(SGGP).- Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Hội Mỹ thuật TPHCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt”.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ VH-TT-DL, Hội Mỹ thuật TPHCM, Sở VH-TT-DL, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cùng hơn 100 nhà khoa học, nhà phê bình nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa; họa sĩ, nhà sưu tầm, nghệ nhân, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo mỹ thuật. Có 39 tham luận cùng hàng trăm ý kiến bàn về vấn đề bản sắc Việt trong mỹ thuật ứng dụng đương đại cùng những định hướng, giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới thực hiện tốt các sản phẩm thiết kế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của khá nhiều đại biểu là mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam còn lúng túng về đề tài và cách thể hiện, chưa thoát khỏi ảnh hưởng ngoại lai. Các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hiện nay đang sử dụng hình ảnh từ các điển tích Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; các đồ thờ truyền thống đã bị thay thế bởi đồ mỹ nghệ ngoại nhập; các sản phẩm phục vụ du lịch chưa thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc… trong khi lịch sử và văn hóa Việt Nam không thiếu những truyền thuyết, điển tích hào hùng.
Cùng với hội thảo, triển lãm mang tên “Bản sắc Việt” cũng được tổ chức Cơ sở 2 Trường ĐH Văn Lang. Những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mang hồn Việt được nhiều doanh nghiệp trưng bày tại triển lãm gồm: các mẫu lịch thuần Việt, gốm Bát Tràng, tượng danh nhân lịch sử…
MAI NGUYỄN