Nâng công suất cảng Cái Mép - Thị Vải

Được đầu tư trên 84.000 tỷ đồng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 21 cảng biển nước sâu thế giới có thể đón những siêu tàu thế hệ mới với tải trọng lên đến 200.000 tấn. Thế nhưng qua hơn 10 năm, lượng hàng hóa qua cảng đến nay mới chỉ đạt hơn 50% công suất thiết kế, đang rất cần được các bộ ngành Trung ương và Chính phủ quan tâm đầu tư, để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ và tăng thu ngân sách quốc gia.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 69 dự án cảng biển được quy hoạch, trong đó có 41 dự án đã được triển khai và đưa vào hoạt động với công suất 141,4 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 dự án, trong đó 22 dự án đã đưa vào khai thác, công suất 117,8 triệu tấn/năm. Tuy vậy, con số còn ở mức khiêm tốn khi công suất hàng container năm 2015 chỉ ở mức 20% và đến 2019 mới được nâng lên 53%. Điều đó cho thấy hiệu quả khai khác cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép - Thị Vải chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhất là cảng lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có nền kinh tế sôi động nhất cả nước.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khiến cảng Cái Mép - Thị Vải chưa phát huy hết hiệu quả, trong đó kết nối giao thông thiếu đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính. Cụ thể, tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải mặc dù đã hoàn thành giai đoạn I nhưng dự án cầu Phước An kết nối cảng với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và cao tốc Bến Lức - Long Thành về miền Tây thì chưa rõ khi nào hoàn thành. Cảng cũng chưa có trung tâm logistics, các depot công rỗng để hỗ trợ vận tải và thúc đẩy dịch vụ hậu cần. Đây chính là điểm hạn chế làm tăng chi phí vận tải đến cảng.

Một doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Cái Mép - Thị Vải phân tích: một container hàng về KCN Bàu Bàng (Bình Dương), nếu vận chuyển về thông quan ở cảng Cát Lái thì phí vận chuyển chỉ khoảng 3,5 triệu đồng (600.000 đồng vận chuyển bằng sà lan về Cát Lái và 2,9 triệu đồng vận chuyển từ Cát Lái về KCN Bàu Bàng). Trong khi đó, nếu thông quan tại Cái Mép - Thị Vải, sau đó phải vận chuyển hoàn toàn bằng đường bộ về KCN Bàu Bàng thì chi phí lên đến 4,6 triệu đồng. Những bất lợi đó khiến năm 2019, mặc dù có hơn 3,4 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cái Mép - Thị Vải nhưng chỉ có 15% lượng container qua đường bộ vào làm thủ tục thông quan.

Theo ông Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đưa vào hoạt động từ 2009, trung bình mỗi năm Trung ương thu về một năm khoảng 12.000 tỷ đồng, trong khi Trung ương mới chỉ đầu tư cho cụm cảng tổng thể hơn 5.700 tỷ đồng. Đây mới chỉ là số thu khi cụm cảng này hoạt động 40% công suất thiết kế; nếu công suất của cụm cảng được nâng lên 80% thì số thu sẽ tăng lên 24.000 trong khi thu từ dầu khí của tỉnh năm 2019 mới đạt 29.000 tỷ đồng. Như vậy việc đầu tư nâng công suất của cụm cảng Cái Mép ­- Thị Vải là vấn đề cấp thiết cần nhanh chóng triển khai, nhằm khai thác tối đa lợi thế của cảng, tăng thu ngân sách Nhà nước; từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo tinh thần Nghị quyết.

Tin cùng chuyên mục