Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM lần thứ 8 - Độc đáo phong trào, lộng lẫy truyền thống

Khác với mọi năm, ngày thơ năm nay không diễn ra vào lễ Nguyên Tiêu mà được tổ chức sớm vào ngày 24-2 (nhằm ngày 11-1 Canh Dần). Ngày thơ năm nay cũng có nhiều cái lạ như không tổ chức ngoài trời mà diễn ra tại Nhà hát TPHCM, có chủ đề cụ thể là “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” và dành khá nhiều thời gian cho thơ trẻ.Ưu ái thơ trẻ
Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM lần thứ 8 - Độc đáo phong trào, lộng lẫy truyền thống

Khác với mọi năm, ngày thơ năm nay không diễn ra vào lễ Nguyên Tiêu mà được tổ chức sớm vào ngày 24-2 (nhằm ngày 11-1 Canh Dần). Ngày thơ năm nay cũng có nhiều cái lạ như không tổ chức ngoài trời mà diễn ra tại Nhà hát TPHCM, có chủ đề cụ thể là “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” và dành khá nhiều thời gian cho thơ trẻ.

Ưu ái thơ trẻ

Năm nay, vinh dự mở đầu cho ngày thơ Việt Nam tại TPHCM, thơ trẻ chiếm hơn 1/3 thời lượng ngày thơ, kéo dài suốt buổi sáng ngày 24-2 với hai điểm nhấn chính là phần giới thiệu các nhà thơ mới và phần tâm sự về thơ. Các nhà thơ trẻ mới năm nay đều thực sự rất mới, nhiều người trong số họ chỉ vừa xuất hiện trên thi đàn như Đỗ Thanh Vân, Chiêu Anh Nguyễn, Song Mây, Phạm Phương Lan, Huệ Chiêu, Tuệ Nguyễn…

Tâm sự của các nhà thơ được xem là một phần đặc biệt của thơ trẻ TPHCM năm nay. Mỗi nhà thơ trẻ, cả mới lẫn đã quen thuộc, trước khi có tác phẩm được biểu diễn đều có dịp bày tỏ tâm sự với khán giả yêu thơ về những vần đề của mình khi bước đi trên con đường thơ. Những tâm sự này có thể là những trải nghiệm, ưu tư, suy ngẫm,… giúp bạn yêu thơ thấu hiểu hơn về sự sáng tạo, nỗi vất vả của những nhà thơ trẻ hôm nay.

Ngoài phần biểu diễn của các nhà thơ trẻ tương đối chuyên nghiệp trong sáng tác, ngày thơ tại TPHCM còn dành riêng một khoảng thời gian vào buổi chiều (từ 17g đến 19g) để biểu diễn thơ của các nhà thơ sinh viên.

Năm nay, có CLB thơ của 5 trường ĐH tham dự gồm ĐH KHXH&NV, Văn Hiến, Sư Phạm, Y Dược, Ngoại thương. Nhiều năm gần đây, thơ sinh viên vốn ít được chú ý trong ngày thơ, với việc được dành hẳn một phần chương trình năm nay cho thấy sự quan tâm đến mảng thơ của các bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường.

Không còn chiếu thơ như năm ngoái, năm nay các bạn thơ trẻ sẽ chọn sân khấu làm nơi biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Không còn chiếu thơ như năm ngoái, năm nay các bạn thơ trẻ sẽ chọn sân khấu làm nơi biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Thỏa sức sáng tạo

Năm ngoái, tiết mục biểu diễn của các CLB thơ đã gây bất ngờ cho ban tổ chức. Năm nay, tiếp nối truyền thống, các CLB thơ cũng có sự chuẩn bị rất công phu như tiết mục thơ-hát xẩm Vui nhất có chợ Đồng Xuân của NVH quận Tân Bình. CLB Hương Việt thì có tiết mục kịch thơ Công chúa Huyền Trân. Ngoài ra, còn có Đêm hội hoa xuân theo làn điệu chèo hay Lễ tết Việt Nam với làn điệu chầu văn.

Theo ông Lê Văn Thảo, việc tổ chức trong phạm vi nhà hát có ưu điểm là đảm bảo hiệu quả nghệ thuật của các tiết mục biểu diễn nhưng lại có nhược điểm là thiếu đi không gian cho trưng bày thơ, vốn cũng là một nét đẹp của ngày thơ hàng năm. Ông Thảo mong mỏi: “Nếu có được một ví trí ngoài trời với sân khấu lớn thì việc tổ chức ngày thơ sẽ hấp dẫn hơn, gần gũi với bạn yêu thơ hơn”.

Khác với tính chất độc đáo của các CLB, phần chính của ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay lại mang đậm nét long trọng, lộng lẫy. Ngay từ ngoài cửa nhà hát, ban tổ chức đã cho trưng bày 22 hình ảnh của những nhà thơ tiêu biểu cho lịch sử thơ Việt Nam (do HNV Việt Nam tuyển lựa) và 2 nhà thơ tiêu biểu của TPHCM là Lê Anh Xuân và Viễn Phương. Kèm hình ảnh của mỗi nhà thơ là những câu thơ đã làm nên tên tuổi của mỗi người.

Do chủ đề năm nay hướng về Thăng Long nên những bài thơ được chọn đều có âm hưởng hướng về quê hương, về mảnh đất Thăng Long lịch sử. Đặc biệt, sảnh chính nhà hát dành để giới thiệu một nhà thơ đặc biệt - Chủ tịch Hồ Chí Minh - với bài thơ Nguyên tiêu, bài thơ tạo nên ý tưởng tổ chức ngày thơ hàng năm.

Phần chính ngoài việc giới thiệu các nhà thơ tiêu biểu còn tạo sự chú ý với phần biểu diễn “Chiếu dời đô” của Đoàn Nghệ thuật hát bội TPHCM gợi nhớ về sự mở đầu cho một chiều dài lịch sử đầy hào hùng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Nhiều người lo lắng chủ đề “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” liệu sẽ giới hạn sự sáng tác của các tác giả? Tuy nhiên, ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM, khẳng định: “Thương nhớ Thăng Long không chỉ là thuần túy thương nhớ một mảnh đất địa lý cụ thể, đó còn là sự thể hiện tình yêu quê hương, đất nước con người Việt Nam nói chung mà Thăng Long - Hà Nội là một biểu tượng tinh thần. Chính vì thế, những sáng tác của các nhà thơ sẽ thỏa sức mở rộng”. 

TƯỜNG VI

Tin cùng chuyên mục