Nét mới từ các trại sáng tác mỹ thuật 2010

Kết quả Giải thưởng mỹ thuật 2010

Vẫn giữ được nhịp độ phong trào sáng tác khá tốt, Hội Mỹ thuật TPHCM đã tổ chức báo cáo sáng tác qua cuộc triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP, 97A Phó Đức Chính, quận 1.

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM trong buổi khai mạc triển lãm cho biết đây là cuộc trưng bày những tác phẩm tiêu biểu (187 tác phẩm được tuyển chọn từ 264 tác phẩm của 234 tác giả) từ kết quả 9 trại sáng tác ở TPHCM và các tỉnh: Bình Phước, Phước Long, Vũng Tàu - Côn Đảo, An Giang, Vĩnh Long, Nha Trang…

Hai đề tài trọng điểm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Xây dựng và phát triển thành phố thu hút được sự quan tâm không riêng gì lớp nghệ sĩ cao tuổi mà cả lớp trẻ. Tác phẩm Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản quốc tế, chất liệu gò nhôm của Phan Thăng; Người viết tuyên ngôn độc lập, khắc gỗ của Nguyễn Phú Hậu, mảng tranh cổ động của Đỗ Văn Dũng, Đặng Văn Long, Đặng Minh Phương, Huỳnh Khắc Thảo… hay Thủy triều đen, chất liệu tổng hợp của Phan Đình Phúc; Lay dắt đốt hầm thứ 3, giấy dán của Hồ Hoàng Đài; Tuổi thơ, sơn dầu của Dương Thanh Ngọc; Kênh Nhiêu Lộc, một ngày mới, sơn dầu của Phạm Đỗ Đồng… đã tạo được những ấn tượng mới cho người xem.

Ngoài ra, cảm hứng sáng tác thật phong phú từ những vùng đất, từ những suy tư, trăn trở về cuộc sống, qua tác phẩm, các nghệ sĩ làm người xem có cảm xúc mới hơn khi bắt gặp: Vũ điệu âm dương, chất liệu tổng hợp của Phùng Chí Thu; Nhớ, sắt của Trần Hữu Thời; Tiếng động từ ngục tù Côn Đảo, sơn mài của Lương Khánh Toàn; Chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, bút sắt của Nguyễn Hồng Sơn; Leo, gỗ của Đỗ Xuân Diệu; Phụ nữ H’Mông, khắc gỗ của Nguyễn Thị Tố Uyên…

Lớp tác giả cao tuổi vẫn giữ được phong độ sáng tác với đề tài lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đề tài về Bác Hồ, đề tài chiến tranh cách mạng..., như Nguyễn Thanh Minh, Huỳnh Phương Đông, Trang Phượng, Võ Văn Tấn, Phan Thăng, Nguyễn Phú Hậu… Bên cạnh, một số tác giả trẻ, với cách thể hiện lạ cũng gây được sự chú ý của người xem, với Xách nước miền Đông (gỗ) của Trần Mai Hữu Quý; Song ngư (nghệ thuật số) của Nguyễn Trí Minh Tuyết; Cà phê sáng 2010 (sơn mài), Bửu Long; Vòng xoay (sơn mài), Nguyễn Phan Nam An; Không gian (sơn mài) của Nguyễn Thu Hương…

Điều gì nổi bật từ một cuộc triển lãm báo cáo kết quả các trại sáng tác năm nay? Có lẽ, ngoài cách thức đổi mới đầu tư (đầu tư trên chính tác phẩm thật, không ở dạng phác thảo), quy định tiêu chí mới chấm giải của Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật TPHCM, đồng thời có thêm sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM và Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn TP năm 2010, đã tạo đà động viên phong trào sáng tác của hội; phát huy, mở rộng và thu hút tài năng sáng tác nghệ thuật ở nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhất là ở lớp họa sĩ trẻ. Đó là tín hiệu vui của giới mỹ thuật thành phố mở đầu nhiệm kỳ 2010-2015.

Kết quả Giải thưởng mỹ thuật 2010

Giải I: Nhịp sống, chất liệu gỗ, của Trần Mai Quốc Khánh.

Giải II: Ngây thơ, sơn dầu, của Phương Quốc Trí.

Giải III: Tổ ấm, tổng hợp, của Lê Lang Biên; Những người mẹ, tổng hợp của Đỗ Minh Hiếu; Cong, gỗ của Nguyễn Hoài Huyền Vũ.

Ngoài ra, Hội Mỹ thuật TPHCM công bố các tác phẩm được đầu tư, gồm: đầu tư theo chủ đề: 9 tác phẩm; đầu tư trại sáng tác và sáng tác mới: 29 tác phẩm; hỗ trợ đầu tư sáng tác trẻ: 12 tác phẩm.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục