Muốn con thành tài hay thành nhân?

Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy

Sinh con ra, bậc cha mẹ nào cũng khát khao, mơ ước con mình ngoan hiền, học giỏi, rồi lớn lên thành đạt, trở thành kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân giỏi… Và mỗi khi con cái mang về điểm 10, danh hiệu học sinh giỏi cuối năm học, cha mẹ nào cũng vui, hãnh diện về cục cưng của mình. Cứ thế, các bậc cha mẹ thời @ sẵn sàng làm mọi việc, đánh đổi tất cả để con mình học giỏi, tỏa sáng ở trường học, mang về nhiều thành tích học tập. Và để con cái chỉ tập trung vào việc học, nhiều gia đình chủ trương không bắt con làm việc nhà. Hệ quả là khi ra đời, các em không thể sống tự lập, không thể tự lo cho bản thân vì quen sống phụ thuộc, được chăm bẵm quá nhiều. Sống với ánh hào quang và tự sướng là con cái chúng ta giỏi thật, học toàn điểm 9, điểm 10, nhiều phụ huynh tin rằng mình đã nuôi dạy con đúng hướng. Và để gồng gánh ước mơ thành tài của cha mẹ, nhiều học sinh chạy theo cái guồng quay phải học thêm đủ môn, phải tham gia tranh tài, ứng thí ở những cuộc thi học sinh giỏi, lấy chứng chỉ ngoại ngữ trình độ quốc tế… Việc học quá nhiều, nhồi nhét kiến thức quá dư thừa đã khiến học sinh bị bội thực, sợ học hành. Và càng học lên các lớp trên, tinh thần các em càng căng như dây đàn. Đến trường thì bị thầy cô răn đe phải học, học, học để giữ thành tích cho lớp, cho trường, về nhà lại bị cha mẹ khuyến khích học thêm để thi đậu vào lớp chọn, trường điểm khiến nhiều học sinh bị stress, áp lực bủa vây. Chẳng có ai thấu hiểu, cảm thông với các em và cũng chẳng có chỗ nào đáng tin cậy để xả stress, nỗi buồn. Thế là, gặp chuyện bất bình, gặp điều không hài lòng, nhiều em đã nổi loạn, bộc lộ tính hung hãn, côn đồ khiến bạo lực học đường phát sinh. Lỗi tại ai? Chỉ đến lúc thấy học trò ngoan học khá, giỏi, ngoan hiền cũng có thể biến thành hung thần áo trắng, cả thầy cô lẫn cha mẹ mới giật mình, rơi nước mắt! Rồi chứng kiến con mình bị trầm cảm, bị rối nhiễu tâm trí, phải bỏ học để trị bệnh… nhiều bậc cha mẹ mới hiểu ra sự thật, chỉ cần con mình học hành bình thường nhưng lành lặn về tâm hồn, giàu cảm xúc. Rồi cũng có không ít bậc cha mẹ thấy con mình đi lạc hướng, học hoài cũng không thành ông này bà nọ, rồi cũng chẳng biết ứng xử, sống nhân văn mới thấm thía nỗi buồn, nỗi thất vọng. Vâng giá như họ không đặt ước mơ quá cao xa con mình phải học giỏi bằng mọi giá và dành thời gian để con cân bằng giữa học và chơi, đặc biệt là học cách làm người, cảm nhận cuộc sống xung quanh giàu ý nghĩa thì bây giờ con đã phát triển bình thường, có thể làm công việc vừa sức, có ích. Như thế hiểu rõ và biết năng lực của con mình đến đâu, có đam mê sở trường như thế nào thì hãy hướng con dấn thân, thử sức. Ngược lại, nếu con cái không tỏ rõ năng lực, sở trường nổi bật nào thì đừng bắt các em phải gồng gánh giấc mơ của người lớn. Câu hỏi dành cho các bậc cha mẹ là muốn con mình thành tài hay thành nhân? Mọi sự áp đặt, ép buộc con cái đi theo sở thích, ước muốn của cha mẹ sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp và cái giá phải trả không nhỏ.

Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy   

Tin cùng chuyên mục