
Đón sóng đầu tư mới
Từ giữa tháng 5-2025, Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TPHCM) liên tiếp đón nhận tin vui khi hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng lên đến hàng tỷ USD được khởi công xây dựng. Trong đó phải kể đến phân khu 1 của dự án The Grand Hồ Tràm (khoảng 1 tỷ USD); dự án khu đô thị đường 3-2 (gần 37.000 tỷ đồng); dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Five Star Poseidon và Five Star Odyssey (khoảng 10.000 tỷ đồng)… được thực hiện bởi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Ông Hoàng Ngọc Linh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), chia sẻ, miền Tây Nam bộ cũng có biển nhưng trừ Phú Quốc thì những nơi khác gần như bãi biển không tắm được. Khách ở miền Tây Nam bộ rất thích tắm biển Vũng Tàu, cộng thêm khách từ khu vực Tây Nguyên, khách nội địa trong vùng giúp Vũng Tàu luôn kín khách các dịp lễ, tết, hè.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây, sắp tới khi các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành đi vào hoạt động, Vũng Tàu, Hồ Tràm, Long Hải sẽ đón thêm đáng kể lượng khách nội địa cũng như quốc tế. Nhìn xa hơn, khi dự án cầu Phước An nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động sẽ có thêm khách từ ĐBSCL. Và để đón sóng đầu tư, cơ quan chức năng đã cải thiện hình ảnh du lịch bằng dự án Chỉnh trang trục đường Thùy Vân (khoảng 1.000 tỷ đồng), đầu tư nâng cấp tuyến đường Vũng Tàu - Bình Thuận (mở hướng phát triển dọc theo đường bờ biển) và chuẩn bị đầu tư cao tốc kết nối với sân bay Long Thành. Mục tiêu hướng đến là hình thành các dự án nghỉ dưỡng, thể thao đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó hình thành các dịch vụ thể thao gắn với biển, phát triển du lịch sinh thái và xa hơn là du lịch gắn với y tế chăm sóc sức khỏe.
Phát triển Khu du lịch quốc gia đặc khu Côn Đảo
Với đặc khu Côn Đảo, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm, trong đó tập trung vào cải thiện môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với xúc tiến, quảng bá du lịch. Sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, về nguồn, du lịch sinh thái và lễ hội truyền thống, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mới, phát huy tài nguyên rừng, biển, thu hút khách khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh du lịch Côn Đảo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết liệt trong triển khai thực hiện, Côn Đảo được công nhận là khu du lịch quốc gia; trở thành địa phương thứ 9 tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa với 95% tiểu thương không sử dụng túi nilon khó phân hủy; thực hiện tốt chương trình “Giỏ lễ xanh” tại Nghĩa trang Hàng Dương và các khu di tích trên địa bàn.
Ông Lê Anh Tú, Bí thư Đảng ủy đặc khu Côn Đảo, chia sẻ, với vị trí là đặc khu duy nhất của TPHCM, thời gian tới, Côn Đảo mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TPHCM và bộ, ngành, Trung ương với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển đặc khu. Mục tiêu đặc khu phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030 là tổng doanh thu thương mại - dịch vụ - du lịch tăng bình quân 9,96%/năm; trong đó doanh thu thương mại tăng bình quân 9,42%/năm, doanh thu dịch vụ vận tải tăng bình quân 8%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 10,36%/năm, doanh thu dịch vụ khác tăng bình quân 8,87%/năm.
Với dịch vụ - du lịch tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, từng bước khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn, khu du lịch quốc gia Côn Đảo sẽ phát triển theo mô hình du lịch chất lượng cao, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và Vườn quốc gia Côn Đảo; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh Côn Đảo trong nước và quốc tế; khuyến khích phát triển các dịch vụ mới gắn với thương mại điện tử, chuyển đổi số.
Giai đoạn 2021-2025, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với tổng lượng khách khoảng 64 triệu lượt, tăng bình quân 11,34%/năm. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 71.000 tỷ đồng, tăng bình quân 11,01%/năm, đóng góp khoảng 4,5% vào GRDP của tỉnh.