TPHCM đang nỗ lực chỉnh trang, ngầm hóa nhanh lưới điện và cáp viễn thông, vì sự an toàn tính mạng cho người dân cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Song, việc triển khai đang gặp nhiều vướng mắc.
Bùng nhùng, nguy hiểm
Sau một thời gian khởi động việc chỉnh trang, ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông, đến nay một số khu vực của TPHCM đã có “bộ mặt” thoáng đãng, không còn “mạng nhện” chằng chịt trên cao. Người dân cũng có cảm giác an tâm hơn khi lưu thông trên các tuyến, khu vực chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ tới đường Nguyễn Cư Trinh), đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn (quận 1)... Từ năm 2010 đến nay hàng trăm tuyến đường chính với 36.372 cột điện, tổng chiều dài tương ứng hơn 885km tại các quận, huyện đã được chỉnh trang làm gọn cáp viễn thông.
Tuy nhiên, so với khoảng 13.400km đường dây điện cao thế, trung thế và hạ thế cùng với hệ thống cáp viễn thông trên 211.860 cột điện mà ngành điện đang quản lý thì kết quả trên còn khá khiêm tốn. Cột điện ở các góc đường Lý Tự Trọng – Pasteur (quận 1), Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)… cõng vô vàn sợi, cuộn dây điện, dây cáp to nhỏ đến mức cán bộ ngành điện kiểm tra đường dây cũng lọt thỏm giữa đống dây dợ bùng nhùng đó.
Nhiều cột điện bấy lâu oằn mình cõng đống dây điện, dây cáp nặng trịch đang nghiêng ngả như cột điện góc đường Trần Đình Xu – Trần Hưng Đạo, trước quán cà phê gần số 150 Nguyễn Du (quận 1), góc Võ Văn Tần – Trương Định (quận 3)… Ven đường các tuyến Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lãnh Binh Thăng, Tôn Thất Hiệp (quận 11)… cáp viễn thông dây thấp dây cao chùng xuống như tấm mành cửa.
Nhiều tuyến đường như: Lý Tự Trọng (quận 1), trước số 126 Võ Thị Sáu (quận 3), nhiều đoạn trên đường Cao Thắng (quận 3)… cáp đã được chỉnh trang, bó gọn, song không được kéo căng, đưa lên cao khiến cả hệ thống cáp như một con trăn đen chũi nằm sõng sượt là là trên đầu người.
Ngay tại các tuyến đường đã được chỉnh trang, ngầm hóa cũng làm chưa đến nơi đến chốn. Đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng tới Hai Bà Trưng, quận 1), cáp viễn thông đã được ngầm hóa nhưng hệ thống điện vẫn nổi; đường Phạm Thế Hiển, cáp đã được bó gọn nhưng… chừa lại khu vực phường 6, quận 8…
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ phường 6, quận 8) phản ánh có đoạn cáp cao chưa qua đầu người, dây cáp rơi rớt khiến người dân phải cuộn lại rồi gác tạm lên hàng cây ven đường, dây dợ lằng nhằng quá thấp, rất nguy hiểm nhưng không biết kêu ai.
Trông chờ xã hội hóa
Các đơn vị viễn thông và điện lực cho biết, việc ngầm hóa cáp viễn thông hiện gặp nhiều cái vướng và chung nhất là khó khăn trong nguồn vốn đầu tư. Theo tính toán chưa đầy đủ, kinh phí đào hào kỹ thuật ngầm hóa lên tới 18 tỷ đồng/km, cộng thêm chi phí thiết bị riêng cho ngầm hóa lưới điện sẽ đội lên là 36 tỷ đồng/km. Nhu cầu vốn để ngầm hóa là rất lớn và đến nay chỉ mới có 1 công trình đường Trần Hưng Đạo được TP chấp thuận cho nhà đầu tư hưởng ưu đãi. Đây cũng là dự án ngầm hóa đầu tiên được thực hiện theo hình thức “xã hội hóa”. Các dự án ngầm hóa trên các tuyến đường khác còn phải… chờ!
Ông Trần Ngọc Thiều, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel TPHCM, bày tỏ: Nguồn ngân sách đầu tư cho việc chỉnh trang, ngầm hóa dường như không có. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra làm nhưng khi triển khai lại gặp quá nhiều khó khăn. Trong 29 tuyến đường Viettel đang ngầm hóa thì có trên 50% tuyến thuộc danh mục cấm đào. Ông Trần Văn Thanh, Phó Trung tâm Điều hành viễn thông TP, cho rằng có những tuyến đường khi đào đường để ngầm hóa phải xin phép rất nhiều cửa, từ UBND quận – huyện đến Sở GTVT…
Đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM lại lo lắng trước thực tế sau khi chỉnh trang, một số tuyến đường tái diễn “mạng nhện”. Một khó khăn khác các đơn vị đầu tư gặp phải là TP chưa quy định đơn giá thuê hạ tầng ngầm hóa, khiến các chủ đầu tư lúng túng. Ông Phan Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Truyền hình cáp (Saigontourist), than: Phí thuê bao thấp, không thể tăng cao hơn nên đơn giá cho thuê hạ tầng ngầm hóa cần tính toán phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TP, nhìn nhận công tác phối hợp giữa các đơn vị ngầm hóa còn lúng túng. TP cần có cơ chế hỗ trợ vốn để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông.
Đường Loan – Vân Anh