucher được bán ra, số tiền tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, xét về doanh số, trang nhommua.com đang chiếm 35,89% thị phần với 225,586 tỷ đồng. Đứng thứ hai là hotdeal.vn với 167,068 tỷ đồng, chiếm 26,58% thị phần. Riêng về khoản tiết kiệm, nhommua.com dẫn đầu với 475,035 tỷ đồng, chiếm 37,26%. Tiếp theo là trang hotdeal.vn với 33,24%, cungmua.com với 12,43% và muachung.vn với 8,71%. Điều này cho thấy, mua bán qua mạng đang ăn nên làm ra dù vẫn còn đầy rẫy chuyện lừa đảo, bỏ mặc khách hàng…
Groupon mang lại hiệu quả
Ghi nhận thực tế thấy rõ, nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng kênh bán hàng qua mạng như một cách marketing tiết kiệm. Mô hình nhiều người tiêu dùng cùng mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến tại cùng một thời điểm để hưởng ưu đãi đã trở thành một trào lưu trong thời gian gần đây ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp.
Nói nôm na, đó là phương thức mua sắm cộng đồng hay mô hình groupon (groupon = group + coupon). Mô hình có nguồn gốc từ Mỹ và công ty đầu tiên phát triển loại hình kinh doanh này là Groupon (năm 2008). Thành công đến với Groupon khá nhanh, chỉ sau 7 tháng thành lập đã có lãi. Thu nhập năm 2009 là 100 triệu USD, thu nhập tiêu thụ năm 2010 là 760 triệu USD.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển, Groupon đã trở thành hình thức mua sắm phổ biến tại Việt Nam trong năm 2011 đến đầu năm 2012, với việc ra đời hàng loạt website như nhommua, cungmua, 123mua, hotdeal… Tính đến nay đã có hơn 100 công ty đang hoạt động thu lãi. Dù nhommua đang trong lúc “phân tranh” nhưng đã được xem là công ty lớn nhất, chiếm 60% thị phần, đạt doanh thu khoảng 6 triệu USD và gần 4 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hotdeal của công ty Mekong.com với 5.000 giao dịch/ngày. Muachung của VC Corp có khoảng 2000 giao dịch/ngày… Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cũng áp dụng thêm phương thức mới này vào kinh doanh song song với kinh doanh bán lẻ truyền thống như Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam PNC, Thế giới di động…
Theo thống kê mới đây của trang dealcuatui.com với 15 web bán hàng trên mạng phổ biến nhất ở Việt Nam, Nhommua.com, Hotdeal.vn, Muachung.vn và Cungmua.com đang dẫn đầu thị trường với tổng thị phần nắm giữ đến 90%. Về khối lượng giao dịch, 4 website này cũng chiếm gần 70% số giao dịch được tiến hành và hơn 80% số voucher bán ra của toàn thị trường. Tổng doanh thu của nhóm “đại gia” này trong năm ngoái đạt hơn 673 tỷ đồng.
Theo Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, điểm cốt lõi mang đến sự mới lạ trong phong cách mua sắm hiện đại là khả năng tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cho bất kỳ đối tượng nào tham gia vào. Nghĩa là người mua được giá rẻ (được giảm giá 30% - 90% so với bình thường), người bán đạt được mục tiêu quảng cáo trực tuyến hoặc giải phóng nhanh lượng hàng tồn kho trước khi tung ra một đợt hàng mới, còn nhà cung cấp dịch vụ thì hưởng chiết khấu từ lượng khách hàng lớn.
Bản copy nào hoàn hảo?
Hầu như các mô hình trực tuyến thành công trên thế giới đều đã được đưa vào Việt Nam nhưng thành công ghi nhận sau hơn 10 năm phát triển TMĐT vẫn ở mức tương đối. Nếu như B2T (mua theo nhóm) phát triển ồ ạt trong nửa cuối năm 2011 - đến đầu năm 2012, thì các hình thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (Doanh nghiệp với người tiêu dùng cá nhân), C2C (giữa người tiêu dùng cá nhân) hay B2G (doanh nghiệp với Chính phủ) đến B2T (mua theo nhóm) chỉ nổi lên một vài tên tuổi đại diện như Chodientu.vn, M-Commerece, Megabuy, Vnemart, ThuonghieuViet…
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2012, mô hình mua theo nhóm đang có xu hướng chững lại và thoái trào. Hàng loạt các website phải đóng cửa hoặc cắt giảm hợp đồng kinh doanh. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, sự thoái trào của phương thức mua theo nhóm tại Việt Nam như một lẽ tất yếu. Các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn đang hoạt động trong tình trạng đi ngược quy trình. Nghĩa là họ phải xuất phát từ thông tin đến việc xây dựng phương thức thanh toán trực tuyến và sau cùng là đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này dẫn đến tiêu hao nhiều nguồn kinh phí nhưng tác động đến người tiêu dùng không cao.
Thời gian gần đây, trào lưu mua lại các website bán lẻ lại đang là xu hướng chủ yếu của các tập đoàn TMĐT lớn. VCCorp mua lại Eat.vn và MJ mua lại hệ thống đặt mua món ăn trực tuyến... Đi cùng với đó bước đột phá mạnh mẽ của trào lưu quảng cáo trực tuyến. Theo đánh giá của một quỹ đầu tư Nga thì thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam đăng tăng trưởng 25% mỗi năm và đạt khoảng 30 triệu USD trong năm nay. Trong đó, VnExpress là 7,5 triệu USD, 24h là 6 triệu USD và của Zing là 5 triệu USD…
“Tuy nhiên, TMĐT Việt Nam hiện còn khá nhiều rào cản, từ thói quen người tiêu dùng đến cơ sở hạ tầng, cơ chế pháp lý đi kèm. Vì thế, trong chừng mực nào đó, một mô hình TMĐT hay mua bán qua mạng muốn phát triển bền vững tại Việt Nam phải đi theo quy trình thuận mà các nước như Mỹ, Nhật đang làm. Đó là quy trình phát triển theo các bước từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến thanh toán và sau cùng là quảng bá thông tin. Cũng cần nói thêm, rất cần các quy định pháp luật cụ thể hơn trong lĩnh vực này để bảo vệ khách hàng cũng như người làm ăn chân chính”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp điện tử - eSolutions cho biết như vậy.
Bá Tân - Tường Hân
| |
| |