Ngang nhiên mua bán trái phép đất rừng

Được giao quản lý bảo vệ rừng, nhưng nhiều cán bộ lâm nghiệp huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) lại mua bán, chiếm dụng đất rừng để canh tác. Có nơi, cán bộ công ty lâm nghiệp còn ép người dân đã phá rừng phải bán lại đất cho họ với giá rẻ mạt.
Ngang nhiên mua bán trái phép đất rừng

Được giao quản lý bảo vệ rừng, nhưng nhiều cán bộ lâm nghiệp huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) lại mua bán, chiếm dụng đất rừng để canh tác. Có nơi, cán bộ công ty lâm nghiệp còn ép người dân đã phá rừng phải bán lại đất cho họ với giá rẻ mạt.

Gỗ rừng tự nhiên tại lâm phần Công ty Đức Hòa bị chặt phá tràn lan để làm nương rẫy

Giao trứng cho ác

Dọc theo quốc lộ 14C (đoạn qua các xã Thuận Hạnh và Thuận Hà, huyện Đắk Song) là bạt ngàn vườn tiêu, cà phê và nhà ở mọc lên san sát trên đất rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Thuận Tân (viết tắt Công ty Thuận Tân). Bên cạnh đó còn có hàng chục ngàn trụ gỗ được dựng lên để chuẩn bị trồng tiêu. Cơn mưa rừng tầm tã, đất bazan nhão nhoẹt cũng không ngăn được hàng đoàn xe tải, máy múc, máy phun thuốc đang ầm ầm hoạt động. Một người dân đang làm rẫy cạnh đó cho hay, nơi đây có khoảng 70ha đất rừng do Công ty Thuận Tân quản lý nhưng đã giao khoán cho nhiều cán bộ huyện. Trong đó, có ông Lê Ân Tình (nguyên Trưởng Công an huyện Đắk Song), ông Nguyễn Văn Lũy và ông Đặng Đình Văn (hiện là Phó Công an xã Thuận Hạnh). Không chỉ cán bộ mà người nhà của họ cũng được giao cả chục hécta đất rừng.

Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đắk Nông, vào năm 2010, Công ty Thuận Tân đã ký hợp đồng giao khoán 28ha đất rừng (trái Nghị định 135 của Chính phủ)  tại khoảnh 6, tiểu khu 1124, thuộc lâm phần xã Thuận Hà, huyện Đắk Song cho ông Lê Ân Tình, trong đó có tới 22ha rừng tự nhiên. Sau đó, ông Tình liên kết trồng tiêu và cây muồng với bà Nguyễn Thị Thu Anh (nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đắk Mil) trên diện tích 11,6ha. Trong số đất rừng còn lại, ông Tình cho ông Đinh Văn Đức (người làm thuê cho ông Tình) 2,3ha; sau đó ông Đức bán lại cho ông Phan Cảnh Trọng lấy 430 triệu đồng. Ngoài diện tích liên kết với ông Tình, bà Thu Anh còn tự ý sử dụng 1ha đất trống (đất rừng của Công ty Thuận Tân quản lý bị phá năm 2013-2014) để trồng tiêu và muồng.

Trong khi đó, 2 phó công an xã Thuận Hạnh nhận đất rừng bằng… tên vợ. Trong đó, ông Nguyễn Văn Lũy (vợ tên Hoàng Thị Hợi, được Công ty Thuận Tân giao khoán 8,8ha rừng tự nhiên), ông Đặng Đình Văn (vợ tên Phạm Thị Mai, được giao khoán 15ha). Thậm chí, em vợ Phó Công an xã Đặng Đình Văn là ông Phạm Văn Quyết cũng được giao khoán 17ha rừng. Cả 3 người này đều được giao đất rừng từ năm 2011 và 2012. Trong diện tích giao khoán này có 26ha rừng tự nhiên cần phải bảo vệ, nhưng đến thời điểm hiện tại đã… sạch bóng cây rừng. Khi ông Đặng Đình Văn dẫn đi xem các khu rừng nhận khoán dọc quốc lộ 14C, chúng tôi thấy trên đất rừng do vợ ông Văn đứng tên nhận khoán có 3,5ha hồ tiêu, 2ha cà phê, gần 10ha đã phát dọn để chuẩn bị trồng cây, 4 nhà tạm bằng gỗ trên đất rừng… Hỏi ai trồng cây, làm nhà trên đất này, ông Văn nói: “Do gia đình tôi nhận khoán nhưng không bảo vệ được nên người dân đến phá rừng, chiếm đất rồi tự làm”. Còn trên diện tích 11ha đất rừng giao cho ông Nguyễn Văn Lũy cũng đang hiện hữu 3ha hồ tiêu, 5ha cà phê và 2,5ha đất mới phát dọn.

Nhận đất rừng để… bán?

Trong vai người đi mua đất rẫy trồng tiêu, chúng tôi tìm đến tiểu khu 1124 hỏi mua diện tích đất rừng mà bà Nguyễn Thị Thu Anh đang canh tác. Nằm trải dài hơn 100m mặt tiền quốc lộ 14C, khu đất này có địa thế rất đẹp. Cách đây 5 năm, khi chúng tôi qua đây vẫn thấy nhiều cây rừng xanh tốt, nhưng bây giờ tuyệt nhiên không còn bóng dáng cây rừng nào cả, thay vào đó là khoai lang, tiêu, muồng… đã được trồng lên. Từ quốc lộ bộ hành theo đường đất vào 20m, chúng tôi gặp bà Thu Anh trong căn nhà gỗ được dựng trên đất rừng. Nghe chúng tôi hỏi mua đất, bà Thu Anh mừng ra mặt và mời vào uống nước bàn chuyện. Khi chúng tôi hỏi diện tích đất này giờ thuộc sở hữu của ai, bà Thu Anh bảo rằng là của bà vì đã mua lại từ ông Tình. “Tôi và ông Tình làm hợp đồng giao khoán chỉ là giấy tờ giả thôi, còn thực chất ông Tình đã bán cho tôi bằng giấy viết tay với giá 3 tỷ đồng rồi. Đất này chưa được cấp sổ đỏ, nhưng Công ty Thuận Tân đã giải thể rồi nên sau này sẽ trả đất về cho huyện để làm sổ đỏ cho dân, các anh yên tâm đi”, bà Thu Anh trấn an.

Không đề cập giá bán cụ thể nhưng bà Thu Anh cho biết, giá chung ở khu vực này từ 400 - 500 triệu đồng/ha đất trống, còn 300m mặt tiền dọc quốc lộ 14C thì tính giá thổ cư, mỗi mét ngang 10 triệu đồng. Trong khi đó, ông Lê Ân Tình cho biết chỉ liên kết trồng rừng với bà Thu Anh chứ chưa hề bán? “Vào năm 2010, tôi nhận khoán diện tích nói trên và giao cho mấy đứa cháu trông giữ để trồng rừng nhưng không giữ được. Sau đó, tôi làm hợp đồng liên kết với chị Thu Anh để trồng rừng, ăn chia lợi nhuận. Hiện đất ấy vẫn là của tôi chứ chưa hề bán cho ai vì tôi biết mua bán đất rừng là vi phạm pháp luật”, ông Tình cho hay.

Mua “giá bèo”

Đến các xã Đắk Mol, Đắk Hòa và Nam Bình (thuộc huyện Đắk Song), chúng tôi nghe nhiều người dân tố cáo cán bộ bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Đức Hòa (Công ty Đức Hòa) bao chiếm, mua bán đất rừng, thậm chí còn đi phá rừng. Ông L.V.H. (một người dân ở xã Đắk Mol) cho biết: “Dân đụng đến đất rừng là bị cán bộ Công ty Đức Hòa đến chặt cây, phá nhà và trục xuất, nhưng chính những cán bộ này lại sở hữu nhiều đất đai do phá rừng mà có, họ đang ngang nhiên trồng cà phê”. Từ thông tin đó, chúng tôi đã vào tiểu khu 1098 (do Công ty Đức Hòa quản lý) và phát hiện 0,5ha đất trồng cà phê của ông Nguyễn Trường Nhật (cán bộ bảo vệ rừng của công ty) đang cho thu hoạch. Được biết, năm 2013, ông Nhật mua lại 0,5ha đất này chỉ với giá 3 triệu đồng.

Cùng năm đó, ông Hoàng Văn Đại (nguyên Giám đốc Lâm trường Đức Hòa, hiện là cán bộ văn phòng Công ty Đức Hòa) mua lại của ông H. (trú tại bon Blân, xã Đắk Mol) 0,5ha đất rừng cũng với giá… 3 triệu đồng. Ông Đại thừa nhận có mua lại đất rừng của người dân để trồng cà phê. Điều trái khoáy là đất này lại thuộc lâm phần được giao cho Công ty Đức Hòa quản lý, bảo vệ. Ông Đại nói: “Khi nhận trồng rừng cho công ty, tôi thấy diện tích đất liền kề phía dưới bị người dân chặt phá nên hỏi mua để tiện… quản lý(?)”. Còn ông Nguyễn Chí Cường (cán bộ bảo vệ rừng công ty) không mua đất trống mà mua hẳn 1,5ha cà phê đang kinh doanh (cũng do Công ty Đức Hòa quản lý) của ông L. (ở thôn Rừng Lạnh, xã Đắk Hòa). Không chỉ vậy, có cán bộ của  Công ty Đức Hòa còn “tự khai phá” đất rừng làm của riêng. Trong đó, ông Nguyễn Minh Thùy (cán bộ văn phòng công ty) đã “khai phá” 1,2ha tại tiểu khu 1107 để trồng cà phê và đang cho thu hoạch.

Về việc một số cán bộ công ty mua bán đất rừng, ông Phạm Đình Dũng (Giám đốc Công ty Đức Hòa) cho biết: “Bước đầu công ty xác định có 13 cán bộ đã tự khai phá, mua lại đất rừng của người dân để trồng cà phê với diện tích 13,3ha. Trong đó, một số người đã mua trước khi vào làm việc tại công ty, một số khác mua trong quá trình công tác tại đây. Thời gian tới, công ty sẽ thu lại diện tích đất rừng nói trên, đồng thời xử lý trách nhiệm những cán bộ này”.

Phát hiện 4 cán bộ mua bán đất rừng

Theo kết luận thanh tra số 02/KL-UBND ban hành ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh Đắk Nông, qua thanh tra công tác quản lý đất đai và bảo vệ rừng tại Công ty lâm nghiệp Thuận Tân đã phát hiện gần 2.500ha đất rừng bị người dân xâm chiếm, chuyển đổi thành đất nông nghiệp trồng cây công nghiệp và cây ngắn ngày. Nhưng công ty chỉ theo dõi được hơn 139ha đất rừng bị xâm chiếm, chiếm tỷ lệ 5,6%. Trong việc quản lý đất rừng bị phá, còn có tình trạng cán bộ quản lý bảo vệ rừng của công ty mua bán đất rừng trái phép. Qua xác minh, phát hiện 4 quản lý bảo vệ rừng của công ty gồm các ông Bùi Văn Sỹ, Nguyễn Văn Sâm, Đỗ Viết Đàn và Nguyễn Văn Hùng đã có hành vi mua bán trái phép 6,5ha đất rừng.


CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục