Mỹ thuật Việt Nam vẫn “tắc” đường

Được tổ chức 5 năm một lần, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 thu hút sự tham dự của 4.076 tác phẩm thuộc 2.002 tác giả ở 63 tỉnh, thành phố gửi tham dự. Với những mảng sáng - tối, triển lãm là tấm gương phản chiếu khá trung thực đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Mỹ thuật Việt Nam vẫn “tắc” đường

Được tổ chức 5 năm một lần, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 thu hút sự tham dự của 4.076 tác phẩm thuộc 2.002 tác giả ở 63 tỉnh, thành phố gửi tham dự. Với những mảng sáng - tối, triển lãm là tấm gương phản chiếu khá trung thực đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Những chuyển biến của nghệ thuật tạo hình

Theo đánh giá từ Hội đồng nghệ thuật, triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 đã phản ánh trung thực diện mạo, các vấn đề trong hoạt động sáng tác và sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Những tác phẩm tại triển lãm cũng cho thấy những chuyển biến của nghệ thuật tạo hình Việt Nam 5 năm qua, với những tác động từ bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và thế giới. Sự hồ hởi, háo hức thể nghiệm mang nhiều tính hình thức đã qua đi, sự tĩnh tâm với độ lùi của thời gian để nhìn lại những gì đã làm trong gần 30 năm đổi mới đã giúp các nghệ sĩ có cái nhìn thực tế hơn, sâu sắc hơn về sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật tranh đồ họa đã bứt phá trong ngôn ngữ sáng tạo và kỹ thuật in ấn, trong khi hội họa tiếp tục lúng túng để tìm ra cái mới. Điêu khắc hướng đến nhiều hơn những giá trị thẩm mỹ phục vụ đời sống xã hội, nghệ thuật đương đại có dấu hiệu chững lại và dường như đang tìm hướng khai mở sáng tạo mới.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 là sân chơi quy mô lớn của giới nghệ thuật tạo hình cả nước

Mặc dù “mở cửa” cho mọi loại hình nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật đương đại từ video art, trình diễn, sắp đặt, body art, body painting... - một điểm mới đối của sân chơi nghệ thuật lần này - nhưng nghệ thuật đương đại vẫn tỏ ra khá lép vế cả về lượng lẫn chất. Lý giải về hiện tượng này, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phân tích: Mọi loại hình đều được mời tham gia và bình đẳng trong chấm chọn, tuy nhiên số tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật đương đại ở triển lãm này còn khiêm tốn, chưa thực sự có tiếng nói riêng. Bản thân các nghệ sĩ cũng còn sự e dè, dường như vì quan niệm rằng triển lãm vẫn là một sân chơi truyền thống... Thêm nữa, nghệ thuật đương đại phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn bởi một mặt xã hội chưa dễ dàng tiếp nhận loại hình mới; mặt khác, các tác phẩm họ làm ra lại không tìm được người mua. Vì thế, các loại hình mỹ thuật mới như video art, sắp đặt... dù được mở rộng cửa nhưng số tác phẩm tham gia còn hạn chế. Song, sự hiện diện của các loại hình nghệ thuật đương đại tại triển lãm cũng đáp ứng được sự trông đợi, tò mò của công chúng.

Bước ngoặt của giới trẻ

Qua con số thống kê, tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, các tác giả dưới 45 tuổi chiếm hơn 1/2 số lượng tác giả tham gia triển lãm. Điều này cho thấy lực lượng sáng tác trẻ đang chiếm ưu thế. Sự phát triển về số lượng họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc thế hệ 8x phản ánh rõ thực tế sự phát triển ở đầu ra của các cơ sở đào tạo mỹ thuật trong cả nước.

Tác phẩm Lời ru, tượng tròn-tổng hợp của Nguyễn Văn Chước


Họa sĩ Đào Quốc Huy, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Có tác phẩm của các tác giả trẻ khá thú vị”. Thú vị ở chỗ, các ý tưởng khá thông minh, nhiều tác giả trẻ bắt nhịp được thẩm mỹ của thời đại. PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, thành viên Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, sắp đặt cũng tỏ ra khá lạc quan với hậu bối. Ông nói: Nhìn chung lớp tác giả trẻ hiện nay có điều kiện học tập tốt, đa dạng hơn trong trường lớp cũng như ngoài xã hội; được học đầy đủ các kỹ năng thực hiện mọi chất liệu; được tiếp cận và học hỏi nhiều ngôn ngữ của nhiều trường phái, trào lưu nghệ thuật… nên họ có bản lĩnh hơn khi tham gia các triển lãm, trại sáng tác trong nước, quốc tế. Về ngôn ngữ, tư duy nghệ thuật của lớp tác giả trẻ nói chung và của các nhà điêu khắc trẻ nói riêng rất phong phú, đa chiều. Đó là sự phong phú về phong cách sáng tác với các ngôn ngữ điêu khắc như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện, tối giản, sắp đặt...; sự đa dạng về chất liệu như đồng, đá, kim loại, tổng hợp, gốm… với tư duy tạo hình phong phú, đột phá...

Đồng tình quan điểm này, họa sĩ Lê Anh Vân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành hội họa, đồ họa, video art cũng cho rằng, sức trẻ là yếu tố nổi bật tại kỳ triển lãm này. Tuy nhiên, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng cảm thấy chút tiếc nuối khi cho rằng số lượng tác giả trẻ trong triển lãm lần này khá đông, nhưng lại vắng mặt nhiều những người đang nổi đình đám ngoài xã hội. Ông cho rằng cần “lôi kéo” họ đến triển lãm tại quê hương, chứ không chỉ chạy theo các dự án bên ngoài dần trở thành một thứ Embassy Art (nghệ thuật đại sứ quán, như chính người nước ngoài gọi). “Ta cần chấp nhận họ, thay vì chỉ muốn họ vừa phải, hay sáng tác theo ý của ta”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

Vẫn lúng túng với “đầu ra”

Bên lề triển lãm, nhiều người tâm huyết với mỹ thuật Việt Nam bày tỏ những nỗi lo bên cạnh những khởi sắc đáng ghi nhận. Nhà điêu khắc Vương Học Báo thẳng thắn khi cho rằng, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một thị trường mỹ thuật lớn mạnh, bởi vậy cả điêu khắc và hội họa đều không tìm được đầu ra cho tác phẩm. Đa số anh em nghệ sĩ đều không thể sống bằng tiền bán tác phẩm, anh em phải làm thêm nhiều công việc khác để có tiền lo cho cuộc sống và cho chính niềm đam mê của mình. Song điều này không dễ dàng, bởi lẽ trong bối cảnh thị trường mỹ thuật thế giới phát triển sôi động, nhiều nước châu Á trở thành điểm đến yêu thích của các nhà sưu tập và giới đầu tư mỹ thuật thì hội họa Việt Nam vẫn lặng lẽ đến đóng băng. Việc mua bán các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao hầu hết là khách nước ngoài. Tranh Việt chưa được chấp nhận là một tài sản có thể được thế chấp tại ngân hàng, được định giá như một tài sản vật chất có giá trị.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhìn lại thời hoàng kim của mỹ thuật Việt, khi tranh của các danh họa Bùi Xuân Phái, Trần Trọng Vũ, Bửu Chỉ… được bán với giá 3.000 - 4.000 USD. Thị trường và người yêu nghệ thuật, giới sưu tầm nước ngoài bất ngờ phát hiện ra hội họa Việt Nam. Khách nước ngoài đổ xô mua tranh và trong một thời gian ngắn, nhiều họa sĩ có thể sống tốt bằng bán tranh. Tuy nhiên, không lâu sau, nhiều nhân vật “uy quyền” trong thị trường nghệ thuật thế giới than phiền khi họ bị “lừa” mua tranh giả Bùi Xuân Phái, cùng nhiều tên tuổi bậc thầy khác của mỹ thuật Việt. Các họa sĩ trẻ hễ có tranh bán chạy cũng lập tức có hàng nhái, hàng giả. Thậm chí, nhiều tác giả còn tự chép lại tranh của mình. Tình trạng thương mại hóa kéo giá tranh tụt lùi, làm nản lòng giới sưu tập. Thị trường mỹ thuật chưa kịp manh nha đã đầy tàn lụi.Với cương vị của nhà quản lý, ông Vi Kiến Thành cũng cho rằng đây là một trong hai khó khăn lớn nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện nay, mà để giải quyết thì không đơn giản mà phải gỡ từng bước.

 Những người làm mỹ thuật kỳ vọng rằng, sự hội tụ của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tại triển lãm lần này sẽ góp phần gỡ dần những nút thắt, mở ra nhiều cơ hội cho chặng đường sắp tới.

 Một thế hệ trẻ đang tràn đầy hứa hẹn với những sáng tạo mới, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc với thế giới bên ngoài đã đem đến những tác phẩm điêu khắc giàu tính nghệ thuật và nhân văn, thổi thêm luồng sinh khí mới cho điêu khắc hiện đại Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM

MAI AN

Tin cùng chuyên mục