Ngân hàng sinh học cứu động vật bên bờ tuyệt chủng

Australia vừa được ra mắt tại TP Melbourne. Đây là nơi thu thập các tế bào sống từ động vật hoang dã đa dạng, độc đáo của Australia để trữ đông, qua đó có thể cứu được nhiều loài động vật bên bờ tuyệt chủng.

Tiến sĩ Joanna Sumner bên chiếc bể đông lạnh tế bào động vật ở Australia. Ảnh: UNIVERSITY OF MELBOURNE
Tiến sĩ Joanna Sumner bên chiếc bể đông lạnh tế bào động vật ở Australia. Ảnh: UNIVERSITY OF MELBOURNE

Theo SBS News, các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Victoria và Đại học Melbourne đã bắt đầu thu thập các mẫu mô từ 100 giống loài bị đe dọa tuyệt chủng ở Australia. Chuột khói và rồng không tai đồng cỏ là hai loài có tế bào đã được trữ đông.

Giáo sư Andrew Pask, một trong những người đứng đầu dự án, cho biết: “Chúng tôi có thể lấy mẫu mô từ các động vật đang tồn tại trong tự nhiên, nuôi cấy tế bào từ những động vật đó, rồi đông lạnh chúng. Phương pháp này có thể giúp sử dụng những tế bào để tái tạo các loài vật”.

Trong khi đó, tiến sĩ Joanna Sumner từ Viện Nghiên cứu Bảo tàng Victoria mô tả, dự án kéo dài 3 năm này như một “ngân hàng sinh học sống” ở nhiệt độ âm 196oC. “Australia là một trong những nơi có tỷ lệ động vật bên bờ tuyệt chủng rất cao. Đó là lý do chúng tôi phải bảo tồn những loài này trước khi chúng biến mất”, tiến sĩ Sumner nói.

Bà Peta Bulling, thành viên của Tổ chức bảo tồn Australia, cho biết, xứ sở chuột túi đang trải qua một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng, với hơn 2.000 loài thực, động vật và hệ sinh thái nằm trong danh sách các loài bị đe dọa cấp quốc gia.

Theo bà Bulling, chừng nào biến đổi khí hậu và sự hủy hoại môi trường sống vẫn đe dọa hệ động thực vật độc đáo của Australia, thì ngăn chặn sự tuyệt chủng là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu.

“Ngân hàng sinh học chắc chắn là một “công cụ trong hộp đồ nghề” được sử dụng để bảo vệ thiên nhiên ở Australia. Nhưng chắc chắn không phải là phép màu để giải quyết tất cả các vấn đề khi nó không thể giúp bảo vệ mối liên hệ văn hóa và tinh thần mà người dân Australia có với môi trường sống”, bà Bulling cho hay.

Có những lo ngại rằng việc đưa các loài trở lại cuộc sống giống như việc đóng vai đấng tối cao, nhưng cả các nhà khoa học và nhà bảo tồn như bà Bulling đều cho rằng đó là công việc cần thiết. Là một trong những người nổi tiếng trong các dự án đầy tham vọng kiểu này, ông Pask đã từng tham gia vào dự án cứu hổ Tasmania khỏi tuyệt chủng.

Nói về những lo ngại của dự án ngân hàng sinh học, giáo sư Pask giải thích: “Chúng tôi không muốn phải trải qua kịch bản tái tạo một con vật vì để mất nó. Cách thức hoạt động của việc này là để bảo tồn các tế bào sống từ con vật đó nên không cần phải tạo lại. Chúng tôi đã đông lạnh chúng ở dạng thực sự có thể sử dụng để tái tạo những con vật đó”.

Những người đứng đầu dự án đang tìm cách chia sẻ kỹ thuật ngân hàng sinh học với các viện nghiên cứu khác trên toàn Australia. Mục đích cuối cùng của họ là hướng đến đời sống hoang dã đa dạng của Australia, không để xảy ra việc các loài biến mất như trong quá khứ.

Tin cùng chuyên mục