
Trong không khí vui tươi của ngày Quốc khánh 2-9, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã chia sẻ những cảm xúc…
- Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Nhớ Bác!

Đến ngày 2-9, không ai trong chúng ta lại không nhớ về Bác Hồ kính yêu. Ngày tôi còn nhỏ, ở quê tôi - Quảng Nam nghèo khó, nhà tranh vách lá, nhưng trong mỗi gia đình đều dành những vị trí trang trọng nhất để treo, dán hình ảnh của Bác.
Hàng năm, đến ngày Trung thu, Hội mẹ - chị ở quê tôi thường làm những cái bánh Trung thu tặng cho trẻ con và nói rằng, bánh này là của Bác Hồ gởi tặng, đứa trẻ nào cũng mừng rỡ. Khi lớn lên, vào Sài Gòn học đại học, đêm đêm tôi thường mở radio nghe đài Hà Nội, đài Giải phóng phát những chương trình âm nhạc với những ca khúc viết về Bác Hồ, đến giờ vẫn còn in đậm trong tôi…
Là một nhạc sĩ, một nhà báo anh học được những gì từ tấm gương đạo đức của Bác? Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tiếp lời: “Tôi học tập ở Bác đức tính rất giản dị, rất gần gũi, thân thương với mọi người, đặc biệt là những người lao động bình thường. Qua các phim tư liệu, cho thấy, mỗi khi Bác đi về những vùng nông thôn, về thăm một nông trường nào đó, Bác đều ngồi xuống bắt tay những nông dân, công nhân, cùng uống một chén nước hay cầm cuốc cuốc đất cùng bà con… Bác rất hòa đồng. Còn trong cuộc sống, cách ăn mặc của Bác thật giản dị, mà theo tôi nghĩ là Bác tiết kiệm, không muốn lãng phí của công.
Thế nhưng cái hình tượng mà tôi yêu nhất là lúc Bác đội nón, cưỡi con ngựa đi ngang qua một dòng suối để thị sát chiến trường. Hình ảnh này làm tôi nhớ lại thơ của Tố Hữu: “Nhớ Người những sáng tinh sương. Thong dong yên ngựa trên đường suối reo. Nhớ chân Người bước qua đèo. Người đi rừng núi trông theo bóng Người”.
Với những ấn tượng, tình cảm sâu đậm về Bác Hồ, là một nhạc sĩ chắc hẳn anh sẽ viết những ca khúc mới ngợi ca Bác? Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thổ lộ: “Tôi cũng ước mong như vậy. Tuy nhiên, trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ viết nhiều ca khúc với ca từ, giai điệu quá hay nên tôi chưa dám viết. Khi nghe ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó” của Nguyễn Tài Tuệ, ông khai thác giai điệu của miền cao Tây Bắc hết sức tài tình, hay nghe Trần Hoàn với “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, ông khai thác ngôn ngữ dân ca Nghệ An và cái tứ của bài cũng rất mới, rất độc đáo; rồi ca khúc “Tình Bác sáng đời ta” của Lưu Hữu Phước… Tuy nhiên, trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ cố gắng viết, hay nói đúng hơn, tôi đã viết được một đoạn trong một bài hát ca ngợi Bác.
Tuy nhiên, thiếu sót của tôi là chưa một lần về làng Kim Liên, Nghệ An, quê hương của Bác để mình đứng nhìn hồ sen, ngắm nhìn cảnh quan nơi đây và đặc biệt là được nghe các anh, chị ở Nghệ An hát dân ca Nghệ An, rồi ngồi tịnh tâm lại, chắc chắn tôi sẽ có được những cảm xúc sâu lắng, dạt dào. Viết về Bác, về một nhân cách lớn, phải tập trung cao độ mọi cảm xúc, tâm hồn với lòng kính yêu vô hạn.
- Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Ngày càng gắn bó hơn với đất nước

Tôi nghĩ, không chỉ cá nhân mình mà mọi người Việt Nam đều thấy hãnh diện vì ngày Quốc khánh 2-9. Bất cứ một nước nào cũng đều thấy như vậy vì quốc khánh là một ngày trọng đại, với Việt Nam càng hãnh diện hơn vì 2-9 cũng là ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mỗi năm đến ngày Quốc khánh, tôi lại nhớ khi mình còn nhỏ, được cha mẹ chở đi chơi ngoài phố, tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy vẫy. Đường phố rực rỡ và tràn ngập màu cờ đỏ, trông thật đẹp. Những năm về trước, tôi thường tự mình treo cờ. Bây giờ, vì thường bận diễn vào dịp Quốc khánh nên công việc ấy đã có người khác trong gia đình làm.
Hòa vào niềm vui chung của đất nước, tôi cũng tự thấy mình ngày càng trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Tôi cảm thấy ngày càng gắn bó với đất nước mình vì nơi ấy cho tôi sự thành công, tình yêu thương của khán giả. Chính vì vậy, tôi luôn ý thức làm một người công dân tốt, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bất cứ lúc nào có thể.
Tôi cũng tự hào, trong “vốn” bài hát mình đã hát thành công, có những bài hát ca ngợi đất nước, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Đất nước trọn niềm vui, Bài ca không quên, Bài ca nhớ Bác. Quốc khánh năm nào tôi cũng được mời tham gia các chương trình ca nhạc trên truyền hình.
Trong dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi tham gia chương trình văn nghệ chào mừng tại Công viên 23-9 với bài hát Bài ca nhớ Bác. Được tham gia những chương trình như thế, với tôi không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm với niềm hãnh diện vì đâu phải ca sĩ nào cũng được lựa chọn.
- Diễn viên điện ảnh Tăng Thanh Hà: Tôi thật may mắn

Được lớn lên trong hòa bình, nên cảm xúc của tôi về ngày Quốc khánh không giống với lớp cha chú, ông bà. Tôi thích ngày 2-9 vì năm nào đến ngày này tôi cũng được nghỉ ngơi, vui vẻ cùng gia đình. Tối đến, cùng bạn bè xuống phố. Thành phố thật lung linh, rực rỡ vì đèn hoa và dọc hai bên đường ngợp màu cờ đỏ.
Tôi đã có nhiều dịp ra Hà Nội, cũng đã đến Quảng trường Ba Đình, vào lăng viếng Bác. Tôi vẫn nghĩ mình là người Việt Nam may mắn vì có được cuộc sống, sự thành đạt như ngày hôm nay. Được sinh ra trong một đất nước hòa bình, tươi đẹp, càng thấy quý trọng mỗi khi nghĩ về ngày đất nước bước vào trang sử mới, được khai sinh trong nền độc lập tự do.
Hiểu được điều ấy, để thấy mình càng phải cố gắng đóng góp sức mình cho xã hội, cho cuộc sống này. Tôi tự nhủ, mình làm tốt công việc được giao, luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào việc đem lại cho khán giả những bộ phim hay, có chất lượng cũng là cách góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển hơn.
Đỗ Hạnh – Như Hoa