Thị trường trong ngày đầu tiên “siết” kinh doanh vàng miếng, giá vàng SJC diễn biến phức tạp. Một số tiệm vàng tư nhân không được cấp phép kinh doanh vàng miếng vẫn mua, bán khi có khách yêu cầu. Một số ngân hàng thương mại được cấp phép đã chính thức triển khai kinh doanh vàng miếng nhưng giao dịch chưa nhiều, một số khác lại đưa ra yêu cầu mua bán có điều kiện.
Giá vàng SJC nhảy loạn xạ
Giá vàng SJC trong ngày đầu tiên siết kinh doanh vàng miếng đã liên tục “nhảy nhót”: sáng giảm nhẹ, sau đó giảm sâu và chiều tăng trở lại do tâm lý của người dân theo từng thời điểm.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) trong ngày 10-1, khách hàng đến giao dịch khá nhộn nhịp. Có thông tin cho rằng, sau khi các DN không được cấp phép kinh doanh nên đã đem vàng đi bán, chủ yếu bán cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cân đối được trạng thái vàng cuối ngày theo quy định của NHNN (không được giữ vàng trạng thái cuối ngày vượt quá 2% so với vốn tự có - PV) nên đã không nhận mua vàng. Trong khi đó, các DN được phép kinh doanh vàng miếng lại không bị quy định trạng thái vàng trong ngày nên người dân đã dồn đến đây bán và phải chấp nhận giá bán theo thỏa thuận.
Lý giải việc giá vàng SJC điều chỉnh liên tục trong ngày, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC cho biết, trong buổi sáng, lượng khách đến bán vàng khá đông khiến cung nhiều hơn cầu nên giá mua vào rớt khá mạnh chỉ trong khoảng 1 giờ, giá vàng SJC từ trên 46 triệu đồng/lượng, có lúc xuống sát 45,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vào buổi chiều nhiều người mua “bắt đáy” nên giá điều chỉnh lên 45,9 triệu đồng/lượng, sau đó nhiều người tiếp tục mua vào nên giá vàng SJC vào cuối ngày đã hồi lại mức trên 46 triệu đồng/lượng. “Thông thường thị trường có mua, có bán trong khi buổi sáng chỉ có mua vào và buổi chiều chỉ có bán ra. Thị trường vàng diễn biến phức tạp chủ yếu do tâm lý của người dân” - ông Tường cho biết. Tuy vậy, tổng lượng giao dịch của SJC trong ngày 10-1 chỉ khoảng trên dưới 1.000 lượng vàng.
Giao dịch ngầm
Ghi nhận tình hình chung trong ngày 10-1, các tiệm vàng nhỏ lẻ không được cấp phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TPHCM đã không còn niêm yết giá vàng miếng SJC trên bảng hiệu. Chủ hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu cho biết đã ngưng kinh doanh vàng miếng theo quy định và chỉ kinh doanh nữ trang. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, một số tiệm vàng nhỏ lẻ vẫn tiếp tục mua, bán vàng miếng khi khách có nhu cầu. Chúng tôi vào một tiệm vàng trên đường Phan Đình Phùng quận Phú Nhuận hỏi mua 1 chỉ vàng SJC, chủ tiệm vàng cho biết thu vào 4,46 triệu đồng và bán ra 4,62 triệu đồng/chỉ.
Tương tự, một tiệm vàng trên đường Lê Quang Định quận Bình Thạnh đã không còn niêm yết giá vàng SJC trên bảng báo giá, không trưng bày vàng miếng nhưng khách có nhu cầu thì vào bên trong giao dịch. Một vài tiệm vàng gần chợ Thiếc quận 11 cho biết khách đến giao dịch vẫn mua bán nhưng chỉ giao dịch vàng miếng SJC. Tuy nhiên, giá mua và giá bán chênh lệch đến gần 5 triệu đồng/lượng vàng SJC. Một tiệm vàng gần chợ Vườn Chuối quận 3 khi vào hỏi, nhân viên bán hàng cho biết đã chính thức không mua, bán vàng miếng từ ngày 10-1.
Tuy nhiên, một người khách quen gọi điện thoại đến mua 2 lượng vàng, tiệm vàng này đã chốt giá 46 triệu đồng/lượng vào khoảng 12 giờ và có nhân viên giao tận nhà như thường lệ.
Ghi nhận tại các tổ chức tín dụng, trong ngày 10-1, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã chính thức kinh doanh mua, bán vàng miếng trở lại. Ngoài việc mua bán vàng miếng tại ngân hàng này, khách hàng có thể sử dụng thêm các sản phẩm dịch vụ kèm theo để tạo thành một gói sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh theo từng nhu cầu cụ thể như dịch vụ giữ hộ vàng, dịch vụ chuyển vàng trong hệ thống Sacombank… Đại diện Sacombank cho biết, trong ngày cũng đã có khách hàng đến mua, bán vàng miếng tại ngân hàng nhưng không có gì đột biến.
| |
Hạnh Nhung
Gần 2.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán
Với dòng tiền lớn đổ vào thị trường đã làm cho VN-Index ngày 10-1 tiếp tục tăng, vượt mốc 460 điểm. Tăng phiên thứ 12 liên tục, chốt phiên VN-Index đã tăng 11,35 điểm, tương đương 2,53%, đạt 460,12 điểm với 165 mã chứng khoán tăng giá, 56 mã đứng giá và 68 mã giảm giá. VN30-Index tăng 14,28 điểm, tương đương 2,69%, đạt 545,8 điểm với 27 mã chứng khoán tăng giá, 2 mã đứng giá và 1 mã giảm giá.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên đã tăng 0,92 điểm, tương đương 1,54%, đạt 60,53 điểm với 152 mã chứng khoán giảm giá, 66 mã đứng giá và 87 mã tăng giá. HNX30-Index tăng 3,42 điểm, tương đương 2,99%, đạt 117,58 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
N.Ng.
Thông tin liên quan:
>> Chính thức thu hẹp kinh doanh vàng miếng