Mỹ thuật Việt Nam và cuộc hội ngộ 30 năm

Mỹ thuật Việt Nam và cuộc hội ngộ 30 năm

Mở cửa - triển lãm 30 năm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986-2016) vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (38 Cao Bá Quát, Hà Nội). Đây được coi là cuộc chơi mà các nghệ sĩ đem tới những tác phẩm tâm huyết để người xem có thể thỏa thích chiêm ngưỡng “dung nhan” mỹ thuật Việt được khắc họa một cách sinh động và xuân sắc nhất của thời mở cửa. Đã lâu lắm rồi giới nghề mới hào hứng và đón chờ nhiều như thế  với một cuộc hội tụ những cái tên đình đám trong giới mỹ thuật.

Giai đoạn mang dấu ấn của sự chuyển mình

Giai đoạn đổi mới (1986-2016) đã đánh dấu sự thay đổi đột phá của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là những tác động rất lớn với nhiều thế hệ họa sĩ. Có thể nói trong giai đoạn này, mỹ thuật đương đại Việt Nam đã có nhiều biến đổi, phát triển, hòa nhập với quốc tế và các nước trong khu vực. Một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam đa dạng về xu hướng và phong cách sáng tác. Tuy trong thời điểm này, hội họa trong nước không xuất hiện những tên tuổi lớn, những tác phẩm lớn mang tính đột phá nhưng đây được xem là sự chuyển mình rất lớn trong tư tưởng, phong cách sáng tác.

Du khách quốc tế thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Ảnh Minh An

Theo họa sĩ Thành Chương, trước đổi mới, nghệ thuật chủ yếu vẽ theo các đề tài và đề cao tập thể. Trong giai đoạn này, hầu hết các họa sĩ phải vẽ theo đề tài, ít được tìm tòi phong cách mới, phải minh họa cho các mục đích tuyên truyền, ngay ngắn nghiêm chỉnh về bố cục, màu sắc. Rất dễ lẫn lộn các tác phẩm của giai đoạn này với nhau. Lúc này, tuy đã có nhiều họa sĩ manh nha đổi mới, nhất là các họa sĩ lớn của thời điểm đó như bộ tứ “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”. Tuy nhiên, ở thời kỳ đổi mới đã khuấy động lên sự sáng tác mạnh mẽ và khi thời gian gột rửa đi những rác rưởi thì vàng thau trở nên rõ ràng.  

Tuy nhiên, với điêu khắc thì thời điểm này cũng chưa tạo được những điểm nhấn có thể tạo nên sự chuyển mình. Nhà điêu khắc Phan Phương Đông nhận xét: “Thời điểm đó điêu khắc gần như bị lãng quên. Do đặc thù của điêu khắc, muốn phát triển được cần có một cơ sở hạ tầng tương đối vì thế không chỉ hạn chế trong điều kiện sáng tác mà bản thân sự tự do sáng tạo trong điêu khắc cũng hạn chế. Sau này khi có điều kiện hơn, nhiều họa sĩ mới chuyển dần sang điêu khắc.

Nhiều tác phẩm mỹ thuật hội tụ trong triển lãm Mở cửa. Ảnh Vĩnh Xuân

Chia sẻ nhận định này, họa sĩ Hà Trí Hiếu cũng cho rằng, mỹ thuật thời kỳ đổi mới có thể coi là được mùa của mỹ thuật. Những người như Nguyễn Bảo Toàn có thể được coi là tiên phong trong lĩnh vực sắp đặt, tiếp nối là Trần Lương, Trương Tân… và tiếp nối đến tận bây giờ, chúng ta đã có rất nhiều các tác phẩm hay. Từ năm 2000 trở lại đây, xuất hiện một thế hệ họa sĩ mới về các loại hình đương đại…

Với những người hoạt động mỹ thuật phía Bắc thì dấu mốc tạo nên sự chuyển mình lớn nhất trong thời điểm này là sự bùng nổ của hàng loạt các triển lãm trong nước và quốc tế. Rất nhiều người nước ngoài sang Việt Nam đã tìm đến các họa sĩ trẻ hoặc chưa có tiếng tăm và khuyến khích sự sáng tác tự do ở họ. Đó chính là cái hay của thời kỳ mở cửa, tức là những dồn nén của nghệ sĩ được bung ra và có người sẵn sàng tiếp nhận, chào đón họ. Không chỉ xuất hiện nhiều khuynh hướng sáng tác mới mà nhiều loại hình nghệ thuật đương đại cũng xuất hiện ồ ạt và có dạo dậy sóng với sắp đặt (installation), trình diễn (performance), video art… Có những thể loại mới chưa nhận được nhiều sự đón đợi của công chúng yêu nghệ thuật nhưng vườn hoa đa sắc ấy cũng đã phản ánh phần nào diện mạo của mỹ thuật trong giai đoạn này.

Vẫn cần những cú huých

Với tham vọng cùng nhìn lại một giai đoạn phát triển đặc biệt này, triển lãm Mở cửa do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đứng ra tổ chức đã thu hút sự tham dự đông đảo nghệ sĩ.

Chia sẻ về triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Quân cho rằng: “Mở cửa là một triển lãm có tính chất đột phá, phản ánh hiện thực, đời sống và thành tựu của mỹ thuật Việt Nam. Đó là một cái nhìn toàn cảnh mà có lẽ không  một triển lãm nào, một công trình nghiên cứu hay cuốn sách nào có thể đủ sức tải được đầy đủ và sâu sắc”. Họa sĩ Nguyễn Quân bộc bạch, ông xúc động khi được gặp ở đây những đại diện của nền mỹ thuật ở các thế hệ. Từ họa sĩ cao tuổi nhất đến ít tuổi nhất cách nhau 60 năm, nhưng trên tất cả, nghệ thuật hội họa luôn tạo nên một dòng chảy xuyên suốt, với tình yêu và tinh thần thượng tôn nghệ thuật. Họa sĩ Thành Chương cũng cho rằng đây là thời điểm chín muồi để nhìn lại một cách nghiêm túc và đúng đắn về thành tựu của đổi mới.

Cùng quan điểm này, họa sĩ Hồ Hữu Thủ cũng cho rằng đây cũng là thời điểm giới trẻ cần tự bồi dưỡng nội lực để tạo ra sự đột phá. Ông chia sẻ: “Tôi có cảm giác họ đang bị lung lay nền tảng vì những xu hướng của nghệ thuật thế giới. Với tôi, nghệ thuật thế giới hiện nay đã mất đi nhân sinh quan. Ở thời điểm tôi còn trẻ, các nghệ sĩ có rất ít điều kiện giao lưu với thế giới. Sau này, tôi thấy rằng tuy nhiều nước có nền công nghiệp phát triển hơn ta, nhưng về tư duy nghệ thuật thì chúng ta đều bình đẳng và nghệ sĩ nào có được nhân sinh quan đúng đắn thì sẽ có những tác phẩm có giá trị. Đó là cái giới trẻ hiện nay đang thiếu”.   

Khách tham quan triển lãm Mở cửa. Ảnh: VĨNH XUÂN

Không chỉ các nghệ sĩ già mà giới trẻ cũng rất háo hức khi tham dự triển lãm này bởi đây là dịp để nhìn lại để vững vàng bước tiếp trên con đường nghệ thuật. Họa sĩ Phạm Bình Chương, người từng làm các mạng xã hội chao đảo vì những tác phẩm siêu thực về phố Hà Nội, người đại diện cho thế kệ nối tiếp sau đổi mới bộc bạch: Giai đoạn đổi mới, tất cả mọi thứ đều vận động và các tác phẩm, tác giả của giai đoạn này ảnh hưởng lớn tới thế hệ kế tiếp. Vì thế, sự hội ngộ, chia sẻ về quan điểm sáng tác, về quan điểm của người làm nghề giữa các thế hệ cũng giúp thế hệ trẻ có nhiều cách tiếp cận mới hơn với hơi thở đương đại.

Tiếc thay, triển lãm được mọi người kỳ vọng là hội tụ và phản ánh diện mạo của mỹ thuật Việt Nam trong suốt 30 năm lại chỉ có quy mô hơi nhỏ (trưng bày 50 tác phẩm của 50 tác giả trong thời kỳ mỹ thuật bùng nổ với nhiều loại hình như thời điểm này). Bên cạnh những cái tên đình đám như Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương… người xem vẫn cảm thấy thiêu thiếu khi không có sự xuất hiện của những tác giả từng gây ra cú sốc trên thị trường tranh thời gian này  như Lê Quảng Hà, Đào Hải Phong… Không chỉ thế, nhiều người yêu mỹ thuật cũng cảm thấy hụt hẫng khi xuất hiện trong triển lãm là những tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây, chưa phải là tác phẩm tiêu biểu, mang dấu ấn rõ rệt của sự chuyển hướng.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục