Điểm đến của các nhà sản xuất
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng, đạt 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm trước). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành, với mức tăng 12,7%. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là địa điểm đầu tư hấp dẫn mà các nhà sản xuất có thể tìm thấy ở một quốc gia dựa trên chuỗi giá trị.
Theo đánh giá của một số tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp lớn và uy tín như Jetro (Nhật Bản), EuroCham Việt Nam (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), Amcham Việt Nam (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam)…, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. “Độ mở” của nền kinh tế cao, do Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương với hầu hết các đối tác, khu vực thương mại lớn trên thế giới. Do đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất của các hiệp hội, tổ chức nói trên, sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Lý giải vì sao Việt Nam lại là điểm đến thu hút các nhà sản xuất, ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc Công ty Reed Tradex, cho rằng mạng lưới gồm 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam là một trong những yếu tố thuận lợi nhất mà các nhà sản xuất có thể tìm thấy ở một quốc gia vào thời điểm này, dựa trên chuỗi giá trị. Theo đó, các hiệp định này đã giảm đáng kể thuế quan, tạo ra những cải cách trong nước và mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, hiện nay, các công ty nước ngoài bao gồm cả các công ty, tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Intel… đều hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất theo hướng chú trọng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN với nhiều cảng biển lớn. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác với các nhà sản xuất ô tô của Thái Lan và Indonesia, nhằm thiết lập một cụm công nghiệp phát triển bền vững cho ngành công nghiệp ô tô. Điều này là rất khả thi, bởi thực tế một chiếc ô tô được cấu thành với hơn 30.000 linh kiện. Một quốc gia riêng biệt, hầu như không thể tự cung ứng được tất cả số linh kiện này.
Đồng quan điểm trên, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, nhận định Việt Nam ngày càng trở thành địa điểm đầu tư thu hút các doanh nghiệp FDI nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. Nếu như năm 2016, tổng mức đầu tư đã đăng ký của các doanh nghiệp Nhật Bản là 2,15 tỷ USD, thì tới năm 2017, con số này đã tăng hơn 9 tỷ USD. Trong khi đó, kết quả khảo sát từ Jetro cũng cho thấy, 70% các công ty Nhật Bản phản hồi tích cực sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới.
Mặc dù vậy, ông Takimoto Koji cũng cho biết, khó khăn của các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa (LPR) của Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực, mới chỉ đạt 33,2% (năm 2017). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được đẩy mạnh kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Đảm bảo uy tín và chất lượng
Ông Tsuyoshi Shimizu, cố vấn Tập đoàn Panasonic Exel International, chuyên gia của tổ chức JICA Nhật Bản, cho biết hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang thiếu thông tin về các nhà cung cấp địa phương; trong dữ liệu về công nghiệp phụ trợ, nếu chỉ liệt kê thì không có ý nghĩa, cần phải xếp hạng các doanh nghiệp. Vị chuyên gia này cho rằng, yếu tố doanh nghiệp Việt Nam hợp tác thành công được với các doanh nghiệp Nhật Bản, đó là tâm thế chân thành và là đối tác tin cậy của nhau trong kinh doanh. Cho dù doanh nghiệp Việt Nam năng lực ban đầu có thấp, nhưng nếu lãnh đạo đơn vị muốn học hỏi từ doanh nghiệp Nhật Bản và cố gắng đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ.
Một điểm nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn thẳng vào điểm yếu của mình để có giải pháp khắc phục. Một thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp bản địa thường nói dối, phóng đại năng lực sản xuất, khi đó các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nhìn thấy rõ điều này và không còn tin tưởng đến lần thứ hai.
Trong các buổi làm việc gần đây giữa các chuyên gia của Nhật Bản và Samsung với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam, các chuyên gia đều nhấn mạnh, cam kết chất lượng giữa 2 bên là rất quan trọng. Bởi, nếu chất lượng không đảm bảo sẽ làm mất uy tín của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp FDI sợ nhất điều này, chính vì vậy, việc tham gia vào chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp FDI đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cam kết đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm. Việt Nam cần xác lập các tiêu chuẩn công nghiệp, tiêu chuẩn an toàn giống các nước ASEAN. Đồng thời phải luôn không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Có như vậy, doanh nghiệp mới nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.