Nga cần cam kết pháp lý
Bối cảnh cuộc gặp trực tuyến lần này khác lần gặp trực tiếp cách đây 6 tháng tại Geneva. Điểm nóng nhất trong quan hệ giữa hai siêu cường hiện nay là quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Moscow liên tục cáo buộc phương Tây “vượt lằn ranh đỏ” khi mở rộng NATO sang Đông Âu, sát biên giới Nga.
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga kiên quyết thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng NATO không có thêm bất kỳ hành động nào tiến tới gần biên giới phía Đông hay triển khai vũ khí gần lãnh thổ Nga. Theo ông Putin, điều này cần có sự đảm bảo về mặt pháp lý thay vì các cam kết bằng lời nói như hiện nay. Người đứng đầu nước Nga tuyên bố như trên trong bối cảnh Ukraine dự kiến cho phép các nước phương Tây triển khai quân đội trong lãnh thổ nước này. Bên cạnh đó, NATO cũng đang gia tăng sự hiện diện của liên minh này ở Đông Âu. Ngày 30-11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nhiều đơn vị và vũ khí của các nước NATO, trong đó có Mỹ và Anh, đang được vận chuyển đến gần biên giới của Nga. Trong khi đó, phát biểu với hãng tin CNN mới đây, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang mở rộng quy mô lực lượng lên gấp 3 lần và tăng cường sự hiện diện của khối ở khu vực biển Đen và biển Baltic. Cụ thể, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke của Hải quân Mỹ đã được triển khai đến biển Đen vào tuần trước, không lâu sau khi 2 tàu chiến khác của Mỹ đi qua vùng biển này.
Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng Nga điều quân ồ ạt tới biên giới Ukraine và “chuẩn bị xâm lược Ukraine”. Phía Nga cho biết quân đội Nga di chuyển bên trong lãnh thổ của mình với mục đích hoàn toàn là phòng thủ. Về phần mình, theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Tôi không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất kỳ ai”. Mỹ đang bắn tín hiệu sẽ liên kết với các đồng minh siết chặt các biện pháp cấm vận, buộc Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine.
Cần giảm leo thang căng thẳng
Một số nhà phân tích Nga và Mỹ đã gợi ý rằng lãnh đạo hai nước này cần thiết lập các cuộc đàm phán giảm leo thang. Cùng theo xu hướng này, Điện Kremlin thông báo họ muốn có hội nghị thượng đỉnh Putin - Biden vào năm 2022. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói: “Rất khó để mong đợi những đột phá từ cuộc đàm phán ngày 7-12. Vì vậy, ít nhất chúng ta hãy hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ có thể chuyển tải mối quan tâm của họ cho nhau”. Theo ông, mặc dù quan hệ song phương của hai nước “vẫn đang ở trong tình trạng rất đáng buồn, nhưng vẫn có sự khôi phục, đối thoại đang bắt đầu ở một số lĩnh vực”. Ông Peskov nhấn mạnh: “Đây là điều quan trọng” và ông tin sau cuộc hội đàm có thể sẽ có thêm nhiều đề xuất từ hai phía để giảm căng thẳng.
Theo Sputnik, ông Earl Rasmussen, Phó Chủ tịch Trung tâm Âu - Á, cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nên tận dụng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để hạ nhiệt căng thẳng và chuyển sang các giải pháp ngoại giao. Ông Rasmussen nêu rõ: “Tôi hy vọng hai bên sẽ cân nhắc hạ nhiệt căng thẳng và biện pháp ngoại giao, thay vì những lời lẽ hung hăng không ngớt thường thấy từ đội ngũ chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ”. Theo chuyên gia này, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Putin - Biden diễn ra giữa những thách thức trên khắp thế giới, trong đó có vấn đề Ukraine, Belarus, Afghanistan, Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran và vaccine Covid-19. Nhà phân tích Nga Fyodor Lukyanov hoài nghi khả năng ông Biden và ông Putin có thể đạt kết quả cụ thể nào đó trong cuộc đối thoại ngày 7-12, song theo ông dù sao cuộc đàm phán không làm leo thang sự thù địch. Ông nói: “Chiến tranh chỉ là những đồn đoán từ phương Tây. Nếu bắt đầu, nó sẽ bắt đầu theo kiểu khác”.