Mùa di sản kết hoa

Mùa di sản kết hoa

Đờn ca tài tử Nam bộ

Đờn ca tài tử Nam bộ - một loại hình nghệ thuật hàng trăm năm tuổi đã trở thành tài sản tinh thần, di sản văn hóa của Việt Nam và của cả nhân loại. Với hàng triệu người mộ điệu, ngày 5-12-2013 đã trở thành ngày đáng nhớ khi Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam chính thức được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ sự kiện trọng đại này, đờn ca tài tử đã không ngừng lan tỏa, phát triển về cả lượng và chất.

“Miền Nam giải phóng rồi sao không thấy Bác Hồ vào đây để thăm các cháu, cháu nhớ Bác ngày đêm tháng đợi năm… chờ. Cháu thương Bác từ khi mới học được hai chữ i tờ. Vì Bác là người lãnh tụ suốt đời vì dân tộc đấu tranh. Khi vào trường cháu học năm điều Bác dạy, yêu đồng bào yêu Tổ quốc Việt Nam...”. Cả hội trường xôn xao, tiếng vỗ tay giòn giã lẫn những ánh mắt đổ dồn khi bé Trần Thị Yến Nhi, 7 tuổi, ở quận 12 vô vọng cổ bài Cháu nhớ Bác Hồ. Tròn vành rõ nhịp nhưng giọng cô bé vẫn còn non. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến người nghe mát lòng… Dẫu không phải là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, nhưng phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) tại TPHCM đến nay không ngừng phát triển sâu rộng. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM Lê Văn Lộc hồ hởi cho hay: “Nếu như năm 2011, năm Việt Nam lập Hồ sơ quốc gia nghệ thuật ĐCTT trình tổ chức UNESCO, toàn TP có khoảng 100 câu lạc bộ với hơn 1.000 tài tử đờn, tài tử ca sinh hoạt thì đến nay, con số này đã là 200 câu lạc bộ thu hút khoảng 3.000 người tham gia”. Đáng mừng hơn là trước đây, người trẻ nhất tham gia tài tử độ 9 - 10 tuổi, thì nay đã có những em mới 6 - 7 tuổi đã làm quen, yêu mến và tham gia sinh hoạt ở môn này.

Một buổi sinh hoạt âm nhạc truyền thống do GS-TS Trần Văn Khê tổ chức tại nhà riêng. Ảnh: LÊ MINH

Không ít người ví von TPHCM là chốn đất lành, bởi ở nơi đô thị phồn hoa tất bật như TPHCM, ĐCTT không chỉ sống được mà còn sống khỏe và vươn lên. Có dịp về các xã nông thôn mới ở Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, mà nhất là Hóc Môn và Củ Chi, sẽ thấy được rõ nét nhất sức lan tỏa sâu rộng của nghệ thuật tài tử. Mặt khác, cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ ĐCTT và vọng cổ do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức đã bổ sung cho kho tàng tài tử thêm hơn 300 tác phẩm, mang làn gió mới đầy hơi thở cuộc sống đương đại.

“Năm 2015, TPHCM sẽ triển khai cuộc vận động sáng tác, viết lời mới cho 20 bài bản tổ ĐCTT và vọng cổ dành cho thiếu nhi. Không thể để các em toàn ca bài của người lớn thế này”, đại diện Sở VH-TT TPHCM khẳng định. Có thể nói, đây là tin vui đầu năm với tài tử. Tin kế tiếp cũng vui không kém là TPHCM sẽ hoàn thiện đề án đưa ĐCTT vào học đường, do Trung tâm Văn hóa TPHCM, Nhạc viện TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM cùng phối hợp thực hiện. Từ nhiều năm trước, GS-TS Trần Văn Khê từng tâm tư về vấn đề này, ông cho rằng: “Ở các nước phát triển, việc giáo dục âm nhạc truyền thống được quan tâm và tổ chức rất quy củ. Cần thiết phải giáo dục kiến thức về âm nhạc truyền thống cho các em từ bậc tiểu học, có hiểu biết thì các em mới yêu thích âm nhạc truyền thống, mới ý thức trân trọng di sản của dân tộc”.

Cũng trong năm 2015, ngành du lịch TPHCM và các sở ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện kế hoạch nhằm khai thác tuyến du lịch đường sông trên địa bàn TPHCM. Trong đó, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được chọn đưa vào biểu diễn phục vụ du khách quốc tế...

MINH AN

Tin cùng chuyên mục