Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5%-3%/năm; đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Để đạt mục tiêu đó, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao là yêu cầu cấp thiết.
Sinh viên ngành Bảo vệ thực vật Trường ĐH An Giang thực hành về bệnh trên cây lúa
Sinh viên ngành Bảo vệ thực vật Trường ĐH An Giang thực hành về bệnh trên cây lúa

Nhiều dự án hỗ trợ nông nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tại Việt Nam, từ năm 1993 đến nay, ACIAR đã đầu tư 243 dự án nghiên cứu tại Việt Nam, trị giá 157,5 triệu AUD (đô la Australia). ACIAR đã hỗ trợ nhiều viện nghiên cứu để hơn 120 nhà khoa học Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo bậc sau đại học (ĐH) tại Australia và chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo thông qua các chương trình học bổng của ACIAR. Trong vòng 5 năm tới, ACIAR cam kết ngân sách tài trợ 23 triệu AUD cho các dự án nông nghiệp tại Việt Nam, hướng đến các nghiên cứu dài hạn và góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm…

Trong tháng 10 vừa qua, tại tỉnh Đồng Tháp đã khởi động dự án “Hợp tác Australia - Việt Nam về chuỗi giá trị lúa gạo bền vững khu vực ĐBSCL” với tổng kinh phí hơn 5 triệu AUD nhằm hỗ trợ nâng cao kiến thức cho 1,5 triệu hộ nông dân trồng lúa. Đây là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do CIAR và Tập đoàn SunRice phối hợp Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện tại 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Dự án sẽ được triển khai từ nay đến năm 2025, tập trung thành lập một trung tâm tiên tiến về quy trình xay xát và chế biến sau thu hoạch tại Nhà máy Lấp Vò (Đồng Tháp), thiết lập một phòng kiểm định chất lượng gạo để định lượng các thông số chất lượng. Cùng với đó, dự án sẽ tổ chức các chuyến tham quan, học tập tại trung tâm tiên tiến cho nông dân, cán bộ khuyến nông và sinh viên, cán bộ nghiên cứu thực hành, thực tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Trước đó, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cũng đã triển khai dự án “Tăng cường giáo dục ĐH ngành nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TPHCM”, với kinh phí 9,09 triệu USD từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Tập trung đào tạo, nghiên cứu

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, ngay khi tiếp nhận Trường ĐH An Giang, ĐH Quốc gia TPHCM đã thành lập Viện Biến đổi khí hậu, nhằm nghiên cứu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu tại vùng này. Đồng thời, Trường ĐH An Giang gắn liền với hai dự án quốc tế của ĐH Quốc gia TPHCM là dự án “Tăng cường giáo dục ĐH lĩnh vực nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TPHCM” và dự án về “Giống cây trồng và thủy hải sản” do Chính phủ Australia tài trợ.

PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lúa cả nước, 70% các loại trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu. Do đó, khi được tiếp nhận các dự án, nhà trường đề ra mục tiêu kép là nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nghiên cứu ứng dụng và giúp người nông dân nâng cao kiến thức chuyên môn sản xuất nông nghiệp.

Về dự án “Tăng cường giáo dục ĐH ngành nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TPHCM” do KOICA tài trợ, Trường ĐH An Giang sẽ thực hiện trong 7 năm, tập trung vào công tác đào tạo chuyên môn ở trình độ sau ĐH. Các cán bộ chuyên ngành nông nghiệp và những chuyên ngành liên quan được cử đi đào tạo tại Khoa Nông nghiệp và Khoa học đời sống (ĐH Quốc Gia Seoul - Hàn Quốc). Cùng với đó, Trường ĐH An Giang sẽ phối hợp xây dựng các trung tâm nghiên cứu để hỗ trợ việc tiếp cận và áp dụng những công nghệ cao trong sản xuất và vận hành nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, trường tăng cường hợp tác học thuật - công nghiệp giữa các đơn vị học thuật và ứng dụng công nghệ (đặc biệt với các doanh nghiệp Hàn Quốc), đảm bảo kết quả nghiên cứu được ứng dụng một cách rộng rãi trong thực tế.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, thông qua các dự án, nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung sẽ được nâng cao về số lượng cũng như chất lượng. Đây sẽ là tiền đề, cơ sở cho quá trình phát triển, đổi mới, hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

“Sứ mệnh quan trọng của ĐH Quốc gia TPHCM được Đảng và Nhà nước giao phó là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Do đó, các dự án được triển khai tại Trường ĐH An Giang là để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho vùng này. Khi triển khai các dự án, mục tiêu chủ đạo là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho nhân lực ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu phát triển bền vững của vùng, và quan trọng hơn là thực hiện mục tiêu về an ninh lương thực cho quốc gia”, PGS-TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM) nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục