Nâng chất các đô thị ở Bình Dương

Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh những năm gần đây, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để người dân được thụ hưởng thành quả phát triển, tỉnh đang thực hiện chương trình nâng chất các đô thị trên địa bàn theo hướng thông minh, đổi mới sáng tạo.

Siết quản lý trật tự xây dựng

Năm 2016, tỉnh Bình Dương ban hành chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và chương trình phát triển các đô thị trên các địa bàn trực thuộc, gồm: TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát, Tân Uyên.

Đây là cơ sở để UBND các huyện, thị, thành phố lập đề án nâng loại đô thị, có kế hoạch đầu tư và thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn lực kinh tế để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện hữu. Đến nay, mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa khá cao (đạt trên 82%, năm 2021) nhưng Bình Dương vẫn đặt mục tiêu quản lý quá trình ĐT theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đô thị.

Tại thị xã Tân Uyên, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Cách làm mới là thành lập các Tổ Trật tự đô thị ở từng xã, phường để phối hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc xây dựng lấn chiếm hành lang, vỉa hè, tụ tập, mua bán gây mất trật tự an toàn giao thông tại các tuyến, trục đường chính trên địa bàn cũng như các khu vực tập trung đông dân cư, chợ, trường học...

Tại TP Dĩ An, ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành ủy Dĩ An, cho biết: Đối với các vi phạm trật tự xây dựng, đô thị sẽ được xử lý dứt điểm. Mới nhất, lực lượng chức năng đã phối hợp với công an thành phố lập biên bản xử lý hàng chục căn nhà xây dựng trái phép trên địa bàn, không để tồn đọng lâu dài.

Trong khi đó ở Thuận An, hàng loạt dự án đang được triển khai đã làm thay đổi diện mạo đô thị thời gian qua, như: dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, dự án nâng cấp đường ĐT 743A và đường ĐT 743B từ ngã 3 An Phú đến Khu công nghiệp Sóng Thần, dự án xây dựng cầu vượt ngã tư 550 cùng các công trình thoát nước, chống ngập đã giúp địa bàn này trở thành điểm sáng của tỉnh trong nâng chất đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Lên cấp nhiều đô thị

Trong vòng 5 năm qua, đã có nhiều địa phương trong tỉnh thông qua kế hoạch lên thành phố hoặc lên cấp đô thị. Năm 2017, TP Thủ Dầu Một nâng từ loại II lên loại I; thị xã Thuận An và Dĩ An nâng từ loại IV lên loại III, trong khi đó 2 đô thị phía Bắc của tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, gồm: Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) và Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên).

Năm 2018, Bến Cát và Tân Uyên nâng từ đô thị loại IV lên loại III. Trong năm 2022, HĐND tỉnh Bình Dương cũng thông qua nghị quyết đưa Dĩ An từ thành phố loại 2 lên loại 1, thành lập TP Bến Cát và từng bước xây dựng nơi đây thành đô thị công nghiệp, dịch vụ của vùng TPHCM.
Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, sở đã tham mưu UBND tỉnh về lộ trình nâng loại các đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 trình Bộ Xây dựng tổng hợp, tham mưu ban hành Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn tới.

Đáng chú ý, việc nâng chất đô thị ở Bình Dương gắn kết chặt chẽ với phát triển quỹ nhà ở, nhất là nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp với chỉ tiêu xây dựng sàn nhà ở năm 2022 trên địa bàn tỉnh là gần 4,5 triệu m2, trong đó khu vực đô thị là hơn 3,7 triệu m2, tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị lên 30% và chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 30,6m2 sàn/người (đô thị đạt 31,6m2 sàn/người, nông thôn đạt 25,2m2 sàn/người).

Song song đó, kết hợp sử dụng nhiều hình thức kêu gọi đầu tư để đảm bảo nhu cầu về nhà ở và giãn dân, giảm tải lên hệ thống hạ tầng cho khu vực trung tâm hiện hữu, đặc biệt là khu trung tâm của TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An.

Tin cùng chuyên mục