Nắm kẻ trọc đầu

VFF vừa xử phạt K.Kiên Giang vì không chịu trả tiền cho cầu thủ. Điều này khiến cả thảy không biết cười hay mếu, và cũng chẳng khó hình dung nó khác gì nắm kẻ trọc đầu.

Giờ này, có nói K.Kiên Giang như vậy cũng chẳng sai. Do là khi kết thúc mùa bóng 2013, lúc đội bóng này còn giữ quan điểm chơi ở V-League 2014, bị xảy ra ì xèo việc cầu thủ đi đòi nợ nhưng lúc đó VFF không chịu vào cuộc thì giờ còn gì để nói nữa khi nơi đây đã dẹp bóng đá.

Không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại cảnh cầu thủ đổ mồ hôi nhưng cuối cùng như thứ bỏ đi vì lãnh đội không trả tiền. Ngày đó, nhiều cầu thủ tìm đến nhà sếp đội bóng mà tưởng như dân cho vay nóng đi đòi nợ, nhưng nên hiểu cũng vì công sức mình bị khước từ thì chẳng còn cách nào khác. Thậm chí họ còn nhờ luật sư vào cuộc cho đúng trình tự nhưng khổ nỗi có kiện tụng thì đội bóng cũng đã khai tử và chẳng biết ở K.Kiên Giang còn gì để thi hành án, nếu sau khi có bản án của tòa.

Chuyện cầu thủ K.Kiên Giang sau mùa giải đi đòi nợ chẳng phải duy nhất mà ngoài Trung và cả ở miền Tây vừa rồi cũng có đội bóng lình xình tiền lương, tiền thưởng khiến cho loạn đả cả lên. Bây giờ thì nhiều người lại thấy lo cho những đội bóng nhà nghèo ở V-League 2014 liệu đến khi trụ hạng có theo con đường của K.Kiên Giang mùa trước?

Nhiều cầu thủ nói đi đòi tiền mà như đi xin đã đành, thậm chí trong tình cảnh đó chẳng biết đội bóng đào đâu ra tiền để trả, khiến ai nấy tủi thân lắm.

VFF hay VPF từng nói, khi trái bóng V-League 2014 lăn thì đội nào cũng phải đủ 35 tỷ đồng trong tài khoản. Thực tế nếu đi kiểm tra vẫn thấy đấy nhưng tới cuối mùa bị thiếu nợ cũng chẳng ai dám chắc là không ầm ĩ như K.Kiên Giang đã từng dính đến vụ này.

Từ chuyện VFF ra án phạt với K.Kiên Giang làm dư luận cho rằng nếu án phạt đó VFF tự phạt cho mình có lẽ sẽ hay hơn. Vì cái tội là chính họ góp phần để cho nhiều đội bóng sống đời thực vật nhưng vẫn khoác lên chiếc áo chuyên nghiệp, nhưng tới khi vỡ ra thì như con bệnh giai đoạn cuối.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục