Ngắm nhìn thiên nhiên bằng những con mắt rạng rỡ

Ngắm nhìn thiên nhiên bằng những con mắt rạng rỡ

Họa sĩ Lê Phổ

Con đường dệt đầy hình ảnh, âm điệu, màu sắc của việc nghiên cứu và tìm hiểu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã dẫn đưa chúng tôi tìm đến họa sĩ Lê Phổ. Hôm ấy, một buổi sáng tháng 10-1998, nắng mùa thu rực rỡ, Quận 15 Paris, Pháp, trở nên yêu kiều, lộng lẫy, với nụ cười của họa sĩ lúc ấy đã 92 tuổi nhưng vẫn tráng kiện, chờ đón chúng tôi trước ngưỡng cửa...

Từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, chúng tôi còn hân hạnh được gặp Lê Phổ vài lần sau đó. Nụ cười gợi nắng ấm của họa sĩ vẫn lưu luyến trong tâm hồn mỗi khi chúng tôi nghĩ về ông. Ấy là những sợi nắng của miền nhiệt đới, của nơi quê nhà. Chẳng bù với những tháng ngày mưa gió giá buốt cuối năm 2001 tại Paris, có những buổi sương mù xuống thật thấp, rưng rưng, như ngày 12-12, ngày Lê Phổ từ giã cõi đời để bước chân vào chốn hư không...

Tài năng nở sớm

Những người yêu thích nghệ thuật Việt Nam, Tây cũng như ta, đều biết Lê Phổ, và ít nhất cũng đã một lần nhìn được đây đó, trên một tạp chí hoặc một tài liệu, vài bức tranh của ông. Lê Phổ là một trong những danh họa Việt Nam có tầm vóc quốc tế.

Sinh ngày 2-8-1907 tại Hà Đông, con thứ 10 trong 11 người con thuộc một gia đình quan lại quyền quý, Lê Phổ lớn lên trong gia đình truyền thống phương Đông. Cha ông, Lê Hoan, được hàm phong Khâm sai đại thần xứ Bắc kỳ (Tonkin). Mồ côi mẹ lúc 3 tuổi (1910), không lâu sau đó mồ côi cha (1915), ông được vợ chồng người anh cả nuôi nấng dạy dỗ.

Năm 16 tuổi, do yêu thích nghệ thuật và rất có khiếu, ông vào học trường chuyên nghiệp (École Professionelle, còn được gọi với tên thông dụng, quen thuộc với người thời ấy là Trường Bách công Bách nghệ, École d’Art et Métier), từng do họa sĩ Gustave Hieroltz giữ chức hiệu trưởng.

Vào năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập bởi Victor Tardieu (1870-1937) và Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ (1890-1973), mở cuộc tuyển sinh đầu tiên, tổ chức cùng lúc tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom Penh (Campuchia)và Vientiane (Lào). Thông báo tuyển sinh đã được đáp ứng nồng nhiệt, với sự tham dự của 270 thí sinh toàn Đông Dương, trong đó có chàng trai trẻ Lê Phổ 18 tuổi. Cuộc tuyển sinh rất gắt gao vì ban giám khảo quyết định chỉ chấm đậu 10 thí sinh. Trong số 10 thí sinh trúng tuyển, Lê Phổ đứng thứ 9.

Các giáo sư, đáng kể nhất là Victor Tardieu và Joseph Inguimberty (1896-1971), những người thầy không muốn đánh mất bản sắc Việt Nam, đã hướng dẫn học sinh đi vào một phương pháp mới: Dung hòa mỹ thuật hiện đại Tây phương với vốn liếng giàu có, muôn màu muôn sắc của mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn tận tình đó, Lê Phổ đã tỏ ra xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, từ tranh lụa đến tranh sơn dầu.

Tài năng của ông sớm nở rộ và gây được nhiều tiếng vang trong nước, vì từ năm 1928, khi chưa ra trường, Lê Phổ đã từng triển lãm tại Hà Nội với 2 bạn cùng trường, đồng thời là bạn thời thơ ấu là Mai Trung Thứ (1906-1980) và Vũ Cao Đàm (1908-2000). Sau 5 năm chuyên cần học hỏi, năm 1930, Lê Phổ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Vào năm 1931, Triển lãm Đấu xảo Thuộc địa (Exposition Coloniale) được tổ chức huy hoàng tại Bois de Vincennes, Paris, Pháp, với quang cảnh Chùa Tháp Đế Thiên Đế Thích được mô phỏng với tầm vóc vĩ đại. Được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Mỹ thuật, Victor Tardieu đã đề cử “học trò cưng” đầy tài năng Lê Phổ làm phụ tá, cùng sang Paris. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tham dự triển lãm này với nhiều tác phẩm đặc sắc, gây được tiếng vang mà giới báo chí thời ấy đã viết nhiều bài báo ca tụng như một khám phá mới lạ. Các tác phẩm đó hiện vẫn được nhắc đến như sự tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam. Trong số ấy, 2 tác phẩm sơn dầu đã đoạt huy chương bạc là Chân dung mẹ tôi (Portrait de ma mère) của Nam Sơn và Thời hạnh phúc (L’âge heureux) của Lê Phổ.

Nổi tiếng quốc tế

Nhân dịp sang Paris, Lê Phổ đã xin được học bổng một năm tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Chính những phương pháp giảng dạy chính quy và gò bó trong nguyên tắc ở thời gian này đã làm Lê Phổ hoang mang trước những nhận định của chính mình về cái gọi là nghệ thuật. Ông rời Paris, sang Ý và sống tại đây một thời gian dài. Thất vọng vì không tìm được cho mình một khuynh hướng để dung hòa những suy nghĩ nội tâm vào hội họa, ông du lịch đó đây tại châu Âu (Bỉ, Hà Lan...) và khám phá nền hội họa cổ đại tại các viện bảo tàng. Lê Phổ bàng hoàng nhận ra rằng có những điểm chung giữa nền hội họa cổ đại châu Âu và hội họa cổ đại Trung Hoa mà từ lâu ông hằng tìm kiếm. Khám phá ấy đã ăn sâu và ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời sáng tác của ông sau này.

Năm 1932, Lê Phổ trở về quê hương và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1934, ông tìm đến Bắc Kinh và tiếp tục khám phá nền hội họa cổ điển Trung Hoa, làm giàu hơn kiến thức của mình.

Năm 1937, Lê Phổ giữ chức Giám đốc Ban Mỹ thuật (Nhà Đông Dương) trong Triển lãm Đấu xảo Quốc tế (Exposition Internationale) tại Paris, Pháp. Ông xuất ngoại cùng lúc với 2 người bạn Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm. Sau đó, cả 3 họa sĩ Việt Nam quyết định chọn Pháp làm nơi định cư.

Thiếu nữ dâng trà (61cm x 45 cm, mực và phấn màu trên lụa)

Từ thời gian ấy, tên tuổi Lê Phổ sáng ngời trên đàn nghệ thuật. Năm 1938, lần đầu tiên ông triển lãm cá nhân tại Paris. Năm 1941, ông ký hợp đồng với nhà triển lãm Romanet, để sánh vai cùng các họa sĩ lẫy lừng như Albert Marquet (1875-1947), Foujita (1886-1968)... trong cuộc triển lãm tại Algeria. Một trong những bức tranh trong triển lãm này là tranh lụa Những cô thợ nhuộm (Les teinturières), trình bày 3 nhóm thiếu nữ, mỗi nhóm 3 người, đang yểu điệu làm việc. Bức tranh ở cái tĩnh thể hiện một chuyển động hài hòa trong nhịp điệu mà họa sĩ tài hoa đã chợp bắt được. Đó là hình ảnh những thiếu nữ có thân hình vươn dài, rất dịu dàng và khép nép, với những đường nét và dáng điệu rất phương Đông.

Sau đó là những triển lãm khắp thế giới, quan trọng nhất là những triển lãm tại Paris (1943, nhà triển lãm Roux-Hentschel, cùng Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm), Bruxelles (1948, nhà triển lãm Van Loo), San Francisco (1962), New York (1963), Sài Gòn (1963)...

Năm 1964, sau khi ký hợp đồng với nhà triển lãm Wailly Findlay (Palm Beach, Chicago, New York, Mỹ), Lê Phổ trở thành họa sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất trên thị trường tranh quốc tế. Xuất hiện qua nhiều cuộc đấu giá trên toàn cầu, nhất là tại các nhà đấu giá hàng đầu như Christie’s và Sotheby’s, ngoài giá trị mỹ thuật, tranh của Lê Phổ có giá thị thương mại rất cao.

Mẹ và con (41cm x 58cm, bột màu trên lụa)

Không gian Việt Nam

Vào năm 1945, Lê Phổ tặng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một tranh sơn dầu khổ lớn, vẽ một phụ nữ vấn khăn trắng, mắt hướng về xa xăm, mang tâm sự tha hương của chính ông với tiêu đề Nhớ nhà (Nostalgie). Bức tranh này từng được triển lãm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nay không rõ thất lạc phương nào.

Năm 1946, Lê Phổ muốn hồi hương, nhưng vì lập gia đình với nhà báo người Pháp Paulette, cuối cùng ông vẫn sinh sống tại Paris.

Hai lần, vào năm 1988 và 1998, Lê Phổ ngỏ ý hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 20 tác phẩm do chính tay ông tuyển chọn trong kho tàng đồ sộ của cả cuộc đời sáng tác mỹ thuật. Tiếc rằng ý nguyện của ông không được hồi đáp.

Cuộc đời sáng tác của Lê Phổ có thể chia làm 2 giai đoạn trước và sau năm 1937, có thể gọi nôm na là thời gian Hà Nội và thời gian Paris. Nhưng như thế không phải để phân chia con người nghệ sĩ, hay phân chia thời gian phương Đông và thời gian phương Tây. Lê Phổ bao giờ cũng có một không gian chung cho cả 2 thời kỳ, đó là không gian Việt Nam, lúc nào cũng bàng bạc trong tất cả các tác phẩm của ông, dù được thể hiện dưới đề tài hay hình thức nào.

Hái rau (66,5 cm x 50 cm, năm 1932, bột màu trên lụa), sưu tập của Loan de Fontbrune

Thời gian Việt Nam là những bức tranh truyền thống, mà theo chúng tôi, điểm cao nhất là bức Thời hạnh phúc (L’âge heureux) đã nói ở trên. Đó là một tranh sơn dầu kích thước lớn, 127cm x 178cm. Chúng tôi đã được Lê Phổ kể lại trong niềm xúc động mạnh mẽ rằng bức tranh ấy đã bán đi, đã vượt khỏi tầm tay của họa sĩ từ ngay sau khi nó đoạt huy chương bạc tại Triển lãm Đấu xảo Thuộc địa Paris 1931. Sau đó rất lâu, họa sĩ đã tìm mua lại bức tranh của chính mình, như người cha tìm lại đứa con từ lâu lưu lạc. Trong thời gian này, tranh Lê Phổ có bản màu đằm thắm, như một bài thơ tĩnh lặng, êm đềm, xoay chuyển giữa các màu mạnh mẽ và thánh thiện, đen nâu trắng...

Cùng trong bố cục và bản màu của Thời hạnh phúc, có các tranh sơn dầu Trong nhà (La maison familiale au Tonkin), 179cm x 80cm, 1930; Chân dung một mệnh phụ (La femme du mandarin), 113cm x 80cm, 1931; Hai đứa trẻ (Les deux enfants), 92cm x 72cm, 1932...

Định cư tại Pháp từ năm 1937, cuộc đời sáng tác của Lê Phổ thay đổi theo môi trường. Cái nhìn của ông trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, nét cọ mang nhiều tinh xảo, uyển chuyển, đi sâu hơn vào chi tiết, như muốn trình bày trạng thái nội tâm. Nói theo nhà phê bình mỹ thuật Georges Waldermar: “Lê Phổ ngắm nhìn thiên nhiên bằng những con mắt rạng rỡ... Đề tài của ông đôi khi là những cái bé nhỏ tầm thường của tạo hóa, nhưng nghệ sĩ đã truyền qua chúng sự sống, đã biến chúng thành một phần linh hồn vũ trụ...”.

NGÔ KIM KHÔI

Nhìn từ đỉnh đồi của Lê Phổ: Kỷ lục giá tranh Việt Nam 844.697 USD

Ngày 22-11-2014, tại nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong, Nhìn từ đỉnh đồi (View from the hilltop), sơn dầu trên vải, kích thước 113cm x 192cm do họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) vẽ năm 1937 đã được bán 844.697 USD, lập kỷ lục mới về giá một bức tranh Việt Nam. Người bán là ông Patrick Lorenzi, người Pháp, thừa kế bức tranh từ ông nội mình, Auguste Eugène Ludovic Tholance (1878-1938), đã mua bức tranh khi là Thống sứ Bắc kỳ trong thời gian 1930-1937.

Trước đó, vào tháng 4-2012, tác phẩm Bức màn màu tím (Le rideau mauve) của Lê Phổ được bán với giá 2,9 triệu HKD (tương đương 373.520 USD) tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong.

Ngắm nhìn thiên nhiên bằng những con mắt rạng rỡ ảnh 4

Nhìn từ đỉnh đồi (View from the hilltop), 113 cm x 192cm, sơn dầu trên vải

Lê Phổ là họa sĩ người Việt có nhiều tranh được đấu giá nhất. Năm 2007, phòng tranh Leslie Hintman đã định giá bức Thiếu phụ trong vườn, sơn dầu trên lụa, khổ 104,1cm x 83,8cm của Lê Phổ từ 30.000-50.000 USD. Các tranh khổ nhỏ của ông, cỡ 46,4cm x 27,3cm cũng đều được bán với giá từ 6.000-8.000 USD. Trên mạng ArtNet trong một thời gian ngắn đã có tới 370 bức tranh của Lê Phổ được rao bán.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục